Quái thú “đầu dê mình bò” ở Himalaya
Khi Công ty du lịch Windhorse của Bhutan gửi cho chúng tôi lịch trình thăm thú Bhutan trong một tuần tại đây, có mấy dòng thông tin rất ngắn nhưng lại khiến chúng tôi tò mò khôn xiết.
Đó là sẽ có chuyến thăm vườn thú Motithang Takin - với chú thích rằng đấy là một loài động vật hoang dã “đầu dê mình bò” chỉ có ở Bhutan và đang bị đe dọa tuyệt chủng!
Một đất nước gần như không có chuyện sát sinh, ngay cả việc câu cá cũng là điều cấm kỵ, chim thú chung sống hòa bình với người thì một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng hẳn là có điều gì đặc biệt lắm!
Bởi thế khi vừa đến thủ đô Thimphu của Bhutan, nhiều anh em muốn đi thăm ngay khu vườn thú đặc chủng kỳ lạ kia nhưng rốt cuộc phải đi theo lộ trình của công ty sắp xếp bởi ở Bhutan, đi từ tỉnh này đến tỉnh khác phải có… giấy thông hành, giấy này được công ty du lịch xin đúng với thời gian đi và đến theo lộ trình lên lịch từ trước nên rất khó thay đổi.
Bởi thế, chúng tôi phải về Punakha, một thành phố phía nam - “thủ đô mùa đông” của Bhutan, rồi hai hôm sau mới quay lại thủ đô Thimphu.
Con thú huyền thoại…
Trên con đường xuyên giữa rừng già, những cây cổ thụ ngàn năm tuổi bạc phếch bởi địa y, thấp thoáng bóng những muông thú chạy nhảy, thậm chí có lúc chúng tôi còn gặp cả đoàn trâu yak. Tò mò hỏi anh Leki Dorji, hướng dẫn viên của nhóm, về con vật takin, chúng tôi chỉ được Leki cười bí hiểm: “Ngày mai tới Chimi Lhakhang rồi các anh sẽ biết vì sao có loài thú takin này”.
Chimi Lhakhang là một chorten (tu viện) gắn với tên tuổi một vị “thánh điên” (The Divine Madman) tên là Drukpa Kuenlay (1455-1529) rất được người dân Bhutan yêu mến.
Trên đường từ thành phố Punakha về thị trấn Wangdue yên bình và xinh đẹp, chúng tôi dừng lại ở ngôi làng bên đường chiêm bái tu viện Chimi Lhakhang và thật bất ngờ khi trong tu viện này tràn ngập hình ảnh phồn thực, thậm chí chốt cửa cũng được tạo hình như hình ảnh linga trong tín ngưỡng Champa.
Còn trên những bức tường nhà dân, những hình ảnh đó được tô màu đỏ chói to vật vã choán hết bức tường. Tín ngưỡng nguyên sơ ấy gắn với câu chuyện của vị “thánh điên” Drukpa Kuenlay.
Tương truyền Drukpa Kuenlay đã chinh phục… 5.000 phụ nữ để thành đạo, chuyển hóa thành sức mạnh để xua đuổi tà ma ác quỷ. Với năng lực thượng thừa đó, vị thánh tăng này được dân tôn thờ và các hình vẽ phồn thực trên những bức tường nhà của cư dân nơi đây không chỉ nhằm trừ tà mà còn thể hiện khát vọng sung mãn may mắn trong cuộc sống và tình ái.
Chimi Lhakhang nay trở thành một điểm hành hương cầu tự cho những phụ nữ hiếm muộn. Và cả những người đàn ông mong muốn được chút sức lực như Drukpa Kuenlay cũng đến đây nguyện ước bằng cách chạm vào hai ngẫu tượng được thờ ở đây.
Phải đến lúc đó, anh chàng hướng dẫn viên Leki Dorji mới kể cho chúng tôi biết rằng con vật takin huyền thoại đầu dê mình bò đã được chính vị thánh Drukpa Kuenlay tạo ra tại đây.
Khi những người dân muốn Drukpa Kuenlay chứng tỏ mình có phép lạ, ông đã sai dân chúng mang đến một con dê và một con bò, rồi ăn thịt hết hai con vật. Sau khi ăn ngấu nghiến cả dê và bò, ngài đã để đầu của con dê lên bộ xương của con bò và chỉ với một cái búng tay, Drukpa Kuenlay đã hóa phép biến hai bộ xương thành một con thú kỳ lạ đầu dê mình bò chạy mất hút vào núi xa.
Rõ ràng đó chỉ là một huyền thoại, tuy nhiên cũng như ở đất nước chúng ta, loài dê được gắn cho một sứ mệnh về sinh lực đàn ông và gieo rắc nòi giống, loài takin ở Bhutan với đầu dê mình bò cũng gắn với một vị thánh có huyền thoại chinh phục 5.000 phụ nữ như Drukpa Kuenlay.
Rời tu viện Chimi Lhakhang, chúng tôi vẫn chưa hình dung sẽ chạm mặt takin ở vườn thú Motithang như thế nào.
Từ “dị thú” thành “quốc thú”
Và không để chúng tôi quá tò mò, hôm sau, sau khi từ Punakha về lại thủ đô Thimphu, sau bữa trưa Leki dẫn chúng tôi đi vào vườn thú, nơi đang bảo tồn loài thú takin đặc hữu.
Chỉ mất chưa đến nửa giờ để đi ôtô từ trung tâm thủ đô, chúng tôi đã men theo con đường nhỏ và sạch len lỏi giữa cánh rừng thông để đến khu bảo tồn takin.
Ngay lối vào vườn thú đã thấy những tấm panô bằng gỗ được dựng lên, trên đó câu chuyện nguồn gốc rất huyền thoại của loài takin được tạo ra bởi Drukpa Kuenlay được kể lại rất rõ với hình minh họa vị thánh tăng Drukpa Kuenlay này đang hóa phép thần thông tạo ra loài takin.
Trên nhiều tấm panô khác, ghi rất rõ ràng ngày 25-11-1985, quốc vương Bhutan đã ban bố quyết định công nhận takin là “quốc thú” của đất nước này “Takin-Bhutan’s National Animal”.
Trên những ngọn đồi rộng và thoáng được quây kín bằng lưới sắt, từ xa chỉ thấy bóng những con thú đang nô đùa chạy nhảy quanh những gốc cây, tảng đá, bờ suối.
Phải đợi khá lâu bên ô cửa sắt với một nhành lá để dụ dỗ, một chú takin lững thững bước đến. Quả là quá ấn tượng với những con takin đang được bảo tồn tại đây. Với cái đầu như một con dê và cặp sừng dũng mãnh, nhưng phần thân của takin lại y hệt một con bò tót.
Mặc dù có một thân hình kỳ lạ như thế nhưng takin lại không có được sự dũng mãnh của một chú bò tót hay sự nhanh nhẹn của những con sơn dương, ngược lại chúng quá hiền hòa. Và mặc dù chúng rất được người dân Bhutan chăm sóc bảo vệ nhưng trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, takin bị các loài báo tuyết và gấu đen Himalaya đe dọa.
Nhất là mỗi khi vào mùa sinh sản, chúng thường bị loài gấu đen Himalaya bám đuổi. Loài gấu đen này sẽ bám theo một con takin đang mang thai và khi con takin sinh con xong thì chúng sẽ tấn công xua đuổi takin mẹ để ăn thịt takin con vừa sinh ra. Đó cũng là một lý do mà takin có nguy cơ báo động tuyệt chủng.
Không chỉ bị loài gấu đen Himalaya đe dọa, nguồn thức ăn của takin cũng bị cạnh tranh bởi những chú bò Tây Tạng. Takin cũng rất “chảnh” với môi trường sống, khi những cơn gió mùa hạ tràn qua các thung lũng oi nóng khiến các côn trùng như ruồi, muỗi, vắt... có thể tấn công chúng, takin lại di cư lên những triền núi có độ cao 3.000m để tránh nóng và các loài côn trùng gây hại. Khi mùa đông đến, takin bắt đầu “hạ sơn”, côn trùng gây hại sẽ không sống nổi trong mùa đông giá rét và những con takin có thể ung dung gặm thảo mộc vừa nhú lên sau lớp băng tuyết.
Trong dáng vẻ khỏe mạnh của loài thú takin, hình như có cả một triết lý sống. Và dĩ nhiên, không như loài tê giác đang bị săn đuổi bởi ảo tưởng “thần dược” có được từ cơ thể của chúng, với loài takin, chúng đã may mắn không “được” con người ví như một thần dược (trừ phi sừng của takin được cho là có thể giúp những phụ nữ gặp khó khăn khi sinh nở).
Cùng với chính sách bảo vệ môi trường sinh thái của Bhutan vô cùng nghiêm ngặt, takin - loài thú nửa dê nửa bò trên triền Himalaya - được chọn làm “quốc thú” bởi không chỉ vì chúng gắn kết giữa huyền thoại và tôn giáo, về nguồn gốc thiêng liêng và độc đáo hay sự quý hiếm trước nguy cơ tuyệt diệt của nó.
Trong vẻ đẹp nhuốm màu huyền thoại về nguồn gốc sinh thành từ bậc thánh tăng Drukpa Kuenlay, takin chọn cho mình những cánh rừng bên triền dãy Himalaya, tránh hết những loài côn trùng ẩm thấp trong những thung lũng khi mùa hạ đến, cuộc đời của loài thú takin mang vác một cốt cách sinh tồn như những cư dân của xứ sở này, biết chọn cho mình niềm vui sống thênh thang giữa những non cao…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn