POR8 – Cú “đánh úp” của DOC
Bất ngờ thay đổi nước thứ ba làm căn cứ tính thuế, chuyển từ Bangladesh bằng Indonesia, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có một “đòn hiểm”, đặt cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt Nam trước những thách thức mới...
Doanh nghiệp sốc nặng
Ngày 12/9/2012, DOC đã công bố kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) (giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011) đối với mặt hàng fillet đông lạnh cá tra Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam được hưởng mức thuế tạm thời thấp nhất so với những đợt xem xét hành chính trước đây.
Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Việt An được quyết định áp mức thuế suất tạm thời 0%; Các công ty bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế suất riêng tính theo biên độ phá giá trung bình áp dụng cho các bị đơn bắt buộc là bằng 0 USD/kg; Mức thuế suất chung toàn quốc là 2,11 USD/kg.
Vậy mà vào ngày 14/3/2013, khi kết quả cuối cùng của POR8 được công bố, DOC đã gây sốc cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khi đưa ra mức thuế chống bán phá giá (CBPG) hoàn toàn trái ngược so với kết quả sơ bộ và cũng cao gấp nhiều lần so với mức thuế suất trung bình của POR7.
Theo đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn sẽ phải chịu mức thuế suất trung bình là 0,19 USD/kg; Công ty CP Việt An là 1,34 USD/kg; Các bị đơn tự nguyện cùng chịu thuế suất trung bình 0,77 USD/kg; Các công ty khác chịu thuế suất trung bình 2,11 USD/kg. Với các nhà xuất khẩu mới như Công ty An Phú chịu thuế suất trung bình 1,37 USD/kg, Docifish 3,87 USD/kg và Gò Đàng 1,81 USD/kg.
Bất ngờ nhất trong vụ kết quả cuối cùng trái ngược hẳn với kết quả sơ bộ này có lẽ là Công ty CP Vĩnh Hoàn. Tuy chỉ phải chịu mức thuế thấp nhất, nhưng Công ty CP Vĩnh Hoàn lại phải chịu tổn thất rất lớn, bởi trong POR6 và POR7, Vĩnh Hoàn đã có mức thuế bằng 0. Nếu có mức thuế 0 thêm lần này (như trong quyết định sơ bộ) thì Vĩnh Hoàn đủ điều kiện để có thể thoát hẳn khỏi vụ kiện. Với mức 0,19 USD/kg, cao hơn cả mức de minimis (mức thuế tối thiểu, bằng 0,5% giá bán bình thường), khiến công ty Vĩnh Hoàn lại phải trở về vạch xuất phát và vẫn tiếp tục phải mệt mỏi với những POR sau này.
Nông dân hoang mang
Ngay sau khi DOC có quyết định nâng thuế CBPG cá tra fillet đông lạnh đối với doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã có chiều hướng giảm trở lại. Hiện, giá cá tra nguyên liệu loại 1 (thịt trắng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) ở An Giang chỉ còn 20.000 – 21.500 đồng/kg, giảm bình quân 1.000 đồng/kg so với mức giá cuối tuần trước.
Còn tại Cần Thơ, trước những thông tin về thuế CBPG cá tra tại Mỹ, các doanh nghiệp trong nước đã dè chừng, hạ giá mua còn 21.000 đồng/kg, giảm sâu so với giá thành sản xuất rất nhiều.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết: “Dưới tác động của thuế CBPG mà DOC áp dụng đối với doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn sẽ có sự sụt giảm về giá cá nguyên liệu nhưng chủ yếu do tâm lý”. “Những doanh nghiệp đang xuất khẩu bình thường vào thị trường Mỹ trước giờ nhưng bất ngờ bị nâng thuế CBPG thì họ phải ngưng lại vì không thể đưa hàng qua Mỹ được với mức thuế cao như vậy. Rõ ràng, có những sức ép về mặt tâm lý nên cần phải có thời gian để doanh nghiệp ổn định lại các mối hàng”, ông Hòe cho biết thêm.
So sánh khập khiễng
Sở dĩ kết quả cuối cùng mà DOC đưa ra trong đợt POR8 trái ngược hẳn với kết luận sơ bộ trước đó, cao hơn nhiều lần so với mức thuế của POR7 là vì DOC đã bất ngờ thay đổi nước thứ ba làm căn cứ tính thuế, chuyển từ Bangladesh bằng Indonesia.
Theo Báo cáo nuôi trồng thủy sản năm 2010 của Indonesia được đăng tải trên website gain.fas.usda.gov, cá tra (Pangasius spp) là loài cá nước ngọt được nuôi ngày càng nhiều và đang trở thành loại cá hàng hóa chính của Indonesia. Sản lượng cá tra nuôi của Indonesia tăng qua các năm, từ 36.755 tấn năm 2007, đến 102.021 tấn năm 2008 và 132.600 tấn năm 2009.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam cho thấy, trong 10 năm qua, sản lượng cá tra tại ĐBSCL đã tăng gấp 3 lần từ 500.000 tấn lên kỷ lục 1,5 triệu tấn vào năm 2008 và hiện đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Rõ ràng nhận thấy, quy mô ngành sản xuất cá tra ở Indonesia hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Cá tra nuôi ở Indonesia chỉ là một ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi cá tra Việt Nam là một ngành chủ lực của cả nước, nuôi với quy mô rộng lớn, lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết thêm: “Về công nghệ, quy trình kỹ thuật nuôi giữa cá tra Việt Nam và Indonesia cũng khác nhau. Cá tra Indonesia nuôi theo kiểu tự nhiên là nhiều, còn cá tra Việt Nam là nuôi công nghiệp vì thế giá thành sản xuất hoàn toàn khác biệt. Khác nữa là Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra, còn Indonesia chỉ cung ứng nội địa, hàng năm còn phải nhập cá tra Việt Nam. Sự khác biệt trên chỉ rõ không thể lấy Indonesia làm nước thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào để áp thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam”.
Thực tế cho thấy, cá tra (Pangasius spp) của Indonesia cũng được xuất khẩu sang Mỹ nưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng fillet đông lạnh và khối lượng xuất khẩu rất nhỏ, chỉ đạt 69.591 kg năm 2007.
Đoàn kết là sức mạnh
Tính đến thời điểm hiện nay, đây là lần thứ 8 trong 9 năm liên tiếp cá tra Việt Nam đứng trước việc bị phía Mỹ áp đặt thuế CBPG, trong đó Việt Nam đều là bị đơn, gây thiệt hại trực tiếp đối với lợi ích và hoạt động kinh doanh không chỉ người đối với nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam, mà còn đối với cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Sau quyết định cuối cùng của DOC, ngày 16/3/2013, VASEP đã lên tiếng phản đối mức thuế CBPG cao vô lý mà DOC áp dụng với cá tra Việt Nam, đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi công bằng cho ngành cá tra Việt Nam. Đây là việc cần làm, nhưng quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cần phải đoàn kết, hợp tác tạo ra sức mạnh để ứng phó trước những “chiêu trò” áp thuế CBPG hay các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm... luôn được các quốc gia sử dụng để “danh chính ngôn thuận” bảo hộ hàng nội địa.
Minh Trí
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng mời nghệ nhân Đinh Văn Tâm làm linh vật Tết Ất Tỵ 2025
Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vượt chỉ tiêu
Nhiều giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng 8% năm 2025
Cục CSGT nói gì về việc trả tiền tin báo vi phạm giao thông trên VNeTraffic?
Chi gần 10.000 tỷ đồng bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết
Cột tin quảng cáo