Pháp luật

Sẽ có quy trình kiểm toán riêng nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng

DNVN - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hà Thị Mỹ Dung cho biết, KTNN đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Theo đó, khi kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật thì KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng.

Năm 2023 sẽ kiểm toán 14 tập đoàn, tổng công ty và các tổ chức tài chính, ngân hàng / Vi phạm hành chính về kiểm toán có thể bị phạt 100 triệu đồng

Chia sẻ tại buổi họp báo Công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022, chiều ngày 2/7, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN tập trung chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện ra sai phạm và kiến nghị xử lý.
Các hình thức xử lý bao gồm: tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước; kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công. Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xem xét xử lý theo quy định.
Thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý. Đồng thời, cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra.
Trong tổng số 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc (14 vụ việc đã khởi tố, điều tra, xử lý; 21 vụ việc có ý kiến để điều tra, giám định). Một số vụ việc khác cần có thời gian để tiếp tục điều tra, xác minh trong thời gian tới.
“Quá trình phối hợp với các cơ quan điều tra xử lý các vụ việc mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN luôn nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tất cả các vụ việc không phải là việc đơn giản. Nhiều vấn đề cần có thời gian để điều tra, xác minh. Vì vậy, KTNN sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan trong thời gian tới”, bà Dung nói.
Bà Dung nhấn mạnh, ngày 16/5/2023, KTNN ban hành Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN quy định quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/6/2023.
Đáng chú ý, quy trình này quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán. Quy định việc xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Quy trình được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán Nhà nước, hệ thống chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán của KTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Quy trình gồm 3 bước: phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Việc ban hành Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của các luật liên quan. Bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Đồng thời, đây là căn cứ để tổ chức thực hiện các bước công việc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình thực hiện kiểm toán.
“Quyết định số 07/2003/QĐ-KTNN là một tài liệu rất quan trọng của KTNN. Trong quá trình kiểm toán, nếu kiểm toán viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật thì KTNN sẽ có quy trình kiểm toán riêng”, bà Dung nói.
Hoài Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm