Quốc tế

"Cân đo" sức mạnh tàu tên lửa Hayabusa Nhật Bản và Molniya 1241.8 Việt Nam

DNVN - Mặc dù là một lực lượng có quy mô rất lớn, sở hữu năng lực viễn dương đáng nể nhưng Hải quân Nhật Bản vẫn đóng cả tàu tên lửa cỡ nhỏ.

Iran lên tiếng về nghi vấn Mỹ bắn rơi 2 máy bay không người lái của Tehran / Israel đã "làm cỏ" hải quân Arab trong cuộc chiến Yom Kippur như thế nào?

Hải quân Nhật Bản hiện có trong biên chế tất cả 6 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hayabusa, chúng chủ yếu đảm nhiệm vai trò tuần tra bảo vệ vùng lãnh hải cũng như các đảo nhỏ ven bờ.

Lớp chiến hạm trên của Nhật Bản được đánh giá khá cao nhờ thiết kế hiện đại, thẩm mỹ tốt và dàn vũ khí sánh ngang nhiều tàu chiến cỡ lớn hơn. Vậy nếu so sánh với Molniya 1241.8 của Việt Nam thì ai chiếm nhiều ưu thế?

Tàu tên lửa tấn công nhanh Otaka số hiệu 826 lớp Hayabusa của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Otaka số hiệu 826 lớp Hayabusa của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Đầu tiên là về kích thước, Hayabusa có lượng giãn nước đầy tải 240 tấn; chiều dài 50,1 m; chiều rộng 8,4 m; mớn nước 1,7 m. Thông số trên của Molniya 1241.8 là (51,6 x 10,5 x 2,5) m; lượng giãn nước đầy tải 560 tấn. Như vậy là Molniya vượt trội trên thông số này.

Về hệ thống động lực, tàu chiến của Nhật Bản sử dụng 3 động cơ turbine khí General Electric LM500-G07 cùng 3 động cơ phản lực nước cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 46 hải lý/h.

Trong khi đó Molniya 1241.8 được trang bị 2 COGAG (kết hợp turbine khí - turbine khí) công suất 11.000 mã lực, cùng 2 động cơ đường trường 4.000 mã lực (có hai mẫu là diesel và turbine cho động cơ đường trường), 2 trục chân vịt, tốc độ tối đa 38 hải lý/h.

Xét trên khía cạnh này thì Hayabusa áp đảo Molniya không chỉ bởi vận tốc mà còn về hệ thống đẩy phản lực nước tiên tiến, cho phép hoạt động ở vùng nước nông cực tốt.

 

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Việt Nam. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Việt Nam. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.

Về hệ thống điện tử, Molniya 1241.8 của Việt Nam được trang bị đầy đủ radar cảnh giới đường không Pozitiv-ME, radar trinh sát bề mặt Garpun-Bal, radar kiểm soát hỏa lực pháo MR-123 Vympel rất đồng bộ.

Trong khi đó chiếc Hayabusa chỉ có radar quét bề mặt OPS-18-3, radar điều khiển hỏa lực pháo FCS-2-31C cùng với hệ thống quang điện tử OAX-2 đơn sơ hơn rất nhiều, khiến nó gần như chỉ là một bệ phóng di động, phải nhờ tổ hợp liên kết thông tin chiến thuật OYQ-8B để triển khai vũ khí nhờ chỉ điểm của một phương tiện khác.

 

Vũ khí của Molniya bao gồm 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130 km, mang theo đầu đạn trọng lượng 145 kg; 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M; 1 pháo hạm AK-176M và có thể đi kèm 8 tên lửa vác vai SA-16.

Do kích thước nhỏ mà tàu Hayabusa chỉ tích hợp 4 tên lửa chống hạm SSM-1B có tầm bắn 150 km với đầu đạn nặng 225 kg, tốc độ lớn nhất 1.150 km/h, mạnh hơn Uran-E khá nhiều.

Pháo hạm của Hayabusa là khẩu Oto Breda cỡ 76,2 mm tương tự Molniya nhưng có tháp pháo tàng hình và độ tự động hóa rất cao. Tàu chiến Nhật Bản không có pháo phòng không mà chỉ gồm 2 súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Tổng hợp lại tất cả các chỉ số thì rõ ràng Molniya 1241.8 của Việt Nam mạnh hơn tàu tên lửa cỡ nhỏ tốt nhất của Nhật Bản, điều này cũng dễ hiểu vì Molniya lớn hơn gấp đôi. Đáng tiếc rằng Nhật Bản chưa đóng tàu chiến cỡ 500 tấn để có thể đưa ra một bài so sánh "đồng cân đồng lạng" hơn.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm