Tin tức - Sự kiện

Quản lý FDI: Không “co”, nhưng sẽ “siết”

Vẫn trao quyền cấp chứng nhận đầu tư cho các địa phương, nhưng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan tỏa vùng… sẽ được các cơ quan Trung ương thẩm định chặt chẽ.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi được hỏi về những điều chỉnh trong cơ chế phân cấp quản lý FDI trong thời gian tới. “Vẫn trao quyền để các địa phương chủ động trong thu hút FDI, nhưng những dự án có ảnh hưởng liên tỉnh, liên vùng, đặc biệt những dự án có tầm ảnh hưởng quốc gia, thì chắc chắn các cơ quan Trung ương phải có chế tài thẩm định chặt chẽ hơn hiện nay”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho biết, hiện nay, việc thẩm định dự án cũng đã được thực hiện, nhưng chế tài chưa đủ mạnh và cũng chưa đủ để kiểm soát chặt chẽ những dự án này.
 
Các tiêu chí cụ thể về dự án phải có thẩm định của các cơ quan Trung ương cũng đã được đề xuất. Trước tiên, là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, là dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên, dự án có tầm ảnh hưởng lan tỏa vùng, dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam được hưởng ưu đãi theo cơ chế đặc thù. Những dự án sử dụng trên 5 ha đối với đất đô thị (trừ dự án trong khu công nghiệp) và 50 ha trở lên với các loại đất khác cũng thuộc diện phải thẩm định.
 
Hàng loạt yêu cầu thẩm định dự án cũng đã được đề xuất. Chẳng hạn, dự án quy mô lớn, có tác động xã hội, ngoài nội dung thẩm tra theo quy định chung của pháp luật, phải đánh giá dự án có đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính hay không. Tất cả các dự án có nội dung công nghệ cũng phải được xem xét, thẩm tra. Hay đối với các dự án FDI khai thác khoáng sản, thì việc chọn nhà đầu tư phải gắn khai thác với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng bằng công nghệ, thiết bị hiện đại và xử lý môi trường để sử dụng nguồn tài nguyên có hiệu quả…
 
“Cần phải thẩm định rõ ràng, nếu không, sẽ tiếp diễn tình trạng thu hút đầu tư tràn lan, phá vỡ quy hoạch, cạnh tranh lẫn nhau như thời gian qua. Các cơ quan Trung ương sẽ phải chịu trách nhiệm điều tiết xem nên đầu tư vào lĩnh vực nào và đầu tư đến bao nhiêu là đủ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
 
Cơ chế phân cấp quản lý FDI bắt đầu được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1996. Ban đầu, UBND TP. Hà Nội và TP.HCM chỉ được cấp phép dự án có vốn đăng ký đến 10 triệu USD, các địa phương khác là 5 triệu USD, còn ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất là 30 triệu USD. Sau đó, là phân cấp triệt để, với quyền cấp phép được trao tất cả cho các địa phương.
 
Không thể phủ nhận, chủ trương phân cấp quản lý FDI đã có tác động tích cực đến chính quyền địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu phiền hà và tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, góp phần vào kết quả  thu hút được trên 214 tỷ USD vốn FDI của cả nước, tính đến ngày 20/3/2013.
 
Nhưng bất cập đã bắt đầu nảy sinh. Bên cạnh chuyện thu hút đầu tư phá vỡ quy hoạch, còn một câu chuyện khác. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đó là vì phân cấp, mà nhiều địa phương đã tỏ ra lỏng lẻo trong việc cấp phép các dự án FDI, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.
 
Hơn 20 dự án có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư kể từ năm 2007 đến nay. Nhưng đáng tiếc là, nhiều dự án trong số này đã không có khả năng triển khai, bị rút giấy phép và giải thể trước hạn, như Dự án Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), vốn 9,8 tỷ USD; Bãi biển Rồng (Quảng Nam): 4,5 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên): 11,4 tỷ USD…
 
Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh cơ chế phân cấp cho phù hợp. Và cũng đã có rất nhiều quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này. Người nói phải “co” lại, kẻ bảo không thể.
 
GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, chính là người đưa ra đề xuất về việc các dự án từ 50 triệu USD trở lên nên được “trả về” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng chính ông Mại cũng thừa nhận rằng, điều này là rất khó, bởi về tâm lý, lãnh đạo địa phương chỉ muốn mở rộng phân cấp, chứ không muốn trả lại.
 
“Phương án không ‘co’ lại, mà chỉ ‘siết’ phân cấp là đúng, nhưng không nên cào bằng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại bình luận và cho rằng, nên tùy trình độ phát triển của địa phương, năng lực cán bộ, khối lượng và tính phức tạp của quản lý nhà nước… để quyết định phân cấp.
 
“Chúng ta nên trao toàn quyền cho Hà Nội và TP.HCM. Những địa phương tương đối phát triển như Đà Nẵng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Cần Thơ… thì nên phân cấp cao hơn so với các địa phương còn lại”, ông Mại đề xuất.
 
Thực tế, thời gian qua, cả Hà Nội và TP.HCM đều đã có những kiến nghị về việc được tăng thẩm quyền quản lý dự án FDI. Tuy nhiên, những kiến nghị này cũng mới chỉ dừng ở việc đề xuất “được toàn quyền cấp mới hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư, nếu sau thời gian quy định mà cơ quan được gửi văn bản lấy ý kiến thẩm tra không trả lời”.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo