Quan hệ Việt - Mỹ đủ chín muồi để tạo thế kiềng 3 chân
“Việt Nam chào đón vai trò lớn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực và chúng tôi tin rằng việc can dự sâu rộng của Hoa Kỳ vào khu vực châu Á - Thái Bình là có lợi cho tất cả”.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại Hội thảo quốc tế "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa" diễn ra sáng nay (26.1) tại Hà Nội.
Bài học 70 năm
Phát tại khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhắc tới việc năm 1946 trong những bức thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ.
“Nhưng không may mắn, lịch sử đã không đi theo hương đó và phải mất 70 năm để ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiện thực hóa thành quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày nay”, ông Hà Kim Ngọc nói.
“Lịch sử đã dạy chúng ta bài học rằng tận dụng được cơ hội xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ dựa trên lợi ích song phương là những nguyên tắc quan trọng nhất để gạt bỏ những khác biệt giữa hai nước và phát triển quan hệ”, Thứ trưởng Ngọc phát biểu.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào 1995, hai quốc gia đã thành công trong việc chuyển hóa quan hệ từ thù địch thành bạn bè và sau đó là “Đối tác toàn diện”. Các Tuyên bố chung 2005, 2007, 2008 và 2013 đã khẳng định những quan điểm chung về mối quan hệ mang tính xây dựng nhiều mặt dựa trên sự tôn trọng bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.
Năm 2015 cũng đánh dấu kỷ niệm 2 năm ngày Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama ký quan hệ “Đối tác toàn diện” (7.2013), cơ chế hợp tác hướng tới việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Quan hệ này nhấn mạnh các nguyên tắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế và tôn trọng hệ thống chính trị của nhau đã tạo ra cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong đó có cả chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế, quốc phòng, an ninh, di sản chiến tranh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền...
Việt Nam và Hoa Kỳ là những phần không thể tách rời
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, việc hình thành khuôn khổ hợp tác “Đối tác toàn diện” có thể coi là một thành công quan trọng nhất mà hai bên đạt được kể từ 1995. "Ngoài ra cam kết của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm nay cho thấy khao khát mãnh liệt của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ sâu sắc và ổn định hơn", ông Ngọc nhấn mạnh.
Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, theo Thứ trưởng Ngọc, đã đủ chín muồi để có thể được phát triển ra ngoài khuôn khổ song phương và còn có ý nghĩa với khu vực và toàn cầu tạo ra một thế kiềng 3 chân.
Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh Việt Nam và Hoa Kỳ tạo thành những phần không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tiềm năng to lớn trở thành một trung tâm kinh tế chính trị của thế giới trong thế kỷ này. “Việt Nam chào đón vai trò lớn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực và chúng tôi tin rằng việc can dự sâu rộng của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình là có lợi cho tất cả”, Thứ trưởng Ngọc nói.
Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: “Chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền”.
Theo Đại sứ Osius mỗi trụ cột của trong quan hệ Đối tác toàn diện do Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang ký kết 2015 đều phản ánh cam kết rộng lớn này. “Công việc của chúng ta vì thế là duy trì và nuôi dưỡng cam kết này”, Đại sứ Osius nói.
Theo Đại sứ Osius, Tổng thống Obama đã gọi các mối quan hệ nhân dân là chất keo dính làm vững mạnh hơn quan hệ giữa các quốc gia. “Tôi cho rằng không có gì là cường điệu khi chúng ta nói về tầm quan trọng của việc xây dựng những cầu nối như thế giữa hai đất nước”, Đại sứ Osius nhấn mạnh.
Đại sứ cho biết tuần trước ông vừa tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam (FETP) và khẳng định “không có biểu tượng nào tốt đẹp hơn FETP và Trường ĐH Fulbright Việt Nam để nói về quãng đường dài đã qua và quãng đường hai nước có thể đi tới".
“Những mối quan hệ cá nhân kiểu đó cộng với các mối quan hệ giữa các định chế giữ vị trí trung tâm trong việc xây dựng tương lai chung của chúng ta... Tôi tin rằng 20 năm đầu tiên chỉ là phần mở đầu cho một câu chuyện dài hơn, phong phú hơn”, Đại sứ Osius cho biết.
Đây là sự kiện do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) và Đại học Portland (Hoa Kỳ) đồng tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2015).
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng, Lê Công Phụng, Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Quốc Cường… Về phía Hoa Kỳ ngoài Đại sứ Ted Osius còn có sự góp mặt của các cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam như ông David Shear (hiện là Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương), Pete Peterson - Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại VN sau khi hai nước bình thường hóa…
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo