Phòng chống dịch sởi: “Nóng” về chỉ đạo, “lạnh” về thực hiện
Tại cuộc họp báo ngày 18.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận đã có một sự chậm trễ trong công tác chống dịch sởi như vậy.
Theo Thứ trưởng Long: Từ những ca sởi đầu tiên ở Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang hồi cuối tháng 11.2013, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh này thực hiện các biện pháp cần thiết dập dịch, và đến nay các tỉnh này hoặc không có ca bệnh nào, hoặc 1-2 ca lác đác. Khi dịch lan rộng ra cộng đồng, bộ đã gửi nhiều công điện tới các tỉnh, thành phố về việc cần thiết phải dập dịch sởi, thực hiện các chiến dịch tiêm phòng tại ổ dịch và tiêm vét cho những đối tượng đến tuổi mà chưa tiêm như hiện nay đang làm.
“Tuy nhiên, tôi thừa nhận, có sự thật là đã “nóng về chỉ đạo, lạnh về thực hiện”. Vì thế mà dịch chưa được dập tắt nhanh như mong muốn. Bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi sẽ công bố danh sách những tỉnh, thành phố không sát sao với việc phòng dịch sởi này” - ông Long phát biểu.
Về việc công bố dịch, ông Long cho hay: Đối chiếu theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về công bố dịch thì VN chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, khi tại 1 điểm xuất hiện ít nhất 2 ca bệnh, các nước đều thông báo dịch. Với dịch sởi, Bộ Y tế cũng đã thông báo về dịch, công khai các số liệu về bệnh nhân mắc, tử vong, cách phòng tránh để người dân biết.
Cũng theo Thứ trưởng Long, Bộ Y tế đã xuất cấp 42 máy thở cho các BV phục vụ công tác điều trị bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân sởi. Đây là toàn bộ số máy thở trong kho dự trữ quốc gia, đã được Chính phủ đồng ý xuất 100% để phục vụ cho dịch sởi này. “Phần lớn các máy thở mua từ năm 2003 - 2005 - 2007, là máy mới chứ không phải là hàng đã qua sử dụng, hỏng hóc. Việc một số cơ quan báo chí đưa thông tin máy thở hỏng là không chính xác” - ông Long khẳng định.
BV Bạch Mai - đơn vị vừa được cung cấp thêm 10 máy thở nhưng một số máy cần thay ắc quy và cảm biến ô xy. Sau 2 ngày được bảo dưỡng, toàn bộ số máy thở này đều đã sử dụng được bình thường. Liên quan đến thông tin BV Nhi T.Ư đề nghị cấp 100.000 tỉ đồng để dập dịch, PGS-TS Nguyễn Minh Điển - PGĐ BV Nhi T.Ư - cho hay: BV đã đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỉ đồng chứ không phải 100.000 tỉ đồng như thông tin một số báo nêu.
Theo PGS Điển: Hiện nay, bệnh nhân sởi mới nhập viện đã có chiều hướng giảm, khoảng 5-7 ca, so với 15-30 ca/ngày như trước. Sáng 18.4, Bộ Y tế và BV Nhi T.Ư đã kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại BV Đống Đa và Saint Paul (Hà Nội). TS Điển đã đề xuất các BV này giải pháp giảm tải: Những bệnh nhân mà ban thoái lui, giảm sốt, tỉnh táo, chỉ còn ho hung hắng thì cho về nhà, hằng ngày các bà mẹ đưa con đến khám lại theo yêu cầu của BS. “Chỉ tiêu” ra viện này sẽ làm giảm nguy cơ lây chéo trong BV.
Ngày 18.4, Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ bổ sung điều trị bệnh nhân sởi. Một trong những điểm mới của phác đồ là điều trị dự phòng lây nhiễm bệnh, bổ sung imune globulin (IG) tiêm bắp sớm trong vòng 3-6 ngày từ khi phơi nhiễm sởi với các bệnh nhi khác trong BV.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo