Người lao động nước ngoài trong DN Việt có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Công ty tôi hiện tại đang sử dụng một số lao động nước ngoài. Những người lao động nước ngoài này không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Xin hỏi: Trường hợp người lao động nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty tôi có phải trả trợ cấp thôi việc cho họ không?
Nam Định: Xã đội trưởng bị khởi tố về tội đánh bạc / Nghệ An: Thất nghiệp, "nữ quái" 3 lần lừa tiền 1 người
Bạn đọc có email huyentran@XXX gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty tôi hiện tại đang sử dụng một số lao động nước ngoài. Những người lao động nước ngoài này không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Xin hỏi: Trường hợp người lao động nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty tôi có phải trả trợ cấp thôi việc cho họ không?
Luật gia Nguyễn Thị Trang, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Theo quy định tại Luật Việc làm 2013 thì người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau: 1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo đó, theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động thì các trường hợp người lao động có thể được chi trả trợ cấp thôi việc bao gồm:
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này;
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
4. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;
5. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
6. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
7. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;
8. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Căn cứ các quy định đã trích dẫn ở trên, lao động nước ngoài đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên mà chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các trường hợp nêu trên sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động chi trả.
Chuyên mục Tư vấn pháp luật được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088- gọi đường dây nóng: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến số 6 Phạm Văn Bạch, Hà Nội và Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Q3, TPHCM để được luật sư tư vấn trực tiếp vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu hàng tuần. |
Công ty Luật TNHH YouMe
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo