Phí, lệ phí… nên phân biệt thế nào đây?
hảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) tán thành 3 vấn đề, một là nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật phí và lệ phí. Hai là luật này chỉ quy định phí dịch vụ công, các loại phí khác điều chỉnh theo Luật giá và cơ chế thị trường. Ba là giảm bớt hoặc gộp một số loại phí, lệ phí do trùng lặp, do đã được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, do yêu cầu cải cách hành chính, yêu cầu khuyến khích xuất khẩu, do không sát thực tế, tức là có quy định nhưng trên thực tế chưa phát sinh cho nên chưa thu được lần nào.
Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Kim Thuý tập trung phân tích sự bất hợp lý trong giải thích từ ngữ. Điều 6, dự thảo luật quy định: Phí là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp khi cơ quan hành chính Nhà nước phục vụ công việc quản lý Nhà nước.
Như vậy, dự thảo đã thể hiện điểm khác nhau giữa phí và lệ phí. Theo đó đối với phí, tên gọi của hành động nộp phí là trả tiền, mục đích để được cung cấp dịch vụ, chủ thể phục vụ ở đây là cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Còn đối với lệ phí thì tên gọi của hành động nộp phí là nộp tiền, mục đích để được phục vụ, chủ thể phục vụ ở đây là cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng giải thích như vậy, tôi cho rằng người dân vẫn chưa thông.
Câu hỏi đặt ra ở đây là được phục vụ, khác với được cung cấp dịch vụ như thế nào? Cơ quan hành chính Nhà nước sinh ra để phục vụ công việc quản lý Nhà nước thì vì sao người dân đã đóng thuế nuôi bộ máy Nhà nước để phục vụ dân mà vẫn phải trả tiền khi được phục vụ. Mặt khác, trên thực tế có những việc vừa có phí vừa có lệ phí, như án phí, lệ phí tòa án, phí sở hữu trí tuệ, lệ phí sở hữu trí tuệ.
“Tên gọi và nội dung tương tự nhưng có chỗ gọi là phí, có chỗ gọi là lệ phí, như phí bay qua vùng trời, lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển, lệ phí ra vào cảng, phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ, lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ và các chi phí tố tụng khác, phí cấp mã số, mã vạch, lệ phí cấp biển số nhà... vậy nên phân biệt thế nào đây”, đại biểu đặt câu hỏi
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Kim Thuý cho biết, dự thảo luật không điều chỉnh một số khoản phí như học phí, viện phí với lý do đã được quy định ở luật khác và trả theo cơ chế dịch vụ của thị trường nêu tại trang 9 của Tờ trình Chính phủ.
“Tôi cho rằng quy định này không phù hợp với quy định về phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ. Do đó, tôi đề nghị phải đưa các khoản phí của trường công, bệnh viện công vào luật này mới đúng. Mặt khác, quy định này mâu thuẫn với quy định về việc đưa một số khoản phí đã được quy định ở luật khác như phí công chứng, phí bay qua vùng trời vào dự thảo luật này với lý do là để thống nhất, quy định thành một mối”, bà Thuý nói.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) thì cho rằng, việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Đặc biệt là những hộ nông dân ở các vùng nông thôn là hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Vì hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội.
“Câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và 2 Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn ngày 11/6/2015 là một minh chứng cụ thể”, ông Tuấn nói.
Về danh mục phí và lệ phí, ông đồng tình với danh mục phí và lệ phí nêu trong dự thảo luật vì đã xác định rõ ràng các khoản phí và lệ phí. Tuy nhiên, ông đề nghị Luật phí và lệ phí cần phải có một nguyên tắc phân cấp rõ ràng để quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí, loại nào là do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành và các Bộ, ngành đó được quy định những loại phí nào, còn loại nào do chính quyền địa phương quy định. Có như vậy sẽ dễ dàng thực hiện hơn vì một khi phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch, dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu từ các loại phí và lệ phí.
Về chế độ thu và nộp lệ phí, ông Tuấn cho rằng luật cần quy định tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước, sau đó ngân sách Nhà nước sẽ điều tiết và phân bổ lại cho các địa phương hay các Bộ, ngành.
Lúc này các cơ quan có thẩm quyền ở đây sẽ quyết định cấp kinh phí từ nguồn này để trang trải chi phí cho việc cung cấp dịch vụ thu phí cho các cơ quan thu phí, làm như vậy sẽ công bằng hơn đối với các cơ quan thu phí trong cùng một địa phương. Đồng thời cũng công bằng đối với tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Tán thành với việc ban hành Luật phí, lệ phí, song đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị ngoài các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ thì Ban soạn thảo, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm thêm 3 nội dung:
Thứ nhất, không chỉ quan tâm đến vấn đề công khai và minh bạch trong chính sách phí và lệ phí mà còn phải quan tâm đặc biệt đến tính công bằng trong chính sách phí, lệ phí. Bởi vì trong thực tiễn có một số khoản phí và lệ phí đã thể hiện thiếu sự công bằng trong việc thu phí và sử dụng các khoản phí. Đây là một yếu tố, tôi đề nghị đặc biệt quan tâm khi bàn về chính sách phí và lệ phí khi tham gia thảo luận luật này.
Thứ hai, hết sức quan tâm nguyên tắc phải giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa, hợp lý giữa quyền lợi, nghĩa vụ của người dân với trách nhiệm phục vụ nhân dân của nền hành chính và của cán bộ, công chức. Chúng ta thảo luận luật này theo nguyên tắc là khi nền kinh tế của đất nước, của địa phương phát triển thì đồng thuận với nó là người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển đó. Có nghĩa khi chúng ta bàn về các điều luật trong dự thảo luật này thì cần phải tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý, không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí.
“Tôi nghĩ rằng điều này phản cảm và không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Nếu chúng ta quan tâm đến mối quan hệ này tốt trong khi ban hành luật này với một chính sách phí và lệ phí hợp lý thì chúng ta sẽ khắc phục được xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí mà chúng ta đã bàn nhiều trong kỳ họp này”, bà Tâm nói.
Thứ ba, không được tính đến lợi nhuận khi Nhà nước cung cấp dịch vụ công cho người dân. Nếu chúng ta muốn xã hội hóa thì tách ra, không nên nhập nhằng điều này, rất phản cảm và người dân hoàn toàn không đồng tình về vấn đề này.
Ngoài ra, bà Tâm cũng đề nghị Quốc hội quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí áp dụng chung cho cả nước kèm theo luật này. Khi có yêu cầu điều chỉnh thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo