Phòng bệnh viêm họng mùa hè ở trẻ
(suckhoedoisong)Mùa hè nóng nực trẻ nhỏ rất dễ bị viêm họng do ra nhiều mồ hôi, sức đề kháng giảm. Nhiều trẻ mắc bệnh do nằm quạt, điều hòa không đúng cách,… Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ...
Gia tăng trẻ mắc bệnh
Những ngày qua, nắng nóng liên tiếp đã làm nhiều người mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ phải nhập viện khám và điều trị đã tăng đột biến. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ cho biết: Trung bình những ngày gần đây, mỗi ngày có tới hơn 2.000 trẻ bị bệnh được gia đình đưa tới viện khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số trẻ đến khám trong mấy ngày nắng nóng gần đây cũng tăng, đặc biệt, số ca bệnh nặng phải nhập viện tăng lên đáng kể. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày khoa khám và tiếp nhận hơn 200 - 300 bệnh nhi. Số trẻ đến khám thường có biểu hiện tiêu chảy, sốt, viêm đường hô hấp, nhưng có đa số là sốt, ho, viêm họng. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã bị biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi nặng do gia đình chủ quan, điều trị không đúng cách tại nhà.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Khi trẻ bị viêm họng cấp là sưng nề niêm mạc họng một cách nhanh chóng, có thể do vi khuẩn, virut, vi nấm hoặc tác động của môi trường. Mùa hè, thời tiết nóng bức trẻ nhỏ rất dễ mắc viêm họng cấp do uống nước lạnh nhiều hơn và đôi khi bật quạt mạnh thốc thẳng vào mặt. Hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước, họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới điều hòa, máy lạnh… Ngoài ra, ở trẻ lớn chạy nhảy ngoài trời nắng ra mồ hôi nhiều sẽ bị nhiễm lạnh. Có khoảng 80% trẻ em bị viêm mũi, họng do virut, sau vài ngày do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là ở những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì rất dễ tái phát.
Biểu hiện
Khi mắc bệnh, trẻ đột ngột, sốt cao 39 - 40 độ C, kèm theo là ho, nghẹt mũi (một hoặc hai bên mũi), đau rát họng khiến trẻ quấy khóc nhiều, đối với trẻ nhỏ thì bỏ ăn, bú ít… Các trẻ lớn có biểu hiện đau đầu, đau họng (nuốt đau), nghẹt mũi, ù tai, rát họng. Một số trẻ kêu bị đau nhức trong tai, kèm theo đó là chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, trẻ mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn…. Viêm họng cấp nếu không được điều trị rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát (trẻ nhỏ) và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Đối với trẻ nhỏ, khi bị viêm họng trẻ thường quấy khóc, kém bú, chán ăn nên dễ bị nhầm tưởng rằng đó là những dấu hiệu khó chịu khi bé mọc răng. Đối với trẻ dưới 3 - 6 tháng tuổi, khi bé xuất hiện dấu hiệu bị sốt cha mẹ cần đưa đi khám ngay. Đối với trẻ lớn, những triệu chứng trên nếu kéo dài và đau họng càng lúc càng tăng, sốt cao thì phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để có hướng điều trị hợp lý nhằm tránh những biến chứng.
Cách phòng bệnh
Mùa hè nóng nực, tránh để bé đổ mồ hôi bằng cách hạn chế chạy nhảy, không ra nắng, không nên mặc quá nhiều quần áo. Vì khi nhiều mồ hôi trẻ sẽ nhiễm lạnh dễ bị viêm họng. Tốt nhất, nên mặc quần áo bằng chất liệu cotton để ngấm mồ hôi.
Sau khi chạy nhảy, ra nắng, có mồ hôi không cho trẻ tắm ngay. Đối với trẻ lớn, cần quản lý tốt tránh tắm lúc nắng to, tắm lâu,…điều này khiến trẻ dễ bị viêm họng hoặc cảm lạnh do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.
Không bật quạt trực tiếp vào vùng mặt của trẻ. Nên bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé khi bé ngủ. Ở vị trí này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng và khiến bé ngủ ngon. Có thể bật và cho quạt quay nhẹ bên ngoài màn. Tránh tiếp xúc trực diện với hướng gió.
Nếu có điều kiện cho trẻ nằm ngủ phòng điều hòa cần hạn chế cho trẻ ra vào vì độ chênh lệch nhiệt độ rõ rệt khiến trẻ dễ mắc bệnh. Không cho bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Để an toàn cho trẻ, khi dùng điều hòa nhiệt độ, cha mẹ chỉ nên để 25 - 27oC là hợp lý.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý hạn chế cho trẻ dùng đồ uống lạnh như kem, nước đá, ăn đồ để lạnh. Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng đạm, tinh bột, trái cây, rau xanh. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thường xuyên đánh răng và súc miệng hàng ngày sẽ giúp phòng bệnh hữu hiệu.
Hàng ngày, nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng để phòng bệnh lây nhiễm. Khi súc họng cần lưu ý, trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha sẵn rồi nhổ đi mới súc họng. Để súc họng, cần ngửa cổ ra sau đến mức tối đa. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, sau khi đẩy hơi hết, đầu trở lại tư thế bình thường, nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3 - 4 lần nữa với nước muối mới.
Vũ Khánh Hồng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc