Phó Thống đốc NHNN: “Gói 50.000 tỷ” chỉ là cách gọi cho có tên
Sự kiện NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) thông qua hình thức liên kết 4 nhà thời gian gần đây khiến dư luận quan tâm. Phóng viên có cuộc trao đổi với Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nhằm làm rõ một số điểm về chương trình này.
PV: VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh vừa phối hợp với một số TCTD công bố sẽ dành ra khoảng 50.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ thị trường BĐS và vật liệu xây dựng (VLXD). Xin ông cho biết quan điểm của NHNN về chương trình này?
Trước hết phải nói ngay rằng, đây không phải là “gói tín dụng” để tránh người dân hiểu rằng chương trình này cũng là một chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất tương tự như “Gói 30.000 tỷ đồng” hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây thuần túy chỉ là một mô hình cho vay và quản lý dòng vốn theo cách thức liên kết giữa các bên liên quan, như Tập đoàn Thiên Thanh, VNCB và một số nhà thầu, nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS, xây dựng.
Việc công bố số lượng vốn sẽ cho vay theo mô hình này là 50.000, 70.000 hay 100.000 tỷ đồng không quan trọng. Trên thực tế các ngân hàng tham gia cho vay theo mô hình này là cho vay thương mại bình thường, không có bất cứ ưu đãi nào về chính sách lãi suất.
Về phía NHNN, chúng tôi ủng hộ việc hình thành và triển khai mô hình cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà mà VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đã làm bởi 3 lý do. Thứ nhất, nếu thực hiện được mô hình này sẽ tạo điều kiện quản lý tốt dòng tiền đưa vào lĩnh vực xây dựng và BĐS. Thứ hai, nếu mô hình được làm tốt thì sẽ tiết giảm phần nào vốn tín dụng cho xã hội vì việc cho vay chồng lấn sẽ giảm đi. Thứ ba, khi triển khai cho vay khép kín trong chuỗi sẽ khiến công nợ trong xây dựng cơ bản giảm xuống, các bên tham gia như nhà thầu, chủ đầu tư sẽ tiết giảm được phần nào chi phí và có cơ hội giảm giá đầu ra, kích thích việc bán sản phẩm BĐS và trả nợ ngân hàng.
PV: Như vậy mô hình chuỗi liên kết 4 nhà này sẽ không có ưu đãi nào về mặt chính sách?
Đúng như vậy. NHNN ủng hộ cách thức và quy trình xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà, chứ chưa có hỗ trợ gì về mặt chính sách cả. Ý tưởng thành lập chuỗi liên kết này mặc dù không mới nhưng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra làm với mục tiêu tạo ra một quy trình tín dụng an toàn, hiệu quả, đồng thời mong muốn gây dựng lại niềm tin trong lĩnh vực BĐS, xây dựng thì cũng là việc cần khuyến khích.
PV: Thưa ông, chương trình này có tham gia “giải cứu” thị trường BĐS hay không?
Đây thuần túy là việc cho vay theo phương thức kinh doanh bình thường của các ngân hàng. Gọi là “Gói 50.000 tỷ” chỉ là cách gọi cho có tên thế thôi. VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh muốn làm tốt được thì phải liên kết với các bên khác nữa. Việc họ thỏa thuận được với ngân hàng nào, kêu gọi được ngân hàng nào tham gia vào chuỗi này thì phía NHNN không can thiệp. Vì thực tế mỗi ngân hàng đều có “sức khỏe” riêng. Tham gia hay không tham gia, tham gia nhiều hay ít là tùy thuộc vào việc cân đối của họ, nhưng vẫn phải đảm bảo được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng của từng ngân hàng và của toàn hệ thống.
Theo tôi, không nên đặt vấn đề “giải cứu” thị trường BĐS hay làm thị trường “ấm” lên. Với một quy trình khép kín như trên, nếu có sự thỏa thuận chặt chẽ, chia sẻ lợi ích tốt thì sẽ kích thích được các bên tham gia. Ngược lại, nếu làm không tốt có thể phát sinh lợi ích nhóm là điều nên tránh. Tôi kỳ vọng, với tình hình hiện nay chương trình này nếu tác động tích cực khiến thị trường VLXD, BĐS có thể tăng lên 5-7% đã là thành công rồi.
PV: Có thông tin một số TCTD đã đăng ký trực tiếp với NHNN, cam kết sẽ dành khoảng 70.000 tỷ đồng nữa cho thị trường BĐS. Xin ông nói rõ hơn về những con số này?
Về chương trình liên kết 4 nhà do VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh công bố thực hiện, sở dĩ họ đưa ra con số 50.000 tỷ đồng vì có thể tại thời điểm công bố họ mới chỉ có sẵn 10.000 tỷ đồng và thỏa thuận được 40.000 tỷ đồng từ các TCTD khác. Quan trọng là trong quá trình thực hiện, nếu lợi ích và rủi ro được chia sẻ tốt thì các TCTD có thể sẽ tham gia nhiều hơn. Ngược lại, nếu lợi ích chỉ thiên về 1-2 bên nào đó trong chuỗi thì sự liên kết này sẽ tự động không hấp dẫn được các bên khác.
Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu để xây dựng mô hình liên kết 4 nhà theo hướng tạo ra một quy trình tín dụng an toàn, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng - BĐS. Tính đến thời điểm hiện nay, quy trình này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và khuyến khích các TCTD cùng ngồi lại để tham gia. Cách thức thực hiện như thế nào, các tổ chức, đơn vị nào tham gia cũng chưa cụ thể. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng là quản lý tốt dòng tiền và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Tôi cho rằng, việc hình thành một quy trình liên kết 4 nhà, như thế không chỉ áp dụng với thị trường xây dựng hay BĐS mà cũng có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Hơn nữa không phải chỉ đối với vốn tín dụng ngân hàng mới cần phải liên kết 4 nhà mà ngay cả vốn ngân sách thì áp dụng quy trình 4 nhà cũng là cách làm tốt và nên nhân rộng nếu triển khai hiệu quả. Về phía NHNN, sau khi quan sát quá trình triển khai thực hiện các mô hình liên kết 4 nhà như thế, nếu thấy cần thiết phải có những ràng buộc pháp lý thì sẽ có văn bản hướng dẫn hoặc có những quy định nhằm hạn chế các rủi ro và đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quy trình liên kết.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh