Phụ nữ bị bỏ qua trong phòng chống thiên tai tại Nam Á
Chỉ số được công bố trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Khu vực do Hiệp hội Nhân dân Nam Á tổ chức tại Kathmandu. Chỉ số đánh giá và so sánh khả năng phục hồi sau thiên tai của các quốc gia Nam Á: đặc biệt tập trung vào khả năng phục hồi của phụ nữ.
Được triển khai bởi ActionAid, hợp tác với Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Báo The Economist và Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc, nghiên cứu cho thấy, tại hầu hết các quốc gia Nam Á, phụ nữ không được quan tâm đầy đủ trong việc Giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRR) và xây dựng khả năng phục hồi sau thiên tai.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Bhutan, Sri Lanka, Nepal, Ấn Độ, Maldives và Bangladesh có khả năng phục hồi chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản - quốc gia phát triển được đưa vào nghiên cứu để làm cơ sở so sánh. Pakistan xếp cuối cùng trong số tám quốc gia trong danh sách, là quốc gia cá biệt có ít tiến bộ nhất trong khả năng phục hồi sau thiên tai của phụ nữ.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng rào cản kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến tăng cường năng lực của phụ nữ là những lý do chính khiến cho vấn đề phục hồi trong trường hợp khẩn cấp của đối tượng này không được đề cập trong việc giảm thiểu rủi ro và khắc phục ảnh hưởng sau thiên tai.
Theo bà Melissa Bungcaras, Chuyên gia tư vấn về Giảm thiểu rủi ro thiên tai và Phục hồi, ActionAid Úc:
“Nghiên cứu này cho chúng ta thấy chừng nào phụ nữ còn chưa được tăng cường khả năng tham gia vào việc lên kế hoạch và ứng phó thiên tai, họ sẽ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh thiên tai và hậu thiên tai. Chúng ta biết rằng trong những tình huống khẩn cấp, nhiều vấn đề tiêu cực như bạo lực chống lại phụ nữ sẽ gia tăng rõ rệt. Đó chỉ là một trong số các lí do cho thấy tại sao phụ nữ cần phải được tham gia vào quá trình chuẩn bị ứng phó thiên tai”.
“Chúng ta cũng biết rằng nhiều phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong những trường hợp khẩn cấp – họ là những người tiên phong, chịu trách nhiệm lớn lao cho cộng đồng của mình. Đó cũng là một lý do đặc biệt khác cho thấy tại sao phụ nữ cần được đầu tư: họ cũng có khả năng để tạo ra những phục hồi cho chính cộng đồng của họ.
Bà Bungcaras cho biết chỉ số này đã được công bố trong một thời điểm vô cùng quan trọng đối với toàn khu vực:
“Chỉ số cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc, mới mẻ và cấp thiết về vấn đề chuẩn bị và ứng phó thiên tai khắp khu vực Nam Á. Những thông tin chi tiết về chính sách ứng phó thiên tai trở nên vô cùng cấp thiết hơn lúc nào hết. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang hiện hữu ngày một rõ rệt ở các cộng đồng trên khắp khu vực và tổn thất do thiên tai ngày một tăng cao, chúng ta bắt buộc phải giảm thiểu mối nguy hại này đối với nhân loại bằng các chiến lược ứng phó rủi ro thiên tai kỹ càng. Chúng ta cũng bắt buộc phải gắn kết các chiến lược này với quyền của phụ nữ và chỉ ra những tác động bất lợi cho phụ nữ. Chỉ số này có đóng góp lớn lao đến việc xây dựng chính sách,” – bà Bungcaras nói.
Bà Bungcaras cũng bày tỏ hy vọng chỉ số này sẽ được sử dụng bởi các nhà xây dựng chính sách trong khu vực và điều đó sẽ giúp đảm bảo rằng quyền của phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp sẽ được thể hiện rõ nét trong chiến lược của họ.
“Chúng tôi hy vọng các nhà xây dựng chính sách quốc tế sử dụng những thông tin từ chỉ số này trong quá trình xây dựng nghị quyết quốc tế, bao gồm khuôn khổ hoạt động sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Phụ nữ không thể bị bỏ qua”, bà Bungcaras cho biết.
ActionAid là một phong trào toàn cầu của những con người làm việc cùng nhau nhằm thúc đẩy nhân quyền và đánh bại nghèo đói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo