Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của chính sách tài khóa năm 2013 là ổn định

Năm 2013 được dự báo là năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo đó, chính sách tài khóa cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ thu, chi NSNN, đến thâm hụt NSNN, nợ công và tác động của chính sách quản lý giá đến NSNN nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Chính sách tài khóa không có thay đổi lớn
 
Nghị quyết số 31/2012/NQ-QH13 ngày 8.11.2012 đặt mục tiêu cho năm 2013 là tăng trưởng GDP 5,5% với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30% GDP và lạm phát dưới 8%. Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng khoảng 10% với tỷ lệ nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch XK và bội chi NSNN dưới 4,8% GDP. Như vậy, về cơ bản chính sách tài khóa năm 2013 không thật sự có thay đổi lớn so với năm 2012 mặc dù tốc độ tăng GDP dự kiến cao hơn, tốc độ lạm phát cũng cao hơn hoặc thấp hơn không đáng kể. Nhập khẩu cao hơn xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD, thay vì thặng dư thương mại mấy trăm triệu USD như năm 2012.
 
Tỷ lệ thu và chi NSNN theo dự toán năm 2013 đều giảm nhẹ khoảng 1% GDP so với thực hiện năm 2012 nên thâm hụt NSNN vẫn duy trì tương đương giai đoạn 2011-2012. Theo đó, quan điểm chủ đạo của chính sách tài khóa năm 2013 là ổn định, chứ không chủ trương nới lỏng (tăng chi NSNN) hay/và giảm gánh nặng thu NSNN (giảm thu NSNN) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cũng không chủ trương thắt chặt tài khóa (giảm chi NSNN hay/và tăng thu NSNN) nhằm giảm thâm hụt NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
 
Nhìn chung, thu NSNN năm 2013 sẽ vẫn gặp khó khăn khi sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế không được bù đắp bởi tốc độ lạm phát tăng cao như mấy năm trước. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 2 năm 2011 - 2012 đã có khoảng 10 vạn DN giải thể phá sản, chiếm một nửa số DN giải thể phá sản kể từ khi có Luật DN đến nay nên đã hạn chế khả năng thu NSNN không chỉ của năm 2012 mà có thể của cả các năm tiếp theo. Ngay 2 tháng đầu năm 2013 đã có thêm 8.600 DN giải thể và dừng hoạt động.  
 
Các khoản thu trong nước đạt thấp do kinh tế khó khăn
 
Giai đoạn 2006 - 2011, cơ cấu thu NSNN có xu hướng chuyển dịch tích cực với tỷ trọng thu nội địa (gắn với sản xuất kinh doanh trong nước) tăng nhanh từ trên 50% đầu giai đoạn lên trên 60% tổng thu vào cuối giai đoạn. Thu nội địa liên tục vượt dự toán hàng năm 10 - 15%, thậm chí vượt tới 26,9% dự toán năm 2008. Tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô giảm mạnh từ khoảng hơn 1/4 xuống 13 - 14% tổng thu NSNN trong khi tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ít thay đổi và dao động quanh mức 20% tổng thu.
 
Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế năm 2012-2013 đã và sẽ phản ánh rõ nét trong thu từ sản xuất kinh doanh trong nước, điển hình là thuế GTGT hàng sản xuất trong nước và thuế TNDN với dự toán thu lần lượt là 173 ngàn tỷ đồng (trong đó DNNN gần 66 ngàn tỷ; khu vực FDI gần 34 ngàn tỷ và khu vực ngoài Nhà nước gần 74 ngàn tỷ) và 220 ngàn tỷ đồng (trong đó: DNNN hơn 75 ngàn tỷ; khu vực FDI gần 108 ngàn tỷ, riêng dầu thô là 57 ngàn tỷ và khu vực ngoài nhà nước gần 37 ngàn tỷ).
 
Thu NSNN từ đất đai đạt thấp do thị trường BĐS đóng băng
 
Dự toán khoản thu NSNN từ nhà đất năm 2013 là 45,7 ngàn tỷ đồng (trong đó riêng thu tiền sử dụng đất là 39 ngàn tỷ đồng) chiếm hơn 5% tổng thu NSNN theo dự toán và là khoản thu quan trọng hàng đầu của ngân sách địa phương, song do thị trường bất động sản có thể vẫn đóng băng trong năm 2013 nên thu tiền sử dụng đất nói riêng và thu từ nhà đất nói chung không dễ dàng đạt dự toán. Năm 2012, thu tiền sử dụng đất chỉ đạt đúng dự toán là 37 ngàn tỷ đồng.
 
Gia hạn, miễn giảm thuế có tác động hạn chế
 
Thu NSNN nói riêng, chính sách tài khóa năm 2013 nói chung còn chịu tác động mạnh của các biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thị trường từ năm 2012 và tiếp tục thực hiện bổ sung năm 2013. Kết quả, đã gia hạn 11.124 tỷ đồng tiền thuế GTGT quý II.2012 cho gần 190 ngàn doanh nghiệp. Gia hạn 3.327 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho 77.295 doanh nghiệp. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho 3.609 doanh nghiệp, với số tiền 445,2 tỷ đồng. Miễn và hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 44.897 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền 12,4 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, những giải pháp nêu trong Nghị Quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết 29/2012/NQ-QH13 dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các doanh nghiệp cả về cách thức, quy mô và mức độ hỗ trợ.
 
Theo Bộ Tài chính, để triển khai Nghị Quyết 13/NQ-CP, NSNN dự kiến giảm thu khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng tổng giá trị thực tế doanh nghiệp được hưởng lên tới 29.000 tỷ đồng, trong đó, gần 16.000 tỷ đồng là lợi ích từ việc giãn nộp thuế VAT quý II trong vòng 6 tháng (mỗi tháng doanh nghiệp được giãn thuế khoảng 4.100 tỷ đồng mà không phải chịu chi phí lãi vay và không bị phạt chậm nộp thuế) và 13.000 tỷ đồng bao gồm tiền miễn giảm 30% thuế TNDN, các loại thuế khoán, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, bổ sung chi tiêu công…
 
Rõ ràng, khoản giảm thu NSNN là không đáng kể, chỉ chiếm 1,2% dự toán tổng thu NSNN cả năm 2012 và tổng giá trị thực tế doanh nghiệp được hưởng theo tính toán của Bộ Tài chính cũng rất nhỏ, tương đương 1% GDP dự tính - thấp xa so với quy mô xấp xỉ 10% GDP của gói kích thích kinh tế năm 2009 mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 có thể khó khăn không kém, thậm chí có một số khía cạnh còn phức tạp hơn so với năm 2009.
 
Ngày 7.1.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường với các ưu đãi hỗ trợ từ chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách thuế phí mạnh mẽ và bài bản hơn hẳn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 còn chậm.
 
Chi NSNN bám sát dự toán
 
Nếu thu NSNN năm 2013 không dễ đạt dự toán thì chi NSNN lại có thể bám khá sát dự toán. Năm 2012, theo Bộ Tài chính, trong khi thu NSNN đạt đúng dự toán thì chi NSNN lại thấp hơn dự toán gần 1% - trường hợp hy hữu chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Đã không xảy ra mối lo ngại về chuyện chi NSNN vượt dự toán có thể lặp lại trong năm 2012, do đây là truyền thống và khả năng tăng chi NSNN để kích cầu những tháng cuối năm 2012. Thực tế mấy năm gần đây cho thấy, chi NSNN luôn vượt xa dự toán nên thâm hụt NSNN dường như đã trở thành bệnh kinh niên bất chấp mọi nỗ lực tăng thu NSNN.
 
Cơ cấu chi xuất hiện sự thay đổi
 
Chi đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2011 chiếm khoảng 20 - 30% tổng chi NSNN và cũng luôn vượt dự toán hàng năm từ 5% năm 2007 đến 19,8% (2008) và tới 60,8% năm 2009 rồi 45,9% năm 2010 và 27,5% năm 2011 với lý do tăng chi đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế ứng phó tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2012, chi đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ổn định ở mức 21% tổng chi NSNN.
 
Chi thường xuyên giai đoạn 2006 - 2011 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi NSNN với khoảng 50 - 60% tổng chi NSNN, riêng năm 2011 lại vọt lên 73% do đưa chi trả nợ lãi vào chi thường xuyên.
 
Kế hoạch cắt giảm chi đầu tư phát triển từ NSNN thể hiện khá rõ trong năm 2013 khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển lần đầu tiên giảm sâu dưới mức 20% tổng chi NSNN với quy mô chỉ có 175 ngàn tỷ đồng - thấp hơn 5 ngàn tỷ đồng so với dự toán năm 2012 và chỉ bằng hơn 93% so với thực hiện năm 2012. 
 
Thâm hụt NSNN và nợ công tiếp tục tăng cao
 
Thâm hụt NSNN giai đoạn 2006 - 2011 đã tăng mạnh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ trên GDP so với giai đoạn trước. Hiện nay, Việt Nam vẫn sử dụng hai khái niệm bội chi ngân sách là bội chi theo tiêu chuẩn quốc tế và bội chi theo tiêu chuẩn Việt Nam, gồm bội chi theo chuẩn quốc tế cộng thêm phần chi trả nợ gốc.
 
Sang năm 2012, do khó khăn từ phía thu NSNN trong khi vẫn phải đảm bảo chi NSNN nên thâm hụt NSNN đã tăng từ 4,6-4,8% GDP trong hai quý đầu năm lên 6,2% GDP, sau 9 tháng đưa quy mô thâm hụt lên trên 120 ngàn tỷ đồng, bằng gần 90% quy mô thâm hụt cho phép cả năm. Tính đến ngày 15.10.2012, thâm hụt NSNN thậm chí đã lên đến 155,2 ngàn tỷ đồng, vượt xa mức thâm hụt 140,2 ngàn tỷ đồng theo dự toán. Đến hết năm 2012 do tình hình thu NSNN được cải thiện nên tỷ lệ thâm hụt NSNN đúng bằng mức dự toán là 140,200 tỷ đồng. Tình hình tương tự có thể xảy ra trong năm 2013 với mức thâm hụt dự kiến là 162 ngàn tỷ đồng. 
 
Ngay cả nếu quy mô thâm hụt NSNN năm 2012 đúng như dự toán thì với nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước 115.500 tỷ đồng và vay nước ngoài 24.700 tỷ đồng thì đến 31.12.2012 dư nợ Chính phủ bằng 46,1% GDP, dư nợ quốc gia bằng 44,2% GDP và dư nợ công bằng 58,4% GDP. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính thì tính đến cuối năm 2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP và ước tính đến cuối 2012, số dư nợ công chỉ bằng 55,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP - thấp hơn khoảng 3% GDP so với dự toán. Bộ Tài chính cũng cho biết phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng và kế hoạch năm 2012 là 120.000 tỷ đồng nhưng 10 tháng đầu năm đã huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 115.883 tỷ đồng, bằng 96,56% kế hoạch, bằng 180,8% so với cùng kỳ 2011, còn theo Thống đốc NHNN thì các tổ chức tín dụng đã đổ hơn 183.000 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ.
 
Đặc điểm nổi bật của chính sách tài khóa năm 2013 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu NSNN do tác động của kinh tế trì trệ. Đến lượt mình, thu NSNN khó khăn có thể làm gia tăng quy mô thâm hụt NSNN, tăng nợ công, tạo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời hạn chế khả năng tăng chi NSNN để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chính sách quản lý giá và phí tác động tới lạm phát nhưng không hỗ trợ nhiều cho tăng thu NSNN do sức tiêu thụ bị hạn chế.
 
 
 
 
TS. Vũ Đình Ánh
Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo