Tin tức - Sự kiện

Phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai 1,2 triệu/xe: Giá trên trời?

Với ô tô con dưới 7 chỗ 300.000 đồng/xe, xe tải cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/xe... Mức thu phí này có lẽ cao nhất Việt Nam và đang "giá" trên trời?

Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai sắp được thông xe và đưa vào khai thác trong quý 4 năm 2014. Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dự tính mức phí đi từ Nội Bài đến Lào Cai đối với xe con dưới 7 chỗ khoảng 300.000 đồng/xe, xe tải mức phí cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/xe, tuy nhiên thời gian đi lại sẽ rút ngắn chỉ còn hơn 3 giờ so với 7 giờ đồng hồ nếu đi Quốc lộ 70 như hiện nay.

Theo đó, toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 245 km sẽ có 10 trạm thu phí và mức phí được tính theo km đường. Cụ thể, đoạn tuyến từ km0-km123 được xây dựng tới 4 làn xe có mức thu là 1.500 đồng/km với xe con, đoạn tuyến từ km123-km245 với 2 làn xe sẽ được thu với mức 1.000 đồng/km đối với xe con. Riêng xe khách, xe tải có mức thu cao hơn tùy theo từng loại phương tiện.

 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
 
Xung quanh mức phí dự kiến này, Kiến Thức khai tuần mới qua cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng và ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.
 
- Theo dự kiến, mức phí đi từ Nội Bài đến Lào Cai đối với xe con dưới 7 chỗ khoảng 300.000 đồng/xe, xe tải mức phí cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/xe, các chuyên gia nhận định thế nào?
 
Ông Bùi Danh Liên: Tôi cho rằng mức phí đó là hợp lý. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng. Dự án triển khai góp phần tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho công tác khai thác du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Vì thế tuyến đường này được đầu tư với tổng mức đầu tư lớn, trong giai đoạn 1 là 19,984 tỷ đồng tương đương 1.249 triệu USD tại thời điểm năm 2007. Ngoài vốn nhà nước còn có vốn xã hội hóa. Đường chất lượng cao thì mức phí cũng phải cao. Ví dụ như khách sạn 5 sao bao giờ cũng cao hơn khách sạn 3 sao.
 
Lý do nữa tôi cho là mức phí trên hợp lý bởi đường chất lượng cao thì đỡ tiêu hao nhiên liệu, rút ngắn thời gian đi lại xuống còn 3 tiếng thay vì 7 tiếng như trước đây. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, lại đảm bảo tiêu chí an toàn khi lưu thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và tiết kiệm nhiều chi phí khác.
 
TS Phạm Sỹ Liêm: Nói mức phí cao hay thấp phải dựa trên nhiều yếu tố, xét trên nhiều khía cạnh. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động có lợi ích cho nền kinh tế quốc dân, của các địa phương nơi cao tốc đi qua, làm tăng tốc độ phát triển kinh tế mang lại lợi ích cho những vùng đó. Lợi ích thứ hai của cao tốc này là rút ngắn thời gian di chuyển, hạn chế tai nạn giao thông và tắc đường. Chỉ xét riêng vấn đề tai nạn giao thông, nếu giảm không chỉ có lợi về việc không gây thiệt hại về người, mà còn giảm thiếu chi phí đền bù cho những vụ tai nạn đó.
 
- Là đại diện cho doanh nghiệp vận tải Hà Nội, theo ông Bùi Danh Liên, các doanh nghiệp vận tải có chấp nhận mức phí này hay không?
 
Ông Bùi Danh Liên: Cùng với sự đầu tư đường cao tốc văn minh, hiện đại, Nhà nước và các nhà đầu tư đã tính toán mức thu phí từ trước khi đầu tư. Mức phí này cũng đã được công bố lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp vận tải. Các nhà đầu tư họ góp vốn thì họ phải được hoàn vốn, thậm chí họ phải có lãi. Các doanh nghiệp họ cũng công khai thu hồi vốn. Nếu các doanh nghiệp vận tải chê đường cao tốc vì mức phí cao thì họ sẽ phải đi đường cũ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đa số chấp nhận mức phí này. Bởi đường cao tốc này chưa làm xong, doanh nghiệp vận tải đã đi rồi. Hơn nữa bản thân doanh nghiệp vận tải không phải bỏ tiền túi, mà toàn xã hội phải chịu mức phí này.
 
 Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch HHVT Hà Nội.
 
- Người dân lại cho rằng, đây là mức phí cao bởi nếu đi hai chiều trên tuyến đường này, một ô tô 7 chỗ sẽ phải đóng khoảng 700.000 đồng/lượt, xe khách do phải đóng phí cũng sẽ tăng giá, chuyên gia đánh giá thế nào?
 
Ông Bùi Danh Liên: Với người dân cũng vậy, tôi nghĩ họ sẽ chấp nhận bởi những lợi ích do con đường mang lại. Nếu họ nói chi phí cao thì vẫn có thể đi đường cũ, bởi họ có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Bản thân tôi nếu bỏ thêm phí đường để được đi nhanh, giảm thiểu tai nạn thì tôi vẫn lựa chọn cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
 
- Vậy, vì sao mức phí tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai lại cao đến như thế?
 
TS Phạm Sỹ Liêm: Lợi ích của con đường được đầu tư xây dựng không phải đơn thuần được đầu tư để kinh doanh thu phí. Phân tích chi phí lợi ích ở Việt Nam không làm mà chỉ nói suông. Một đồng chi phí bỏ ra đem lại 5 đến 7 đồng lợi ích, thậm chí 10 đồng lợi ích, rất đáng nên người ta đầu tư. Xét ở khía cạnh hoàn trả vốn đầu tư, đã đầu tư và phải thu hồi lại vốn và có lãi. Nhà nước không đủ vốn cho nên thu hút tư nhân đầu tư thì họ phải có lãi. Tư nhân họ không làm từ thiện. Khi đầu tư, họ đã tính toán có hệ thống sẽ hoàn lại bao nhiêu. Khi xét duyệt, nhà nước phải xem xét phân tích. Vì cái hoàn trả đó làm giá thành vận tải tăng lên, hàng hóa tăng lên làm nền kinh tế bị ảnh hưởng. Nếu mức đầu tư quá đắt so với nền kinh tế thì nhà nước phải bù vào, cho đủ hoàn trả tư nhân.
 
 TS Phạm Sỹ Liêm.
 
- Nhà nước phải bù vào để giảm mức phí nếu cần thiết?
 
TS Phạm Sỹ Liêm: Xét từ lợi ích của nền kinh tế, Nhà nước sẽ thu được thuế và nhiều cái lợi khác đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế tại các địa phương nơi cao tốc đi qua. Xét cho cùng, nếu số tiền hoàn vốn vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải, người dân thì Nhà nước phải chịu, chứ không thể buộc nhà đầu tư phải hạ giá thành sản phẩm.
 
Xin cảm ơn TS Phạm Sỹ Liêm và Chủ tịch HHVT Hà Nội, Bùi Danh Liên về cuộc trò chuyện này!
 
Đừng để người dân phải chịu sức ép lớn từ phí đường bộ!
 

Tôi nghĩ mức phí như vậy là quá cao so với sức chịu đựng của người dân. Nhà nước làm đường để dân đi lại thuận tiện, thúc đấy phát triển kinh tế đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mức phí đó khiến nhiều người dân cho rằng, việc làm đường không chỉ nhằm mục đích phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội mà còn để kinh doanh thu phí. Tất cả đều đổ lên đầu người dân. Phải công bố rõ thu phí đến bao giờ. Khi đường xuống cấp thì nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra sửa, chứ không thể lấy từ tiền thuế của người dân. Hơn nữa, Nhà nước đã thu phí đường bộ, sao không trích từ nguồn này ra để hoàn trả một phần cho doanh nghiệp, giảm bớt mức phí cho người dân - Ông Trần Văn Hải (Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) 

Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo