Phiên chợ lá dong, lá chuối giữa Sài Gòn
Những ngày qua, cùng với hoa, trái cây ngày xuân thì tại các chợ ở Sài Gòn cũng có một góc xanh rì màu lá dong, lá chuối.
Đặc biệt, khu vực ngã ba Ông Tạ (giao giữ đường Phạm Văn Hai và Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) là nơi nổi tiếng chuyên bán sản phẩm này.
Mỗi năm, chợ chỉ họp đúng một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Không băng-rôn, bảng hiệu nhưng vẫn được nhiều người dân Sài Gòn biết đến như một điểm hẹn ngày xuân.
“Chợ” đặc biệt
Chợ lá dong Ông Tạ có những “chủ vựa” đã bán hàng trên 40 mùa. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào khoảng 20-30 tháng chạp trên một đoạn đường dài hơn 500m, tập trung nhiều nhất là trước trường THCS bán công Tân Bình.
Các tiểu thương kể, hồi trước năm 1975 phố xá thưa người, nên bày bán luôn dưới lòng đường, sau gói gọn ở các vỉa hè. Những năm gần đây, để được bán, các chủ vựa được yêu cầu phải nộp bản sao CMND và ký vào bản cam kết nộp lên phường không lấn chiếm lòng đường gây kẹt xe, giữ vệ sinh. Ngoài ra, còn phải đóng “thế chân” 200.000 đồng mỗi vựa. Đến ngày bán cuối cùng, nếu dọn dẹp sạch sẽ, sẽ được lấy lại tiền, nếu không thì sẽ dùng tiền này để vệ sinh chợ.
Khoảng chừng 20 tháng Chạp hàng năm (có khi sớm hơn vài ngày), lá dong, lá chuối sẽ được tập kết về đây. Lá dong, lạt buộc, xếp thành hàng dài trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám. Lá được các thương lái lấy từ Bà Điểm (Hóc Môn) và Gia Kiệm, Phương Lâm (Đồng Nai) chở về. Chợ họp suốt ngày đêm. Từ 20 giờ - 21 giờ giờ, các xe chở lá từ vườn về bỏ mối cho khoảng chục bạn hàng tại đây. Sau đó, các chủ hàng tại đây lại phân phối lá ra các chợ, lò nấu bánh trong thành phố và một phần bán lẻ.
Bà Trần Thị Ánh, một “chủ vựa” tại đây cho biết, ngày thường bà bán cà phê ở quận 12, nhưng Tết đến thì về chợ bán lá dong. Bà Ánh đã theo nghề này trên 40 cái Tết. Có năm tiền bán lá dong lãi khá nên dư giả sắm Tết, nhưng có năm chẳng lãi được bao nhiêu do mùa lá xấu, chủ yếu lấy công làm lời. Vậy nhưng cận Tết là nôn nao và chưa bao giờ có ý định nghỉ bán mùa Tết nào.
Cầm bó lá trên tay, chuẩn bị chở về nhà, chị Phương (nhà quận 10) nói: “Lá năm nay đẹp nên giá cũng cao. Lá đại dài 60cm, giá 120.000 đồng một bó. Trong khi đó năm ngoái cũng như thế này thì chỉ có khoảng 70.000 đồng/bó”.
Anh Thành, một “chủ vựa” tại đây cho biết, năm nay không khí mua bán sôi động từ sau 15 tháng chạp âm lịch tới nay. Giá lá dong hiện tăng 10.000 đồng một bó (100 lá) so với năm ngoái, tùy loại. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển và nhân công năm nay tăng. Lá đại dài 60cm, giá 100.000 – 120.000 đồng một bó. Lá nhất 50cm, giá 70.000 – 80.000 đồng một bó. Lá dài 40cm, 35.000 đồng một bó. Lá nhỏ nhất với chiều dài 30cm có giá 20.000 đồng một bó. Lá lót 7.000 đồng (bó 50 lá, tăng 2.000 đồng). Riêng dây buộc bánh thì giá vẫn như năm ngoái, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/bó 50 sợi.
Dù giá đắt hơn, tuy nhiên lá dong năm nay bán chạy hơn so với mọi năm. Các chủ vựa đều ngạc nhiên khi khách mua năm nay tăng so với trước. Một chủ vựa chia sẻ: “Các mối gói bánh sỉ đặt tăng số lượng từ 10% - 20% và có thể còn lấy thêm hàng trong vài ngày tới".
Ngoài lá dong, lá chuối cũng bán chạy trong mấy ngày nay, vì người miền Nam thường dùng bánh tét trong những ngày Tết. Theo chia sẻ của người bán, từ 15 tháng chạp âm lịch đến nay, có “chủ vựa” bán tới 4 tấn lá chuối một ngày, cao hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái. Giá lá chuối tăng 2.000 đồng một kg, từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng.
Điểm hẹn độc đáo
Chen trong sắc xanh rì của lá dong, lá chuối là những khuôn bánh, dây lạt trắng ngà, mướt mát. Cạnh đó, hòa vào âm thanh xì xào trả giá, ồn ã lựa lá là tiếng keng keng của những nhát búa gò nồi nhôm dùng nấu bánh chưng bánh tét. Một cửa hàng làm nhôm ngay trên đường Cách Mạng Tháng Tám tại khu chợ lá dong những ngày này cũng tranh thủ làm nồi để bán.
Chủ cửa hàng cười vui: “Nồi nhôm loại này mỗi năm chỉ làm, bán một lần vào mùa này thôi. Bình thường chỗ tui làm máng xối, cửa và quạt thông khí, thoát nhiệt”.
Người người cứ thế tấp nập tấp xe vào lựa lá, lựa dây và mua nồi để nấu bánh cho ba ngày tết. Đa phần khách mua lá lẻ tại đây đều là để về gói bánh nấu cho gia đình. Có nhà nấu chừng 5-10 cái. Có nhà cho biết nấu 30-40 cái. Phần để cúng và ăn trong nhà, phần đem biếu.
Theo bà Lê Thanh, một người dân ngụ tại đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, thì chợ lá dong chính là dấu ấn “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” của người miền Bắc. Xung quanh khu vực chợ Ông Tạ người ta không khó tìm mua trà Bắc, bánh su sê, bánh đậu xanh,...
Các “chủ vựa” cho biết, trong các loại lá dong, người ta thường chuộng lá dong ở vùng Bà Điểm (Hóc Môn) vì nó dẻo, gói bánh không bị nứt. Tuy nhiên, mấy năm nay trở lại đây, lá dong Bà Điểm ngày càng hiếm vì diện tích trồng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và một phần để xuất khẩu. Lá dong Phương Lâm, Long Khánh (Đồng Nai) đổ về chợ Ông Tạ cũng chiếm phần lớn.
Người đến, người đi, người lựa, người mua lá tấp nập một đoạn đường. Chợ lá dong Ông Tạ tuy chỉ họp trong vòng khoảng 2 tuần, nhưng đã trở thành một điểm hẹn độc đáo của nhiều người vào những ngày giáp tết ở Sài Gòn, tạo nên một đoạn đường màu xanh lá khiến ai đi qua cũng thấy lòng rạo rực, buồn vui lẫn lộn, nhất là những người con xa xứ. Hình ảnh một phiên chợ hết sức gẫn gũi và thân thương.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo