PTT Phạm Bình Minh: VN bảo vệ, thúc đẩy quyền con người
Ngày 10/12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Thế giới, là ngày Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết nhân sự kiện này.
Ngày 12/11/2013 vừa qua, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu kín để bầu các quốc gia thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ ba năm 2014-2016 với sự tham gia của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Việt Nam đạt 184/193 phiếu ủng hộ, trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước mới trúng cử vào Hội đồng nhân quyền gồm 47 thành viên đại diện cho các khu vực.
Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xuất phát từ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người và tích cực đóng góp vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Kết quả Việt Nam trúng cử với số phiếu rất cao mang nhiều ý nghĩa lớn. Trước hết, đó là sự ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu của trong công cuộc đổi mới toàn diện, chính sách, nỗ lực và kết quả tích cực đạt được về quyền con người ở Việt Nam.
Đây cũng là thành công của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam và sự đánh giá cao của quốc tế đối với các vai trò, đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.
Hiện nay, quyền con người đã trở thành một vấn đề toàn cầu, mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và như Đảng ta đã khẳng định, là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của loài người qua nhiều thế hệ. Liên hợp quốc là tổ chức toàn cầu lớn nhất, giữ vị trí trung tâm và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống quốc tế.
Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ việc bảo vệ các quyền cơ bản và phẩm giá con người là một trong những mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc và trên thực tế nhiệm vụ thúc đẩy, bảo vệ quyền con người cùng với việc duy trì hòa bình-an ninh quốc tế và hợp tác vì phát triển đã trở thành ba trụ cột trong hoạt động của tổ chức này.
Hội đồng Nhân quyền là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới, do vậy được các nước đặc biệt coi trọng.
Nhiều nước mong muốn trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền để tăng cường đóng góp, đồng thời tác động vào nội dung và hướng hoạt động của Hội đồng. Vì vậy, tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền thường rất khó khăn, được đánh giá là chỉ sau tranh cử vào Hội đồng Bảo an vì luôn có sự cạnh tranh phiếu quyết liệt giữa nhiều nước cùng ứng cử.
Năm nay có 3 nhóm khu vực có tranh chấp về phiếu bầu, trong đó nhóm châu Á-Thái Bình Dương có số nước ứng cử đông nhất, cho tới những tháng cuối cùng vẫn còn 7 nước tranh cử cho 4 ghế.
Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2006 nêu các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về quyền con người, hợp tác đầy đủ và có khả năng đóng góp vào công việc của Hội đồng Nhân quyền.
Trong quá trình vận động các nước ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, chúng ta đã giới thiệu toàn diện, có hệ thống với các nước quan điểm, chính sách nhất quán, hệ thống pháp luật và thành tựu nổi bật của Việt Nam về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về nhiều vấn đề mà các nước quan tâm.
Chúng ta khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước ta bắt nguồn từ khát vọng thiết tha được hưởng các quyền tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam vốn đã phải chịu cảnh là người dân của một nước thuộc địa.
Nhiều bạn bè còn nhắc lại tình cảm, sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền dân tộc tự quyết. Đây là một trong những quyền con người cơ bản nhất, được ghi nhận trong những điều khoản đầu tiên của các điều ước quốc tế quan trọng nhất hiện nay về quyền con người.
Tuyên bố được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức vào tháng 6/1993 ở Vienna (Áo) nêu rõ rằng quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là các dân tộc có quyền tự do lựa chọn thể chế chính trị. Quyền đó cũng có nghĩa là các dân tộc tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình.
Thực tế lịch sử của dân tộc ta là quyền con người đã được khẳng định ngay từ những lời nói đầu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Chỉ một ngày sau đó, tức là ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam mới là tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội lập hiến, thông qua hiến pháp để khẳng định quyền làm chủ đất nước.
Thực tế lịch sử cũng là Nhà nước đã có nhiều phấn đấu thúc đẩy quyền lợi của người dân ngay cả trong điều kiện đầy ngặt nghèo của những năm tháng kháng chiến.
Con người được đặt là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển và công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Các quyền và tự do cơ bản của nhân dân được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế.
Vấn đề tôn trọng, thúc đẩy quyền con người được khẳng định ngay trong những chương đầu, trở thành những quy định có giá trị thực hiện trực tiếp trong nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 1992 đã được đăng công khai, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.
Các quyền con người về dân sự, chính trị được thể hiện rõ trong đời sống chính trị, xã hội sôi động của đất nước. Vị trí và tiếng nói của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Quốc hội đã ban hành, sửa đổi nhiều đạo luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đảm bảo quyền con người trong mọi lĩnh vực, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt thông qua các phiên chất vấn công khai.
Quyền của người dân cũng được thực hiện hiệu quả hơn qua những cải cách tư pháp, hành chính. Tiếng nói của nhân dân về các vấn đề của đất nước được phát huy qua nhiều bộ luật quan trọng về báo chí, khiếu nại, tố cáo, quy chế dân chủ cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, đa dạng.
Ở Việt Nam, năm mươi tư dân tộc anh em luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Mọi mặt trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện không ngừng.
Thực tế hiện nay là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú với sự có mặt của tất cả các tôn giáo chính trên thế giới. Bên cạnh thực tế là số đông người dân là tín đồ Phật giáo, Phật giáo Hoà hảo, Cao đài, Việt Nam là một trong những nước có số lượng tín đồ Công giáo lớn nhất ở châu Á và số lượng tín đồ Tin Lành lớn nhất ở Đông Nam Á.
Các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa, đặc biệt như thể hiện ở quyền sở hữu, tự do sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, sáng tạo và thụ hưởng các thành quả văn hoá, bình đẳng giới, quyền cho những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, về giáo dục, y tế của người dân được bảo đảm ngày càng tốt đã góp phần quan trọng để Việt Nam đạt được các thành tựu nổi bật, được quốc tế ghi nhận về phát triển kinh tế-xã hội, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình đồng thờ, các thành tựu đó cũng tạo thêm nguồn lực và điều kiện thực tế cho việc thụ hưởng các quyền về dân sự, chính trị.
Cộng đồng quốc tế đặc biệt đánh giá cao, coi Việt Nam như một điểm sáng trên nhiều vấn đề thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền như xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chỉ số phát triển con người, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển.
Vừa qua, tuy gặp những khó khăn kinh tế có phần do tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính chính toàn cầu, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, đầu tư về giáo dục, y tế, cải thiện cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Nhà nước hết sức quan tâm đến việc tạo điều kiện thuân lợi, hỗ trợ để đồng bào có cuộc sống tốt đẹp, bảo vệ lợi ích chính đáng của họ ở nước sở tại qua nhiều hoạt động cụ thể từ giúp đỡ trực tiếp, phát huy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào, đến đàm phán các hiệp định lãnh sự, tư pháp, các hoạt động bảo vệ công dân, lợi ích chính đáng của đồng bào.
Nhiều chính sách, cơ chế mới được xây dựng, đi cùng những biện pháp cụ thể theo hướng thông thoáng, thuận tiện hơn về thị thực, kể cả miễn thị thực, luật dân sự, đầu tư, mua nhà ở để người Việt Nam về thăm quê hương, thân nhân, làm ăn, hòa nhập vào mặt của cuộc sống và đóng góp xây dựng đất nước. Mỗi năm có hàng trăm nghìn người Việt Nam ở nước ngoài về thăm hoặc định cư lâu dài ở đất nước.
Đồng thời, như Đại hội Đảng lần thứ XI (tháng 1/2011) đã đánh giá, dân chủ chưa được phát huy đầy đủ, quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước.
Trong trao đổi với các đối tác quốc tế, chúng ta cũng thẳng thắn đề cập đến những thách thức đặt ra và sẵn sàng đối thoại về những khác biệt. Nhìn chung, họ đều nhìn nhận không quốc gia nào có thể tự xem là hoàn hảo.
Nhận thức chung cũng là theo tinh thần của Tuyên bố Hội nghị Viên năm 1993 là quyền con người có giá trị phổ cập, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của các quốc gia, khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Mỗi quốc gia đều phải xây dựng và thực thi luật pháp để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, các quyền chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Các Điều 18, 19, 20, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, khi quy định các quyền tự do tôn giáo, chính kiến, tụ hội hòa bình, lập hội thì cũng nêu rõ là việc thực hiện các quyền này cũng đi đôi với những nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt theo quy định của pháp luật, trong đó có việc bảo đảm quyền, uy tín của những cá nhân khác, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và luân lý công; nghiêm cấm tuyên truyền chiến tranh hoặc việc khuyến khích hằn thù dân tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo.
Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta cũng được thể hiện rõ trong hợp tác quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, trong đó có: Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Ngày 7/11/2013 vừa qua, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về chống tra tấn và đang nỗ lực hoàn tất các quy định về thủ tục để phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật vào năm 2014. Việt Nam cũng đã tham gia 18 điều ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động.
Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, bổ sung pháp luật trong nước, tổ chức và thực hiện điều ước quốc tế đã tham gia, trong đó có nghĩa vụ làm báo cáo quốc gia định kỳ. Tới nay, các cơ quan công ước đều đánh giá Việt Nam nghiêm túc trong việc chuẩn bị báo cáo quốc gia và kết luận tích cực về tình hình thực hiện công ước ở Việt Nam.
Trong 7 năm qua kể từ khi Hội đồng nhân quyền được thành lập, với tư cách là quan sát viên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến trên nhiêu vấn đề thuộc chương trình nghị sự và tham gia xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng.
Đặc biệt là chúng ta chuẩn bị công phu, trình bày thành công báo cáo trong khuôn khổ Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR), thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị mà ta đã chấp thuận tại phiên trình bày.
Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các cơ chế, trong đó có việc từ năm 2010 đã đón 4 Báo cáo viên đặc biệt/Chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, thiểu số, y tế, tác động của nợ nước ngoài). Từ ngày 18 đến 29/11/2013 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa và sẽ đón thêm một số Báo cáo viên đặc biệt trong một số lĩnh vực khác trong thời gian tới.
Tại Đại hội đồng và Hội đồng kinh tế-xã hội, Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực và bỏ phiếu thuận tuyệt đại đa số các Nghị quyết của Liên hợp quốc về quyền con người; quan điểm của Việt Nam phù hợp với quan điểm chung, thể hiện trong các văn kiện quốc tế và Liên hợp quốc về quyền con người.
Trong phạm vi khu vực, cùng với các nước ASEAN, ta đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, đối thoại song phương với nhiều nước về nhân quyền để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người tại Việt Nam và các nước liên quan.
Do vậy, việc ta trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu rất cao còn thể hiện cộng đồng quốc tế hoan nghênh sự tham gia và coi trọng khả năng đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy các vấn đề quyền con người mà quốc tế quan tâm.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề phức tạp. Hàng năm, Hội đồng Nhân quyền có một phiên họp cấp cao và ba khóa họp thường kỳ, thời gian họp ít nhất là 10 tuần. Các đề mục chính được xem xét là báo cáo của Cao ủy Nhân quyền về tình hình nhân quyền trên thế giới, việc thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa, tình hình nhân quyền cần đặc biệt quan tâm, hướng nghiên cứu, trợ giúp kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các nước về bảo đảm quyền con người.
Bên cạnh đó là hoạt động của các cơ chế trực thuộc, giúp việc cho Hội đồng, trong đó có Ủy ban Tư vấn, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, 51 Thủ tục đặc biệt gồm các Nhóm làm việc, báo cáo viên đặc biệt, chuyên gia độc lập về nhiều lĩnh vực của quyền con người, Thủ tục Khiếu nại.
Một hoạt động quan trọng của Hội đồng là Cơ chế Kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR) mà theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền về việc đảm bảo quyền con người tại nước mình. Hội đồng Nhân quyền có thể triệu tập các khóa họp đặc biệt theo yêu cầu của ít nhất là 1/3 số quốc gia thành viên. Nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu cũng tham gia dưới các hình thức khác nhau.
Việt Nam sẽ tham gia nghiêm túc, tích cực và xây dựng vào nhiều hoạt động của Hội đồng Nhân quyền. Chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến trên các chủ đề lớn, đề xuất, đồng tác giả, thương lượng các nghị quyết và quyết định, hết sức chú ý đến các vấn đề được các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm như các quyền phát triển, kinh tế, xã hội, văn hóa và vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các cơ chế, thủ tục của Hội đồng Nhân quyền, sẵn sàng cùng các nước thành viên và đối tác quốc tế khác đưa ra các sáng kiến, thúc đẩy các vấn đề mới vì lợi ích chung.
Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền theo hướng thúc đẩy đối thoại, không đối đầu và chính trị hóa, phát huy cách tiếp cận cân bằng, khách quan, toàn diện về các vấn đề đặt ra có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về quyền con người.
Với việc tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách quốc gia thành viên, ta sẽ có thêm điều kiện giới thiệu giới thiệu đường lối Đổi mới toàn diện, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực cùng thành tựu các mặt về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đồng thời đấu tranh đối với những ý kiến sai trái.
Chúng ta cũng có thêm điều kiện để đóng góp sâu, đầy đủ hơn trên một vấn đề quốc tế lớn hiện nay, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế và tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Những kinh nghiệm của quá trình Đổi mới, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và vị trí của của Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác sẽ góp phần có ý nghĩa vào việc thúc đẩy công việc của Hội đồng Nhân quyền.
Đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người tiếp tục là những định hướng cho việc hoàn thiện luật pháp, thể chế nâng cao hiệu quả bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân.
Theo đó và với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đại hội Đảng lần thứ XI, trong đó có chủ trương là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta sẽ nỗ lực để có thêm nhiều đóng góp hiệu quả vào công việc chung, thực hiện tốt vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Theo TTXVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo