Quốc tế

“Cơn khát” đầu tư nước ngoài có thể dẫn lối ông Kim Jong-un tới Trung Quốc

Ông Kim Jong-un có lẽ muốn Bình Nhưỡng gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế và đây được cho là lý do phía sau chuyến thăm Bắc Kinh trong tuần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sân bay Syria bị tấn công tên lửa trong đêm / Tổng thống Philippines tuyên bố “cự tuyệt” vũ khí Mỹ

“Cơn khát” đầu tư nước ngoài có thể dẫn lối ông Kim Jong-un tới Trung Quốc - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Trung Quốc hôm 9/1. (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tuần này đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng tập trung vào các vấn đề quan trọng như quan hệ kinh tế, đàm phán hạt nhân và hội nghị thượng đỉnh lần hai có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un.

Tuy nhiên có một chủ đề dường như chưa được thảo luận chính thức mặc dù có tầm quan trọng với tương lai của Triều Tiên, đó là triển vọng Bình Nhưỡng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường xuyên lục địa của Trung Quốc - dự án kết nối hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông cả đường bộ và đường biển.

Triều Tiên, quốc gia phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ lên nền kinh tế suốt nhiều năm, đang rất cần các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt về cơ sở hạ tầng. Nhiều người tin rằng đây là lý do chính giải thích cho sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào cộng đồng quốc tế trong một năm qua.

Mục tiêu kinh tế

Giới quan sát chính sách nhận định do Triều Tiên đã đạt được bước tiến đáng kể về công nghệ hạt nhân nên Bình Nhưỡng hiện tại có thể tập trung vào mục tiêu chính sách lớn khác, đó là phát triển kinh tế.

 

Để đạt được mục tiêu này, Triều Tiên cần sự giúp đỡ từ những nước láng giềng giàu có. Báo NK News (Hàn Quốc) hồi tháng trước dẫn thông tin từ một trang web do Bộ Ngoại thương Triều Tiên vận hành cho biết Bình Nhưỡng đang tìm kiếm khoản đầu tư trị giá 7,7 triệu USD từ nước ngoài.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình là câu trả lời hoàn hảo để đáp ứng những nhu cầu của Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Theo Dane Chamorro, đối tác cấp cao tại bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của hãng tư vấn chính trị Kiểm soát Rủi ro, Bình Nhưỡng "muốn trở thành một phần của Vành đai và Con đường". Chamorro nhận định chính quyền Kim Jong-un đang chờ đợi một lời đề nghị từ Trung Quốc để Triều Tiên có thể nhận được sự hỗ trợ trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt cũng như các cảng biển và cơ sở hạ tầng khác.

Về phần mình, Bắc Kinh dường như cũng quan tâm tới việc mở đường cho Triều Tiên tham gia. Chính quyền Trung Quốc từng mời một phái đoàn Triều Tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi năm 2017.

Rắc rối đi kèm

 

“Cơn khát” đầu tư nước ngoài có thể dẫn lối ông Kim Jong-un tới Trung Quốc - Ảnh 3.

Ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình cùng các quan chức cấp cao Trung - Triều nhóm họp tại Bắc Kinh ngày 9/1. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên phụ trách vấn đề bán đảo Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, việc đưa Triều Tiên vào Sáng kiến Vành đai và Con đường "có lẽ gây ra nhiều rắc rối hơn lợi ích" ở thời điểm hiện tại. Một trong những lý do là vì các lệnh trừng phạt Triều Tiên vẫn còn hiệu lực, mặc dù Bắc Kinh đã kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt này.

"Việc này sẽ gây chú ý tại Washington, đồng thời góp phần tạo ra nhận thức rằng Vành đai và Con đường mang tiêu chuẩn thấp và chủ yếu phục vụ cho việc siết chặt phụ thuộc của các nước khác vào Trung Quốc", ông Oba nói.

Chính quyền Trump vẫn luôn hoài nghi về các hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mỹ cũng đã khởi động nhiều sáng kiến để đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.

Nỗ lực của Trung - Triều

 

Hiện tại, cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang tiến hành các bước một cách chậm rãi.

"Hai nhà lãnh đạo dường như đang chờ đợi thời điểm khi họ có thể tham gia vào một cuộc thảo luận sâu hơn. Cả hai bên có lẽ muốn chờ xem mọi việc sẽ tiến triển như thế nào trong năm tới, không chỉ về an ninh mà còn về sự phát triển kinh tế khu vực", Anthony Rinna, nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu SinoNK, cho biết.

Theo chuyên gia Chamorro, nếu quá trình phi hạt nhân hóa tiếp tục tiến triển, sự hợp tác về cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc vào Triều Tiên sẽ tăng lên.

"Trung Quốc muốn Triều Tiên lĩnh hội những bài học từ lịch sử của Trung Quốc và đi theo mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, nếu ông Kim Jong-un bắt đầu đi theo con đường này, chúng ta sẽ thấy sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc cho Triều Tiên sẽ tăng lên theo thời gian", cựu quan chức Mỹ Oba phân tích.

Hàn Quốc, một thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể đóng vai trò chính trong việc lôi kéo Triều Tiên tham gia vào sáng kiến này. "Chính sách Phương Bắc Mới" của Seoul đặt tầm nhìn vào sự hợp tác giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và các nước Âu - Á.

 

"Nếu Hàn Quốc thành công trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Triều Tiên, sự tham gia của Triều Tiên vào Sáng kiến Vành đai và Con đường có lẽ sẽ phụ thuộc một phần vào việc chính quyền Hàn Quốc muốn kết nối Chính sách Phương Bắc mới với Sáng kiến Vành đai và Con đường như thế nào", nhà phân tích Rinna nhận định.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm