Sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn
Việt Nam khẳng định phát triển nghề cá bền vững, chống khai thác IUU / An Giang: Kiểm tra rèn luyện thể lực cán bộ, chiến sĩ công an
Luật Ban hành VBQPPL đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế - Ảnh: VGP/LS
Góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chếHội nghị nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực tiễn thi hành các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật và thực tiễn tổ chức thi hành, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Trải qua hơn 8 năm thi hành, Luật Ban hành VBQPPL đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở nước ta; qua đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.
Luật Ban hành VBQPPL đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật; giúp quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL đi vào nền nếp ở cả Trung ương và địa phương; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần hạn chế việc ban hành thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề trong công tác ban hành văn bản; công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng có chiều sâu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL cho thấy Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau đại dịch Covid-19. Đồng thời nhằm thực hiện các mục tiêu hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tích cực trong việc lấy ý kiến, truyền thông rộng rãi về đề nghị xây dựng các luậtTheo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, tính từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/12/2023, tổng số VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 7759 văn bản. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 113 luật, 03 pháp lệnh, 32 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 983 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 353 quyết định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 6.184 thông tư văn bản. Chính quyền địa phương ban hành ban hành 90.610 VBQPPL. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 32.721 VBQPPL; Cấp huyện ban hành 18.006 VBQPPL; Cấp xã ban hành 39.883 VBQPPL.
Lần đầu tiên, Luật Ban hành VBQPPL có các quy định cụ thể tách bạch 02 giai đoạn trong xây dựng một số loại VBQPPL (giai đoạn lập đề nghị xây dựng và giai đoạn soạn thảo). Thực tiễn cho thấy, quy trình 2 bước như hiện nay là phù hợp, nhất là các đạo luật có phạm vi, nội dung phức tạp, các VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao như luật, pháp lệnh, nghị quyết, được xem xét kỹ lưỡng từ khâu xây dựng nội dung, đánh giá tác động của chính sách, xem xét, thông qua chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL góp phần nâng cao chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, hầu hết các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được chuẩn bị tốt; thứ tự ưu tiên đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được xác định hợp lý, khoa học hơn.
Thực hiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực trong việc lấy ý kiến, truyền thông rộng rãi về đề nghị xây dựng các luật có tác động lớn đến xã hội, được người dân, doanh nghiệp quan tâm, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực trong việc lấy ý kiến đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, Phòng, chống tác hại rượu, bia, Luật Đất đai... Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến tích cực, giảm đáng kể số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng; chất lượng văn bản quy định chi tiết được cải thiện. Có thời điểm, Chính phủ không còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Với các quy định, yêu cầu cụ thể được luật quy định, chất lượng công tác thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các bộ, ngành và của Sở Tư pháp các địa phương ngày càng được nâng cao. Báo cáo thẩm định thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tham khảo khi xem xét thông qua, ban hành văn bản.
Điểm mới của Luật Ban hành VBQPPL là giới hạn phạm vi thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã, góp phần đưa công tác xây dựng VBQPPL của chính quyền địa phương từng bước được chuẩn hóa; khắc phục tình trạng hệ thống VBQPPL ở địa phương cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc. Trong 08 năm thi hành Luật, số lượng VBQPPL do cấp huyện, cấp xã ban hành giảm đáng kể, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước khi Luật năm 2015 có hiệu lực. Chất lượng VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành VBQPP
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Luật Ban hành VBQPPL đã trải qua thời kỳ tương đối dài, từ Luật năm 1996, 2002, 2008, 2015, 2020. Trong suốt quá trình đó, pháp luật về ban hành VBQPPL đã có những đóng góp cơ bản trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý các vấn đề quốc tế, hội nhập; thực hiện các chính sách qua các thời kỳ của Đảng, Nhà nước.
“Vì vậy, cần xác định rõ quan điểm, cách tiếp cận trong định hướng sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL bởi luật này có tính định tính và tính đặc thù xã hội rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số hạn chế trong pháp luật nói chung và Luật Ban hành VBQPPL nói riêng, trong đó phải kể đến một số trường hợp, thủ tục ban hành VBQPPL còn rườm rà, thiếu linh hoạt, không kịp và không xử lý được một số vấn đề phát sinh.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chặt chẽ nhưng có độ mở, độ linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn kết hợp hiệu lực áp dụng trực tiếp.
Nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.
Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và tổ chức thi hành pháp luật.
Tiếp tục phát huy, bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật; đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL trong thời gian tới và giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện Báo cáo tổng kết để sớm báo cáo Chính phủ, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo