Phòng bệnh cho trẻ khi đi du lịch dịp lễ
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào những ngày nghỉ lễ kéo dài, nhiều gia đình thường đưa con đi chơi xa, cộng thêm thời tiết nóng có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh. Trong đó, phải kể đến bệnh tiêu chảy du lịch, hay xuất hiện ở người đi du lịch từ vùng có điều kiện vệ sinh, kinh tế tốt đến vùng không được tốt lắm (từ thành phố về nông thôn, xa xôi, hẻo lánh, từ vùng giàu đến vùng nghèo).
“Lý do nữa là khách đi nghỉ đông, phòng ốc đều kín dẫn đến quá tải ở các khu du lịch. Vì thế điều kiện vệ sinh, ăn ở có thể kém đi, đây là tác nhân dễ dẫn các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, tiêu chảy do rotavirus…”, phó giáo sư Dũng nói.
Biểu hiện của bệnh giống tiêu chảy thông thường, nếu nguyên nhân là do virus thì trẻ có thể đi ngoài nhiều lần, nôn, sốt nhẹ, phân nhiều nước. Tiêu chảy do lỵ thì đi ngoài nhiều lần hơn, ít phân, nôn ít, đau bụng, sốt cao, phân thậm chí có máu mủ.
Việc điều trị quan trọng là bù nước, điện giải bằng oresol, đưa đến bệnh viện đúng lúc là cực kỳ quan trọng. Khi nào thấy con đi ngoài nhiều lần, khát nước, sốt cao, ra máu thì nên đến bệnh viện. Trẻ nôn nhiều, ăn uống không được thì cũng nên đi khám. Còn lại những trường hợp khác có thể tự chữa bằng osesol, men tiêu hóa, cho trẻ ăn các đồ ăn dễ tiêu...
Bên cạnh tiêu chảy thì việc tập trung đông người ở một chỗ, không khí ngột ngạt nên trẻ dễ lây các bệnh ho, cảm cúm, sốt virus… Nắng nóng khiến sức đề kháng của trẻ kém đi.
Theo phó giáo sư Dũng, cha mẹ cần đặc biệt cảnh giác khi con sốt cao. Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Triệu chứng ban đầu cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời chú ý đến việc ăn uống nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, khi đưa con đi du lịch cha mẹ nên chú ý mang theo một số loại thuốc dự phòng quen thuộc: như thuốc hạ sốt, oresol, men tiêu hóa, thuốc chống tiêu chảy.... Với trẻ còn nhỏ, ăn bột thì nên chuẩn bị sẵn thức ăn, mang bột chế biến sẵn.
Chú ý cho trẻ đội mũ rộng vành, đeo kính râm, thậm chí thoa kem chống nắng lúc trẻ chơi trên bờ biển. Khi cho trẻ xuống biển tắm thì cần tránh nóng lạnh đột ngột khiến bé dễ ốm, không để trẻ tắm quá lâu. Khi từ dưới biển lên thì nên khoác khăn bông, lau khô người, tránh để gió lùa.
Mai Anh ( theo VnExpress )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam