Viện KSND Tối cao yêu cầu báo cáo việc chuyển tội danh đối với doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân
Vì sao đại án 304 tỉ đồng liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bế tắc suốt 5 năm qua? / Điều kỳ lạ trong vụ án doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Bị hại khẳng định không bị thiệt hại, Cơ quan điều tra áp đặt là có?
Mới đây, ngày 26/3/2021, Viện KSND Tối cao (Vụ 6 – Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp) đã có CV gửi Viện trưởng Viện KSND TP. Cần Thơ yêu cầu xem xét giải quyết đơn của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân “khiếu nại Cơ quan an ninh điều tra CA TP. Cần Thơ đã hình sự hóa quan hệ kinh tế, khởi tố, điều tra tội danh không đúng pháp luật…” .
Trước đó, ngày 23/3/2021 Viện KSND Tối cao (Vụ 3 - Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế) cũng đã có công văn yêu cầu Viện KSND TP. Cần Thơ báo cáo “nội dung và quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án; căn cứ, lý do thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999”.
Có thể thấy đến nay những lý do chuyển tội danh đối với các bị can trong vụ “đại án” 304 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT VN Chi nhánh TP. Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) vẫn là điều “bí ẩn” đối với công luận và ngay cả với cơ quan tố tụng!.
Theo Cơ quan an ninh điều tra CA TP. Cần Thơ, ngày 24/12/2015 cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau đó thay đổi thành vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến ngày 16/6/2016 tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiến đoạt tài sản”.
Ngày 28/6/2016 thì ra quyết định nhập 2 vụ án hình sự nói trên thành vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dự án cụm Nhà máy chế biến Nông thủy sản xuất khẩu gần 10 hecta tại Hậu Giang đang được đầu tư xây dựng trở nên hoang phế sau khi doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bị khởi tố bị can.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… “Đến ngày 18/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra ra Quyết định thay đổi Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ; Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ. Cùng ngày Cơ quan An ninh điều tra ra Quyết định nhập vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và ra các Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can, đối với các bị can trong vụ án về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt độngc ảu các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ Luật Hình sự”.
Sau quá trình điều tra và truy tố, Tòa án ND TP. Cần Thơ đã 2 lần đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Nhưng cả hai lần, Tòa án ND TP. Cần Thơ đều dừng phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm đình chỉ điều tra rồi lại phục hồi điều tra… hiện dư luận đang trông chờ phiên xử thứ 3 của Tòa án ND TP. Cần Thơ.
Một điều khiến dư luận và giới doanh nhân không khỏi băn khoăn là ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”? Theo các chuyên gia pháp lý, chủ thể của tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng” là chủ thể đặc biệt, người phạm tội chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng.
Doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân là người đi vay, không làm việc tại Ngân hàng và không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong Ngân hàng. Ông Nhân cũng không thuộc trường hợp đồng phạm vì theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015: "Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức".
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân liên tục kêu oan.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cho rằng: “Toàn bộ tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay do tôi thụ hưởng, do vậy tôi không thể là đồng phạm giúp sức. Bản thân tôi cũng không giúp sức bằng lời hứa hẹn trong bất kỳ hình thức nào kể cả hứa hẹn về vật chất, che giấu người phạm tội, che giấu các tang, vật chứng hoặc sẽ tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có. Tôi cũng không giúp sức về tinh thần như những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình nghiệp vụ. Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ Ngân hàng được đào tạo chuyên môn vì tôi không có chuyên môn về lĩnh vực Ngân hàng”.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong loạt bài “Vụ án doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự”, đến nay Agribank vẫn khẳng định quan điểm chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân do tài sản thế chấp vẫn đang bị Cơ quan An ninh điều tra CA TP. Cần Thơ phong tỏa.
Một trong những tài sản đảm bảo cho khoản vay của doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đang bị Cơ quan điều tra phong tỏa.
Theo Agribank Cần Thơ, nếu thực hiện giải tỏa kê biên, xử lý tài sản thế chấp thì ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi cả gốc và lãi đối với các khoản vay liên quan đến doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân. Như vậy có thể thấy khi không có thiệt hại nào xảy ra tại Agribank Cần Thơ thì cũng chẳng có vụ án nào về “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Cần Thơ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo