Vụ chạy thận làm 9 người chết: Lật lại hồ sơ sai phạm của nguyên giám đốc Trương Quý Dương
(DNVN)-Mua thuốc không rõ nguồn gốc bán giá cao cho đồng bào dân tộc, tham ô tiền lương, mua máy móc y tế kém chất lượng… và cuối cùng là 9 cái chết của bệnh nhân chạy thận. Đó là hàng loạt sai phạm kể từ khi ông Trương Quý Dương tham gia “cống hiến” trong ngành y tế Hòa Bình.
Bác sĩ Hoàng Công Lương, ép tội nào cũng không vừa / “BOT y tế” và những cái chết không thể tránh khỏi
Điều dễ nhận thấy qua các phiên tòa xét xử vụ án làm chết 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình (bắt đầu từ ngày 8/1/2019) là việc buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng Quy chế bệnh viện của Bộ y tế của ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc bệnh viện.
Như trong bài “BOT y tế” và những cái chết không thể tránh khỏi” (Doanh nghiệp VN ra ngày 15/1/2019) đã phản ánh, việc thực hiện không công khai, không minh bạch, không tổ chức đấu thầu và cố ý làm trái các quy định của ngành y tế, ông Trương Quý Dương đã biến “BOT y tế” thành cỗ máy giết người.
Thế nhưng khi lật lại hồ sơ quá trình “cống hiến” và thăng tiến của bác sĩ Trương Quý Dương trong ngành y tế Hòa Bình, PV Doanh nghiệp VN đã tìm thấy nguyên nhân sâu xa nằm ngoài vụ án 9 bệnh nhân chạy thân bị tử vong.
Ông Trương Quý Dương liên tục bị phát hiện mắc nhiều sai phạm từ khi phục vụ ngành y tế Hòa Bình.
Từ bán thuốc giá cao…
Năm 1992, bác sĩ Trương Quý Dương được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kim Bôi, Hòa Bình (TTYT Kim Bôi). Trong giai đoạn từ 1992 – 1996, TTYT Kim Bôi của ông Trương Quý Dương bị phát hiện: “Việc TTYT Kim Bôi tự quy định và thực hiện thu lệ phí % lãi bán thuốc BAMACO đối với các cơ sở bán thuốc ở các trạm y tế xã, phòng khám khu vực và hiệu thuốc là trái với Quyết định 276/QĐ-CT ngày 28/7/1992 của HĐBT… Lãnh đạo đã chỉ đạo nhân viên mua thuốc giá cao không đúng địa chỉ và bán giá cao cho nhân dân là đúng sự thật”. (Báo cáo của Thanh tra tỉnh - Sở Y tế Hòa Bình ngày 10/6/1998 số 304/BC-L; Dự án BAMACO quay vòng vốn thuốc phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào dân tộc từ nguồn viện trợ của UNICEF – PV).
Cũng tại Báo cáo 304/BC-LN, Thanh tra Tỉnh và Sở Y tế Hòa Bình đã kiến nghị: “Tiến hành xem xét kiểm điểm về tinh thần trách nhiệm đối với các ông bà liên quan có lỗi và khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế và thu lệ phí trái quy định, sử dụng không đúng mục đích, chi lương khống và tham ô tiền lương ở TTYT Kim Bôi gồm có nguyên Giám đốc Trương Quý Dương, Giám đốc Nguyễn Quang Sinh, Phó giám đốc Dương Thị Cậy…”. Đây là lần sai phạm thứ nhất của ông Trương Quý Dương.
Năm 1997, ông Trương Quý Dương được điều về làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em tỉnh Hòa Bình (BVSKBMTE). Năm 2004, khi này ông Trương Quý Dương đang làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Công an (CA) tỉnh Hòa Bình đã xác minh Trung tâm BVSKBMTE biển thủ hơn 172 triệu đồng vào năm 2002.
Tư dinh lộng lẫy nhiều tỉ đồng của nguyên Giám đốc Trương Quý Dương. Ảnh Tiền Phong
Theo CA tỉnh Hòa Bình: “Việc phát hiện và tố giác của một số cán bộ Trung tâm về những biểu hiện cố ý làm trái nguyên tắc trong quản lý kinh tế của TT là có thật, cần được làm rõ và xử lý đúng quy định, thu hồi lại tiền cho Nhà nước. Hành vi vi phạm trên là nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của lãnh đạo Trung tâm và một số cán bộ có liên quan. Nhưng số cán bộ có liên quan đã tích cực khắc phục hậu quả, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cần được xử lý nghiêm về mặt hành chính, kinh tế”. (CV số 12/PV11 (PC15) ngày 7/10/2004). Điều đáng phục là trong CV của CA tỉnh Hòa Bình không có một chỗ nào nhắc đến 3 chữ “Trương Quý Dương”, mặc dù khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo Trung tâm BVSKBMTE!.
… Đến mua máy y tế không rõ nguồn gốc
Năm 2003, ông Trương Quý Dương được bổ nhiệm làm Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Việc đầu tiên của ông Trương Quý Dương với tư cách Giám đốc BV đa khoa tỉnh HB là tiếp nhận ngay "đồng phạm" Trần Văn Thắng về làm Trưởng phòng vật tư BV đa khoa tỉnh - một vị trí béo bở. Điều này cũng dễ hiểu vì tham nhũng phải có dây! (trong vụ sai phạm ở Trung tâm BVSKBMTE-KHHGĐ tỉnh, Trần Văn Thắng đã nộp lại cho CA kinh tế tỉnh trên 100 triệu đồng khắc phục hậu quả - PV).
Cặp bài trùng Trương Quý Dương và Trần Văn Thắng đã trải qua nhiều phi vụ.
Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ 2003 – 2005, ông Trương Quý Dương đã tự ý tuyển dụng 114 lao động (trong đó có 15 cán bộ trong biên chế và 99 lao động hợp đồng). Trong mua sắm trang thiết bị, giám đốc Dương chỉ định thầu mua máy Điện giải đồ trị giá 149.000.000đ nhưng “máy không có lý lịch gốc, chất lượng kém vì thường xuyên phải sửa chữa và không sử dụng được”. (Kết luận 01 của Thanh tra nhân dân Bệnh viện Đa khoa HB ngày 18/7/2005)
Còn theo Báo cáo của Thanh tra tỉnh (số 10/BC-TTr ngày 13/3/2006): Máy Điện giải đồ có xuất xứ như sau: Hồ sơ nhập khẩu của máy có “Nguồn gốc Châu Âu”, còn tờ khai Hải quan ghi “Xuất xứ từ Mỹ”. Vì vậy Thanh tra tỉnh cho rằng: “Trong nội dung về máy điện giải đồ Thanh tra tỉnh không đủ cơ sở kết luận về xuất xứ, chất lượng của máy”… Những sai phạm trên chỉ là một phần trong số 16 vấn đề được thanh tra khẳng định là đúng, có cơ sở trên tổng số 22 vấn đề sai phạm mà CBCNV BV tỉnh tố cáo.
Trước những sai phạm nghiêm trọng của Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 15/5/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình lúc đó là ông Bùi Văn Tỉnh đã có CV số 860/UBND-NC gửi Sở Y tế tỉnh nêu rõ: Sở Y tế tỉnh phải có đề xuất kỷ luật, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22/5/2006.
Ngày 22/5/2006 Hội đồng kỷ luật Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã họp đưa ra hình thức kỷ luật: "Cách chức chức vụ Giám đốc BV đa khoa tỉnh đối với ông Trương Quý Dương". Vậy tại sao Trương Quý Dương vẫn tiếp tục tại chức để có thể thực hiện chót lọt phi vụ “BOT y tế”?!.
(Còn nữa)
Đỗ Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo