Tin tức - Sự kiện

Miền Tây Nam Bộ với 5 ngày đếm ngược thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch

DNVN - Tại cuộc họp trực tuyến tổng kết phương án thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố phấn đấu đến ngày 25/8 sẽ cô lập được "vùng đỏ", mở rộng "vùng xanh", các F0 được đưa đi điều trị kịp thời, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà có gì? / Trà Vinh: Chậm chi hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn vì dịch COVID-19

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, thành phố sẽ xây dựng chiến lược xác định sớm và bảo vệ chắc chắn các “vùng xanh”, có biện pháp thu hẹp “vùng đỏ”. Bên cạnh việc quản lý thật chặt người và phương tiện ra vào thành phố, tuyệt đối không để phát sinh các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát cho bằng được các ca nhiễm trong cộng đồng, không để xuất hiện chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới và các ca không rõ nguồn lây. Theo đó, sau ngày 25/8, mục tiêu của TP Cần Thơ là cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất, mở rộng thêm “vùng xanh” và tăng tỷ lệ F0 được điều trị khỏi.

“Dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 15, riêng huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ trở lại trạng thái “bình thường mới”. Phấn đấu đến ngày 15/9, toàn thành phố sẽ trở lại trạng thái bình thường mới", ông Trường cho biết.

Đến chiều 19/8, TP Cần Thơ đã ghi nhận 3.555 ca F0; 1.757 bệnh nhân được điều trị khỏi. Thành phố đã tiêm hết nguồn vaccine được Trung ương phân bổ, theo đó 248.427 người được tiêm vaccine, trong đó 7.817 người được tiêm đủ 2 liều.

Các tỉnh thành Tây Nam Bộ tham gia họp trực tuyến. (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, để phấn đấu đến 25/8, toàn tỉnh sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Yêu cầu địa phương kiểm soát chặt các phiếu đi chợ ở các chợ truyền thống, không để phiếu trở thành “giấy thông hành hợp pháp”; nơi nào dịch bệnh còn phức tạp, xuất hiện “ổ dịch” nguy hiểm, cần phong tỏa 24/24 giờ để sàng lọc, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, địa phương thành lập các tổ “đi chợ hộ” đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương cần tận dụng thời gian 7 ngày giãn cách xã hội còn lại, để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam” và mở rộng “vùng xanh”. Đặc biệt, kể từ 0h ngày 20/8, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành và các địa phương của tỉnh An Giang thực hiện làm việc tại nhà. Ngoại trừ lực lượng công an, quân sự và y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Chỉ cho phép trưởng hoặc phó trưởng cơ quan, đơn vị đến cơ quan để giải quyết công việc.

Hiện nay, công tác tầm soát diện rộng ở các địa phương “chưa đều tay”, thiếu đồng nhất; nhiều nơi, tỷ lệ xét nghiệm tầm soát sàng lọc trên tổng số hộ dân trong vùng dịch còn thấp, chưa đảm bảo mục tiêu quy định đối với từng mức độ dịch. Do vậy từ nay đến trước ngày 25/8, các địa phương cần phải tăng cường sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam” và mở rộng “vùng xanh”.

Hướng tới mục tiêu tỉnh Đồng Tháp kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8, PGS,TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp trình bày nội dung đề xuất phương án, kế hoạch triển khai việc chống dịch trên địa bàn tỉnh gồm các vấn đề: Xét nghiệm sàng lọc quy mô toàn tỉnh; thiết lập các điểm thu dung, tổ chức cách ly phù hợp; thiết lập hệ thống điều trị liên thông với khu thu dung; thiết lập hệ thống thông tin điều hành các nguồn lực chống dịch; hệ thống truyền thông chống dịch; tổ chức bộ phận điều phối chung toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu, trên cơ sở đề xuất của PGS,TS. Doãn Ngọc Hải, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các tiểu ban nghiên cứu, tính toán việc tầm soát phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Phong nhắc lại, trên tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 100% hộ gia đình phải được xét nghiệm đại diện. Đồng thời nhấn mạnh, nhiều huyện, thành phố xác định kết thúc việc xét nghiệm tầm soát vào ngày 25/8 là không đạt được yêu cầu. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, đến ngày 23/8, phải kết thúc việc xét nghiệm tầm soát trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá được hiện trạng dịch bệnh ở các địa phương và cả tỉnh. Tiểu ban xét nghiệm cần nhanh chóng chuẩn bị sinh phẩm, hóa chất... phục vụ việc xét nghiệm.

Trong báo cáo ngày về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của các huyện, thành phố cần bổ sung thông tin số lượng hộ gia đình đã được lấy mẫu xét nghiệm đại diện; có nhận định, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Các địa phương chuẩn bị “kịch bản”, phương án sau khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 (lần thứ 3) trên tinh thần vừa chuyển sang trạng thái mới, vừa giữ được kết quả phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ mới đây, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các tỉnh, thành phố phải chủ động đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi vaccine về tới địa phương trên kế hoạch tiêm chủng tổng thể đã phê duyệt. Ông nhắc lại, các địa phương không hạn chế điểm tiêm, số lượng người tiêm, đảm bảo phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng.

“Để thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch trên đây, các tổ công tác của Bộ Y tế cần tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, mục tiêu đến ngày 25/8 phải kiểm soát được dịch bệnh, sớm đẩy lùi dịch bệnh ở các tỉnh này và trên cả nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm