Pháp luật

Quyết liệt ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại ở biên giới Tây Nam

DNVN - Sau thời gian giãn cách xã hội, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ở các tỉnh biên giới Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng các tỉnh đã ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ đề xuất hỗ trợ người bán vé số dạo từ 50.000 đồng/ngày / Long An: Đề nghị các tỉnh Tây Nam Bộ phối hợp đưa người dân đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh về địa phương

Sau giãn cách, cũng là lúc nhu cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết khan hiếm, giá cả tăng cao, các đối tượng buôn lậu tìm cách tuồn hàng hóa từ bên kia biên giới về Việt Nam để tiêu thụ, hưởng lợi bất chính. Công an các tỉnh biên giới Tây Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT),… tăng cường đấu tranh, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển hàng lậu. Ở nội địa, Công an các địa phương phối hợp cùng QLTT kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, tàng trữ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp…

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, thời gian tới, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để bắt giữ, xử lý các đầu nậu, buôn lậu chuyên nghiệp, quyết tâm không để đầu nậu, hàng lậu trôi nổi trên địa bàn, kể cả là hoạt động nhỏ lẻ.

Hàng lậu, không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp

Hiện nay, do nhu cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022, nên các đối tượng đã tinh vi, thay đổi phương thức để vận chuyển hàng hóa vào nội địa tiêu thụ. Tuy nhiên, với quyết tâm truy quét, triệt xóa các tổ chức buôn lậu, tội phạm tại khu vực biên giới, Công an tỉnh An Giang đã xác lập, đấu tranh các chuyên án “đánh thẳng” vào các đường dây, đối tượng cầm đầu hoạt động buôn lậu trên địa bàn.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an toàn tỉnh An Giang đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 1.268 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả và nhiều vụ việc khác, liên quan đến 620 đối tượng, tổng giá trị hàng hoá trên 27,18 tỷ đồng. Tang vật gồm: 496.789 gói thuốc lá ngoại. 57.000 kg đường cát, 84 xe ô tô, 386 xe mô tô, 24 xuồng máy và nhiều loại hàng hoá khác. Khởi tố 45 vụ, 98 bị can; xử lý vi phạm hành chính 809 vụ, xử phạt tiền 422 đối tượng với số tiền 7,4 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục xử lý…

tình trạng hóa chất, dầu nhớt không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến những thương hiệu nổi tiếng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Tình trạng hóa chất, dầu nhớt không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến những thương hiệu nổi tiếng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Điển hình như, trưa 25/11, trên tuyến Quốc lộ 91, từ nguồn tin báo tố giác tội phạm của người dân, Tổ liên ngành kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 71C - 037.54 đang lưu thông tại đoạn thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, vận chuyển trên 45.800 sản phẩm được đóng gói trong thùng giấy carton, gồm: 16.458 hũ, hộp và gói kem các loại, 14.150 sản phẩm linh kiện điện tử, 8.294 quần áo may sẵn, 427 đôi dép, 948 lít nhớt, 1.184 mét giấy dán tường, 4.060 mét vải, 200 cái áo phản quang, 28 thùng màng co nắp chai, 3 cuộn thép và 50 ống sắt tròn. Số hàng hóa trên có xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc… Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Phạm Tấn Thới (sinh năm 1992, trú tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) không xuất trình được hóa đơn để chứng minh được nguồn gốc số hàng hoá. Ước tính tổng giá trị hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình trạng hóa chất, dầu nhớt không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến những thương hiệu nổi tiếng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, mới đây, tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang, tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện 2 xe ô tô vận chuyển số lượng lớn hóa chất và dầu thủy lực không rõ nguồn gốc, trị giá hàng hóa khoảng 400 triệu đồng.

Cụ thể, khoảng 6h30 phút ngày 28/11, tại khu vực khóm Xuân Hòa (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên), tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh tiến hành dừng xe ô tô tải mang biển kiểm soát 67C - 068.68 do tài xế Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1987, ngụ xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) điều khiển để kiểm tra. Qua đó phát hiện 318 bao hóa chất xuất xứ Trung Quốc, với khối trọng lượng gần 8 tấn.

Đến khoảng 8h30 phút cùng ngày, cũng tại khu vực trên, tổ công tác phát hiện xe ô tô tải mang kiểm soát 62C - 151.91 do tài xế Danh Kiệt (sinh năm 1990, ngụ xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) điều khiển có chở 630 lít dầu thủy lực chứa trong 35 thùng nhựa. Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên lập biên tạm giữ tang vật, phương tiện để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Còn tại Long An, chỉ trong tháng 10/2021, lực lượng Công an, Quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện, bắt giữ 3 xe ô tô tải vận chuyển gần 200.000 bao thuốc lá ngoại. Trong đó, có 1 xe đầu kéo (container) vận chuyển 115.450 bao thuốc lá ngoại các loại. Trong quý III/2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Long An đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan chủ yếu đến mặt hàng thuốc lá và đường cát. Hàng hoá, phương tiện tạm giữ, tịch thu là 527.340 bao thuốc lá ngoại, 6.1150 kg đường cát, 47 chiếc xe ô tô, 81 chiếc xe gắn máy. Riêng đối với mặt hàng cấm là thuốc lá điếu trên tuyến địa bàn hoạt động diễn biến phức tạp.

Theo thông tin, do chênh lệch giá thuốc lá phía biên giới Campuchia và Việt Nam rất cao giao động chênh lệch từ 7.000 đến 12.000 đồng/bao nên đối tượng buôn lậu dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để đưa hàng qua biên giới vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...

Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Trước tình trạng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo và livestream để bán hàng không đảm bảo chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã ra quân kiểm tra. Theo đó, vào khoảng 9h ngày 20/11, qua tin báo cùng với các biện pháp nghiệp vụ, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng công an địa phương đột xuất kiểm tra hành chính hộ kinh doanh LEO 2 (địa chỉ số 39, đường Nguyễn Văn Cừ, khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) do Huỳnh Minh Phúc (sinh năm 1991) làm chủ.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại nơi trưng bày và kho của hộ kinh doanh này có chứa trên 16.400 chai, gói, hộp, hủ, lọ mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, thực phẩm chức năng, nước sát khuẩn có nhãn mác nước ngoài và không rõ nguồn gốc, với trị giá hàng hoá khoảng 450 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, Phúc thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hoá trên, nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và bàn giao cho Công an thị xã Tân Châu xác minh, xử lý.

Tương tự, khoảng 15h ngày 19/11, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp với cùng Đội QLTT số 1 và Công an thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh Lâm Thị Y (tổ 10, khóm Xuân Hòa) do ông Trịnh Minh Hưng (sinh năm 1988, ngụ khóm Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam, TP Châu Đốc) làm đại diện. Qua kiểm tra, phát hiện trong kho của cơ sở có 236 thùng carton (chứa 4.674 chai nước rửa chén hiệu Superlight) không hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn nhái nhãn hiệu nổi tiếng.

Từ lời khai của ông Hưng về nơi sản xuất số nước rửa chén trên, đến khoảng 19h cùng ngày, tổ công tác phối hợp Công an xã Đa Phước (huyện An Phú) kiểm tra cơ sở kinh doanh Thăng Long (tại số 6242, tổ 53, ấp Hà Bao 1) do người này làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hưng có xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bộ tự công bố sản phẩm Superlight có dấu hiệu nghi vấn chưa đúng theo quy định.

Kiểm tra thực tế hàng hóa và nguyên liệu dùng để sản xuất tại địa điểm trên, đoàn kiểm tra ghi nhận tổng cộng 600kg nguyên liệu hiệu Sodium Lauryl Sulfate dùng sản xuất nước rửa chén được chứa trong 24 bao không có nhãn hàng hóa, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; 3.700 chai nhựa có dán nhãn rửa chén Superlight (loại 760gram/chai và loại 790gram/chai), 8.200 tờ nhãn hàng hóa nước rửa chén Superlight; 300 lít sản phẩm chứa trong 2 thùng nhựa.

Đặc biệt, tại hộ kinh doanh có 1.990 chai sản phẩm thành phẩm nước rửa chén Superlight do cơ sở Thăng Long sản xuất có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng theo quy định về nhãn hàng hoá. Vụ việc được giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh tạm giữ toàn bộ hàng hóa và nguyên liệu để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng An Giang tạm giữ hàng ngàn sản phẩm thuốc BVTV không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng An Giang tạm giữ hàng ngàn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.

Không chỉ mặt hàng mỹ phẩm, lực lượng chức còn phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Theo đó, khoảng 13h30 phút ngày 25/9, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đồng loạt kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Thành Phê (ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng) do ông Nguyễn Thành Phê (sinh năm 1962) làm chủ và cửa hàng kinh doanh Thành Phê 2 (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội) do bà Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1988) làm chủ. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên 7.700 bao, chai, can và gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) các loại không hóa đơn chứng từ. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, khoảng 9h ngày 23/9, đơn vị trên tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Phương Thúy (địa chỉ: tổ 8, ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng) do bà Nguyễn Phương Thúy (sinh năm 1977) làm chủ. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại cơ sở có trên 3.200 chai, gói thuốc BVTV và phân bón nhiều nhãn hiệu khác nhau. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên.

Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ 2 cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên và An Phú tiếp tục điều tra.

Xử lý cán bộ “nhúng chàm”

Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Châu Đốc (An Giang) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Thị Vàng (sinh năm 1987, ngụ phường Vĩnh Nguơn) để điều tra về hành vi buôn lậu. Bà Vàng là vợ của một thượng tá biên phòng tỉnh An Giang.

Theo Công an, vào ngày 27/2, tổ công tác phòng, chống buôn lậu Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc kiểm tra hành chính 3 căn nhà trên địa bàn, gồm: nhà số 276 (đường Tuy Biên, khóm Vĩnh Chánh 2) do bà Vàng làm chủ; nhà số 142 (đường Phan Xích Long, khóm Vĩnh Tân) cũng do bà Vàng làm chủ, nhưng cho Lê Văn Lên (sinh năm 1990, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) thuê; nhà số 193 (đường Tuy Biên, khóm Vĩnh Chánh 2) do bà Trần Thị Dũng (sinh năm 1970, ngụ phường Vĩnh Nguơn) làm chủ hộ, bà Dũng là chị ruột bà Vàng.

Tại 3 căn nhà, tổ công tác phát hiện, thu giữ trên 1.140 sản phẩm cùng hơn 1,3 tấn hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, không hóa đơn, chứng từ. Sau đó, tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật và bàn giao vụ việc cho Công an TP Châu Đốc thụ lý để tiếp tục điều tra. Xác định có dấu hiệu tội phạm buôn lậu nên Cơ quan CSĐT Công an TP Châu Đốc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu. Tháng 8/2021, Cơ quan CSĐT Công an thành phố này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dũng và Lên về hành vi nói trên.

Liên quan đến vụ án, tháng 3/2021, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang quyết định thi hành kỷ luật đảng đối với thượng tá biên phòng khi người này đang giữ chức phó trưởng phòng. Cán bộ này được xác định thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến để vợ, con cho người khác gửi hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong nhà, bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, tạo ra dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân, gia đình, đơn vị và lực lượng BĐBP. Sau đó, UBKT Bộ Tư lệnh Biên phòng đã vào kiểm tra và đã đình chỉ công tác của thượng tá này để chờ kết quả điều tra.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968, ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) về tội rửa tiền. Bị can Võ là nguyên trưởng phòng của Công an tỉnh An Giang.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Võ về tội rửa tiền. Bị can Võ là nguyên trưởng phòng của Công an tỉnh này.

Tương tự, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cũng đã ký quyết định đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ do có liên quan đến đường dây buôn lậu bà “trùm” Mười Tường (Nguyễn Thị Kim Hạnh, sinh năm 1969, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu, trong đó có 2 lãnh đạo cấp phòng.

Trước đó, ngày 30/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968, ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) về tội rửa tiền. Bị can Võ là nguyên trưởng phòng của Công an tỉnh An Giang. Theo điều tra, bị can Võ đã có hành vi tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên 3 tỷ đồng của “trùm” buôn lậu Mười Tường phạm tội mà có.

Qua khám xét một số nơi ở của bị can Võ, lực lượng công an đã thu giữ được một số tài liệu, tang vật liên quan đến vụ án. Trước đó, bà Mười Tường bị khởi tố 3 tội danh, trong đó có 2 tội danh là “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, 1 tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện 23 vụ với 16 đối tượng có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng vật tư nông nghiệp. Việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này trên thị trường. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, nông dân và sức khỏe cộng đồng.

Thái Cường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm