Quốc tế

Israel đã "làm cỏ" hải quân Arab trong cuộc chiến Yom Kippur như thế nào?

DNVN - Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur diễn ra vào năm 1973 giữa Israel và liên quân Arab, ngoài các trận giao tranh trên không và trên đất liền thì mặt trận trên biển cũng không kém phần ác liệt.

Dân châu Âu "sốc" khi vị trí kho vũ khí hạt nhân Mỹ bị lộ / Điều ít biết về K-429, tàu ngầm xấu số nhất của Hải quân Liên Xô

Chiến trường Trung Đông nóng bỏng là nơi xuất hiện nhiều chiến thuật cũng như vũ khí đã làm thay đổi phương thức tác chiến hiện đại sau này.Ngoài các chiến dịch diễn ra trên đất liền và trên không thì những cuộc đụng độ trên biển giữa Hải quân Israel và Hải quân các quốc gia Arab cũng cực kỳ thú vị.

Năm 1967 trong cuộc "Chiến tranh tiêu hao" giữa Israel và Ai Cập quanh bán đảo Sinai, tên lửa hành trình chống hạm P-15 Termit trang bị cho xuồng cao tốc Komar (do Liên Xô sản xuất) lần đầu xung trận, bắn chìm khu trục hạm Eliat của Israel.

Phương thức tác chiến thông qua tên lửa hành trình chống hạm đã làm thay đổi hải quân thế giới, trước đó chỉ là những cuộc đấu pháo thì nay chuyển sang đấu tên lửa.

Chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và liên minh Arab đã thay đổi rất nhiều hình thức tác chiến hiện đại. Ảnh: National Interest.

Chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và liên minh Arab đã thay đổi rất nhiều hình thức tác chiến hiện đại. Ảnh: National Interest.

Các xuồng tên lửa Komar và Osa của Hải quân Ai Cập sau trận đánh nổi tiếng trên còn hạ gục một số tàu vận tải và tàu do thám của Israel, khiến cho Tel Aviv phải cấp tốc tìm biện pháp đối phó.

Hải quân Israel bên cạnh gấp rút chế tạo tên lửa hành trình chống hạm Gabriel Mk 1 trang bị cho tàu tấn công nhanh lớp Sa'ar 1/2 thì họ cũng nhanh chóng tìm ra cách đánh bại tên lửa P-15 Termit.

Phía Israel nhận thấy rằng đầu dò tên lửa P-15 Termit có khả năng chống nhiễu rất kém, đặc biệt radar hỏa lực của tàu phóng gần như không thể phân biệt mục tiêu thật giả nếu được ngụy trang tinh vi.

Dựa vào kết luận này, Hải quân Israel đã sáng tạo ra chiến thuật hải chiến ngoài tầm nhìn có một không hai, giúp họ chiến thắng tuyệt đối Hải quân Arab trong cuộc chiến Yom Kippur diễn ra vào năm 1973.

 

Cuộc chạm trán đầu tiên của cuộc chiến tranh Yom Kippur xảy ra trong đêm mùng 6, rạng sáng ngày 7/10/1973 gần Latakia trên bờ biển Syria.

Hải quân Israel sử dụng máy bay trực thăng bay chậm tại độ cao rất thấp để mô phỏng mục tiêu tàu hải quân nhằm đánh lừa radar điều khiển hỏa lực của tàu Komar và Osa trong biên chế Hải quân Syria.

Những quả tên lửa P-15 Termit được phóng đi từ tàu chiến của Syria dĩ nhiên chẳng thể bắn trúng máy bay trực thăng của Israel trong khi lại để lộ vị trí cho đối phương tập kích.

Sau loạt tên lửa P-15 của Syria, các tàu Sa'ar của Israel phản công bằng tên lửa Gabriel Mk 1, họ đánh chìm 1 tàu T-34 lớp Jarmuk và 3 tàu phóng lôi của Hải quân Syria.

Tên lửa chống hạm Gabriel Mk 1 của Hải quân Israel. Ảnh: War History Online.

Tên lửa chống hạm Gabriel Mk 1 của Hải quân Israel. Ảnh: War History Online.

 

Những tàu chiến Syria đã phải rút lui sau đó mà không kịp nhận ra các tên lửa của mình đã bị đánh lừa bởi mục tiêu giả là trực thăng của Israel (trong ảnh là tên lửa chống hạm Gabriel Mk 1 của Israel).

Cùng đêm đó, một thủ đoạn tương tự được lặp lại trong cuộc đụng độ giữa Hải quân Israel với Hải quân Ai cập ở phía Bắc bán đảo Sinai, phần thắng dĩ nhiên vẫn thuộc về Israel mà không có thiệt hại nào.

Tiếp theo vào đêm 12/10/1973, thủ đoạn máy bay trực thăng lần nữa được sử dụng một cách thành công trong cuộc chạm trán gần Tartus ngoài bờ biển Syria.

Không có tàu Israel nào bị đánh trúng bởi loạt tên lửa P -15 được bắn đi từ các tàu tấn công nhanh của Syria. Bên phía Syria, 2 tàu Komar bị chìm bởi tên lửa Gabriel.

 

Chiến thuật nghi binh bằng trực thăng kết hợp với biện pháp gây nhiễu điện tử tinh vi của Hải quân Israel đã giúp cho họ giành chiến thắng tuyệt đối trước Hải quân Arab hùng hậu hơn rất nhiều.

Thiệt hại của Hải quân Israel trong cuộc chiến Yom Kippur là rất nhỏ so với mặt trên trên không và trên bộ, đây là một trong những yếu tố khiến Tel Aviv buộc nhiều quốc gia Arab phải ký hiệp ước thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái sau này.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm