Phí cầu đường đè nặng doanh nghiệp vận tải: Dày đặc trạm thu phí
Trạm thu phí có giảm?
Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giảm mức thu phí đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương đối với nhóm xe tải, xe container hạng nặng. Trước đó, Quỹ Bảo trì đường bộ dự kiến bắt đầu thu phí từ 1/7 cũng đã được dời sang đầu năm 2013.
Đó là hai quyết định của Chính phủ nhằm “khoan sức” cho các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể thoát khỏi gánh nặng phí cầu đường đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh.
Từ 0h ngày 8/7 đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức thu phí, trở thành trạm thu phí thứ 56 trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc. Trong số 56 trạm thu phí, có 30 trạm thu theo hình thức BOT, 4 trạm thu phí trả nợ vay, 6 trạm bán quyền thu phí, 15 trạm thu nộp ngân sách Nhà nước, 1 trạm thu hoàn vốn đầu tư.
Theo lộ trình thực hiện Quỹ Bảo trì đường bộ, khi thực hiện thu quỹ sẽ xóa bỏ ngay các trạm thu phí đường bộ thu nộp ngân sách Nhà nước. Vậy thu thêm phí bảo trì, sẽ xóa được bao nhiêu trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc?
Xóa bỏ các trạm thu ngân sách, nhưng với xu hướng xã hội hóa đầu tư đường bộ, các trạm thu theo hình thức BOT sẽ tiếp tục mọc lên. Ngày 21/6 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định chuyển giao trạm thu phí Ninh An (Khánh Hòa) trên Quốc lộ 1 cho Công ty CP đầu tư đèo Cả.
Việc chuyển giao nhằm đảm bảo đúng phương án tài chính thực hiện dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT.
Ngoài trạm Ninh An, một số trạm thu phí ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ được bàn giao cho các nhà đầu tư BOT là các trạm: Cầu Gianh, Đông Hà, Phú Bài, Cam Thịnh đều trên QL1 và trạm số 4 trên Quốc lộ 14. Còn trạm TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện đang thu nộp ngân sách để bảo trì đường cao tốc dự kiến sẽ được bán quyền thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Được biết, trong số 15 trạm thu phí ngân sách Nhà nước dự kiến chỉ có thể xóa bỏ “ngay và luôn” 6 trạm khi thực hiện Quỹ Bảo trì đường bộ, đó là: Trạm cầu Lường Quốc lộ 1, Ba Chẽ Quốc lộ 18, Gò Dầu Quốc lộ 22A, cầu Trung Hà Quốc lộ 32, cầu Bình Quốc lộ 37, Lộ Tẻ Quốc lộ 80.
Thu cứ thu, mặc đường xấu
Ông Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh - phản ánh: “Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí phải tối thiểu 70km, nhưng thực tế nhìn chung khoảng cách giữa các trạm cách nhau chỉ chừng 30 -40km, thậm chí có trạm cách nhau chỉ 8km”.
Ông Lê Thành Thao - Trưởng phòng Vận tải doanh nghiệp vận tải Quang Châu liệt kê: Trên Quốc lộ 13 từ TP.Hồ Chí Minh đi Bình Dương với cự ly chừng 50km có 3 trạm thu phí. Từ cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) đi Cần Thơ khoảng 190km phải qua 5 trạm thu phí.
- Từ trạm Suối Giữa (Thành phố Thủ Dầu Một) đến trạm Vĩnh Phú (Thị trấn Lái Thiêu) chỉ cách nhau 16km; từ trạm Vĩnh Phú đến trạm Bình Triệu (TP.Hồ Chí Minh) cách nhau 8km. Do có nhiều trạm thu phí trên cung đường ngắn khiến phí cầu đường trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải.
Còn ông Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc Nam - tố chất lượng đường: “Phí họ cứ thu nhưng chất lượng đường xấu gần như chẳng ai quan tâm. Xe đi qua đường tránh Thành phố Huế khoảng 30km mà mất gần 3 tiếng đồng hồ. Đi trên đường liên tục phải tránh ổ gà, vừa mất thêm xăng dầu vừa hao mòn xe”.
Ông Lương Hoàng Trung - Công ty vận tải ôtô 116 cho hay: “Từ TP.Hồ Chí Minh đến Lạng Sơn theo Quốc lộ 1 có khoảng 18 trạm thu phí. Với mỗi chuyến xe container 40 fit, chi phí cầu đường khoảng 4 - 4,3 triệu đồng, chiếm 5 - 7% doanh thu của một chuyến xe (đi và về). Mỗi chuyến từ TP.Hồ Chí Minh ra Lạng Sơn mất gần cả tuần, tính cả lên xuống hàng thì mỗi xe chạy không quá 3 chuyến/tháng”.
Ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: “Nguyên tắc thu tiền cơ sở hạ tầng là bao giờ Nhà nước cũng phải có đường để dân đi cho dù đường đó xấu hay tốt, vì người dân, doanh nghiệp đã đóng thuế; khi nào làm đường tốt hơn để người dân có sự lựa chọn đi nhanh hơn, tốt hơn thì họ phải trả tiền cho tuyến đường mới. Còn ở Việt Nam ta hiện nay, đường độc đạo như Quốc lộ 1, gần như mỗi tỉnh đều có trạm thu phí. Vừa qua tôi đi từ Đắc Nông đến Bình Phước trên Quốc lộ 14, con đường này bị hư hỏng như thể bị đánh bom thời chiến tranh nhưng vẫn có nhiều trạm thu phí. Đây là vấn đề cần phải xem xét”.
TP.Hồ Chí Minh là địa phương có số trạm thu phí nhiều nhất với 7 trạm thu phí: An Lạc, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, An Sương - An Lạc, cầu Bình Triệu 2, đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh– Trung Lương. Thành phố Hà Nội cũng có đến 5 trạm thu phí: Bắc Thăng Long – Nội Bài, nam Cầu Giẽ, số 2 Quốc lộ 1, số 1 Quốc lộ 2, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước