Chuyển đổi số

Kiểm toán Nhà nước thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số

Với những hành động cụ thể, thiết thực, Kiểm toán Nhà nước đã và đang chung tay cùng cả nước phát triển nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với quá trình chuyển đổi số.

Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ chính thức hoạt động / Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chíp bán dẫn phục vụ chuyển đổi số

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Kiểm toán Nhà nước.

Xu thế tất yếu và yêu cầu cấp thiết

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Cuộc cách mạng làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu kiểm toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa, tiết kiệm thời gian, công sức, không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý, tiếp cận gần hơn với hệ thống kiểm toán quốc tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Luật Kiểm toán Nhà nước cho phép Kiểm toán Nhà nước được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu của đơn vị được kiểm toán. Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025.

 

Trong những năm qua, trước bối cảnh tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn thông tin luôn được Kiểm toán Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật đối với hệ thống thông tin và an toàn thông tin trên môi trường mạng phục vụ hoạt động của cơ quan này. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường đầu tư nâng cao an toàn thông tin với hệ thống an toàn bảo mật hiện đại, bài bản, nhiều tầng, lớp.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã tăng cường trang bị các phần mềm bản quyền cho các máy tính cá nhân như: Bản quyền hệ điều hành, phần mềm phòng, chống virus, phần mềm tẩy xóa dữ liệu…; triển khai các giải pháp về an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước, tài liệu quan trọng trên máy tính và phương tiện thông tin, viễn thông.

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng trên 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành nội bộ và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đối với các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 14 ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, quản lý hoạt động kiểm toán và tác nghiệp kiểm toán của kiểm toán viên; kịp thời theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của toàn ngành; xây dựng các công cụ hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng…

Ngoài ra, từ năm 2017 đến năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã số hóa hồ sơ kiểm toán (trên 950 cuộc với hơn 13 triệu trang tài liệu các loại), tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng Cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa Kiểm toán Nhà nước và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử, đồng thời Kiểm toán Nhà nước trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các thông tin liên quan đến hoạt động, kết quả kiểm toán trên môi trường mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, Kiểm toán Nhà nước đã cấp tài khoản cho hơn 2.000 đơn vị được kiểm toán và các đơn vị đã cung cấp hơn 8.000 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí thông qua Cổng trao đổi thông tin.

Chủ động, linh hoạt để rút ngắn khoảng cách với thế giới

 

Dù hành trình chuyển đổi số của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước nhưng những kết quả bước đầu là minh chứng cho thấy cơ quan này đã và đang từng bước phát huy tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu hiện đại hóa mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán để góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển và thích ứng linh hoạt hơn với quá trình chuyển đổi số đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn từng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhìn sang bạn bè quốc tế, trong lĩnh vực kiểm toán, bao giờ cũng là lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. So với yêu cầu, so với bạn bè trong khu vực, chúng ta còn khoảng cách khá lớn, cần phải tăng tốc để thu hẹp khoảng cách này”.

Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước, phối hợp với các đơn vị trong ngành tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch công nghệ thông tin; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, các biểu mẫu, phương pháp kiểm toán, xây dựng các tiêu chí kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán của ngành. Xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản dưới luật để đảm bảo môi trường pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập, khai thác dữ liệu điện tử trên các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quan trọng của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế cho việc thu thập, chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu định kỳ. Xây dựng các quy chế quản lý, khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động hiệu quả, an toàn và ổn định.

 

Bên cạnh đó, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phát triển đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin có đủ năng lực chuyên môn để tham mưu phát triển, quản lý và tổ chức vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu và cập nhật công nghệ mới, đào tạo “kỹ sư phân tích dữ liệu”.

Đối với đội ngũ kiểm toán viên, công chức, Kiểm toán Nhà nước tập trung đào tạo kỹ năng làm chủ công nghệ, năng lực xử lý, phân tích dữ liệu thông qua việc áp dụng các phần mềm, công nghệ số trong tác nghiệp kiểm toán; nâng cao kỹ năng tiếp cận, khai thác dữ liệu điện tử và sự hiểu biết về các hệ thống thông tin của đơn vị được kiểm toán; kỹ năng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trên môi trường mạng khi thực hiện kiểm toán và trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc hàng ngày…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm