Pháp luật

Bộ Tư Pháp đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính

DNVN - Phát biểu tại “Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023” ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đứng đầu các bộ, ngành.

Cà Mau: Ngành văn hóa "tăng tốc" số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính / Cần Thơ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Theo đó, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, năm 2022, với nỗ lực vượt khó khăn, toàn ngành tư pháp đã kịp thời tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp trong phản ứng chính sách, cung cấp ý kiến pháp lý ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế-xã hội.

Các sở tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực.

Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, nhất là lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được chú trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp tiếp tục được tăng cường, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước.


Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính
của Bộ Tư pháp đứng đầu các bộ, ngành.

Ngành tư pháp đã thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành.

Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.

Thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng.

“Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Long nói.

Đưa công tác tư pháp lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các cơ quan tư pháp tiếp tục có giải pháp đột phá, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó lưu ý lồng ghép thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành tư pháp được giao.

“Tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế phục vụ phát triển kinh tế, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại từng địa phương. Chú trọng thực hiện truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm