Quá nhiều thông tin... làm doanh nghiệp sợ hội nhập
Quá nhiều làm rối thông tin
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương vừa qua, ông Trịnh Minh Anh - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế trả lời báo chí về nguyên nhân khiến các doanh nghiệp có tâm lý sợ hội nhập.
Trước lo ngại doanh nghiệp sợ hội nhập vì thiếu thông tin, ông Minh Anh khẳng định, các thông tin về hội nhập không hề thiếu. Tôi xin trích dẫn câu nói: “Thông tin hội nhập rất sẵn có trên cổng thông tin các bộ, ngành, từ nội dung cam kết của các FTA đã ký cho đến các FTA đang đàm phán và các thông tin khác về các cơ hội, thách thức”. Theo vị này, điều quan trọng là doanh nghiệp cần biết lựa chọn thông tin phù hợp.
Cụ thể, theo ông Minh Anh, hội nhập bây giờ khác với 8 năm trước khi Việt Nam vào WTO. Trước kia khi vào WTO thì thông tin điện tử, mạng, báo, đài không nhiều như bây giờ. Khi đó chỉ có Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Bộ Tài chính và một số bộ chủ chốt tham gia đàm phán, dẫn dắt đàm phán thì đưa ra thông tin chính thống. Những cam kết về đàm phán lúc đấy đã đưa ra là chính thống, ít nhưng chất lượng, trọng tâm trọng điểm.
Bây giờ, thông tin phát triển, báo đài đưa tin rất nhanh. Các bộ ngành cũng tích cực đưa tin tình hình đàm phán, cam kết hội nhập. Các phóng viên cũng rất tích cực truy cập các thông tin từ các tổ chức khác nhau trên thế giới như WB, IMF... thậm chí cả các trang không chính thức như Wikileaks, trích dẫn ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia khác nhau...
"Thông tin, ý kiến nhiều chiều khiến doanh nghiệp bây giờ giống như người lần đầu vào ăn buffet, nhiều quá không biết chọn món gì, đôi khi thấy hoảng. Bởi vậy, doanh nghiệp hiện giờ sợ hội nhập là vì nhiều thông tin và bị rối thông tin", ông Minh Anh ví von.
Cũng theo ông Minh Anh, các doanh nghiệp phải biết lựa chọn nguồn thông tin. Ông cho biết, hiện không riêng gì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... mà nhiều cơ quan, tổ chức tư nhân, viện, trường… cũng đăng tin, tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo, phổ biến thông tin hội nhập.
"Tôi khẳng định, hội thảo, lớp đào tạo nào do Bộ Công Thương tổ chức thì đảm bảo chất lượng, tổ chức cho địa phương, ngành hàng nào đều cụ thể, rõ ràng. Còn các hội thảo khác, có khi đưa thông tin quá chi tiết. Diễn giả khi trình bày về hiệp định thì phân tích rất kỹ từng dòng thuế, từng điều khoản cam kết. Có nhiều loại hình DN khác nhau tham dự một lớp học mà đưa vào nội dung quá chi tiết không liên quan nhiều là người ta nản. Có hội thảo, hay chuyên gia thì truyền tải thông tin theo kiểu “hội nhập có rất nhiều cam kết khó thực hiện, DN yếu hội nhập là chết, nguy hiểm lắm, thách thức nhiều lắm trong khi cơ hội chưa thấy đâu...Cả hai kiểu nêu trên đều gây hoang mang cho doanh nghiệp", lãnh đạo Bộ Công thương cho biết.
Vị này cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn tích cực triển khai thông tin tuyên truyền về hội nhập, đã phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau từ hình từ hội nghị, hội thảo, biên soạn ấn phẩm, tài liệu, tuyên truyền qua báo chí đến hình thức hiện đại như điểm hỏi đáp trên mạng, chuyên mục trên truyền hình hay tọa đàm trực tuyến...
Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin có trọng tâm
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Công Thương chủ động xây dựng Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo Đề án đã được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cả nước tại 4 hội nghị lớn tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cả 4 hội nghị này đều có lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp chủ chì và có sự tham gia của lãnh đạo một số đoàn đàm phán.
Các Vụ Thị trường, Cục Xúc tiến thương mại… cùng tham gia và kết hợp trình bày, giải thích cho DN các vấn đề hội nhập. Chúng tôi đang hoàn thiệu và dự kiến cuối quý III, đầu quý IV sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, có 4 điểm mới, giải pháp mới đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Một là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành tránh tình trạng chồng chéo. Thời gian qua có tình trạng nhiều hội thảo tập trung ở các thành phố lớn, trong khi các vùng sâu vùng xa thì ít thông tin.
Hai là, có trọng tâm trọng điểm rõ ràng: tập trung các nội dung chính, thị trường chính mà doanh nghiệp quan tâm. Thứ ba, có kế hoạch tổng thể theo từng năm và chi tiết theo từng quý, tháng; có sự phân công trong Bộ Công Thương và các bộ ngành khác.
Thứ tư, xây dựng, biên soạn 1 bộ tài liệu chuẩn và tiếp tục phổ biến thông tin dưới nhiều loại hình. Chúng tôi cũng đề xuất thành lập bộ phận giải thích cam kết giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Trước đây khi vào WTO, chúng tôi làm việc này rất tốt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)