Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Hạn chế từ cơ chế đầu tư
Đã có hai lần trả lời chất vấn, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ tập trung vào nội dung về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ; biện pháp để sớm thực hiện có kết quả chủ trương này; vấn đề phát triển công nghiệp chế tạo trong nước để đáp ứng nhu cầu máy móc, công cụ trang thiết bị phục vụ cho sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giải đáp những vấn đề liên quan tới thị trường, hàng giả hàng nhái hàng lậu trong nền kinh tế nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp; thị trường bán lẻ trong nước....
Trong lần này, Bộ trưởng nhận được 29 đại biểu đăng ký chất vấn. Các bộ giải trình thêm cùng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) hỏi có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện Nhà nước như Hòa Bình công suất lớn nhưng mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta lại phải mua điện tư nhân, nhập điện từ Trung Quốc thì đây có phải lãng phí hay không? Nếu đúng thì vì sao có hiện tượng đó, nếu sai Bộ trưởng có thể giải thích cụ thể?
Bộ trưởng cho biết, không có cơ sở cho việc nói rằng chúng ta phát điện cầm chừng, trong khi đi mua điện nước ngoài. Chúng ta đang xây nhiều công trình điện lớn: Tuyên Quang, Yaly, Sơn La…; tận dụng lợi thế thủy năng, phát điện, cắt lũ mùa mưa. Không có lý do gì không khai thác các nhà máy thủy điện lớn. Nhà máy thủy điện Hòa Bình sản lượng 9-10 tỷ KW/giờ; Thủy điện Sơn La 3 năm qua phát vượt công suất thiết kế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn quan tâm tới thủy điện nhỏ, chỉ đạo mua điện thủy điện nhỏ để tạo điều kiện cho các dự án này tham gia vào hoạt động thủy điện.
Đại biểu Đồng Hữu Đạo (Thừa Thiên Huế) chất vấn Bộ trưởng về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đại biểu hỏi có phải Việt Nam thiếu những chính sách cụ thể để phát triển và trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao?
Bộ trưởng cho biết, đúng là thời gian qua công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều vấn đề. Chính phủ đã ban hành quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020; ban hành chính sách 6 nhóm hàng hóa liên quan tới nhóm lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, nhựa ...
Bộ trưởng cho biết những chính sách với ngành này còn thấp, chưa đầy đủ, còn hạn chế. Nói tới công nghệ hỗ trợ thì nói tới phụ tùng, nguyên phụ liệu tuy nhiên để phát triển này thì quy mô phải lớn mới sản xuất được và giá thành có thể cạnh tranh được. Ví dụ, sản lượng sản xuất ô tô phải trên 100.000 xe mới thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, quy mô nhỏ ít quá sẽ rất khó.
“Nhìn tổng thể ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nhưng không phải lĩnh vực nào cũng yếu, có những lĩnh vực có bước phát triển” – Bộ trưởng nói. Ví dụ, lĩnh vực ô tô chở khách nội địa hóa được 40%, điển hình là Xí nghiệp ô tô Trường Hải. Với xe tải chuyên dùng, nội địa hóa 70%. Với ô tô con mới nội địa hóa 70%. Với xe máy, mỗi năm xuất khẩu trên 280 triệu USD không chỉ phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điện tử gia dụng mức độ nội hóa được 30%, điện tử tin học thì mức độ thấp mới được khoảng 15%, dệt may được 50%, da giày được 60%....
Với câu hỏi đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng về việc đâu là nguyên nhân hạn của sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo Bộ trưởng không phải tất cả các lĩnh vực Việt Nam đều yếu kém. “Chúng ta có thể sản xuất xi măng lò quay công suất lớn, trạm biến thế 500KV, chế tạo giàn khoan 90m nước trong đó nội địa hóa 30%…Ngành công nghiệp với sự hỗ trợ của nước ngoài có nhà máy lọc dầu Dung Quất có nhà máy Đạm Phú Mỹ, Ninh Bình… công nghệ tiên tiến. Như vậy, công nghiệp chế tạo mới phát triển ở một số lĩnh vực” – Bộ trưởng nói.
Ngoài nguyên nhân hạn chế do chính sách thì còn do cơ chế đầu tư. Trước kia khi chưa đổi mới, các công trình cũ có vốn ngân sách Nhà nước. Khi đổi mới, theo Luật ngân sách, ngành công nghiệp cơ bản không được sử dụng vốn ngân sách, phải đi vay, tự trả. Trong khi đó các công trình chế tạo đòi hỏi vốn lớn, thu hồi vốn chậm, ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và thường chỉ có doanh nghiệp trong nước đứng ra làm.
“Chúng tôi rất mừng là vừa qua, TƯ đã đưa ra quyết sách một số công trình quan trọng có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Ít nhất đây là sự hỗ trợ ưu đãi để cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ động lực phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin thêm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành xây dựng chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ theo hướng mới: Nhà nước phải tạo điều kiện nâng đỡ khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khơi dậy sức sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đại biểu Lê Đình Thanh hỏi về công tác quản lý thị trường đối với các loại giá cả thiết yếu tiêu dùng trong những năm tới mà điển hình là giá sữa, giá xăng dầu. Bộ trưởng cho biết, về kiểm soát giá, giá sữa do Bộ Tài chính, Bộ Y tế kiểm soát chất lượng. Bộ Công thương có trách nhiệm kiếm soát có bán giá đúng niêm yết không và đưa giá thuốc về giá thực. Về giá xăng dầu và điện đang đưa về giá thị trường. Giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay đã 9 lần giảm giá, 5 lần tăng giá. Giá điện, Chính phủ đã ban hành lộ trình giá điện. Đến 2015, giá điện sẽ hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Vấn đề hàng lậu, hàng nhái, hàng giả cũng được đông đảo các đại biểu đặt câu hỏi. Bộ trưởng cho biết, hàng giả, nhái, chống buôn lậu là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay. “Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân phục vụ lấy phiếu tín nhiệm cá nhân tôi cũng trách nhiệm về vấn đề này” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng thông tin, vấn đề chống buôn lậu qua biên giới các ngành công an, hải quan trả lời thêm. Một số mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Tuy đã cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Mặc dù số vụ xử lý vi phạm cũng cao hơn năm trước. 10 tháng 2014 số vụ kiểm tra và xử phạt đều tăng so với 2013 từ 12-14% nhưng tình hình vẫn diễn biến phúc tạp.
Bộ trường chỉ rõ nguyên nhân do dung lượng thị trường phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế phát triển rất lớn. Đi liền với xu thế phát triển cao hơn thì thành phần làm ăn không chính đáng cũng tăng lên, đưa những sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ. Thứ hai, công tác đấu tranh của chúng ta dù có cố gắng nhưng về phương tiện, công cụ vừa yếu vừa thiếu nên việc đấu tranh cũng còn hạn chế. Thêm vào đó không hạn chế việc một số cán bộ còn chưa làm tốt trách nhiệm, mặc dù đã được quán triệt nhiều lần. Về lực lượng quản lý thị trường sự vào cuộc của các vùng miền còn chưa đồng đều.
“Với việc ra đời Ban 389 do Phó thủ tướng Nguyễn xuân Phúc đứng đầu, cùng với sự vào cuộc của các bộ ban ngành thì tình hình sẽ chuyển biến hơn. Không có lý do gì để không tin rằng hiệu quả việc chống hàng giả,hàng nhái, hàng lậu sẽ được cải thiện hơn trong những năm tiếp theo” – Bộ trưởng khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng