Quốc tế

“Dấu chân” của Mỹ trong kế hoạch đảo chính bất thành tại Venezuela

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính do phe đối lập Venezuela thực hiện gần đây, bao gồm cả lý do khiến kế hoạch này gặp thất bại.

Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un “vô điều kiện” / Binh sĩ Mỹ được chỉ đạo vỗ tay "như ở câu lạc bộ thoát y" để đón Phó Tổng thống

“Dấu chân” của Mỹ trong kế hoạch đảo chính bất thành tại Venezuela - 1

Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kêu gọi người biểu tình tại Caracas ngày 1/5. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phân tích đăng trên báo New York Times ngày 1/5, hai cây bút Mark Landler và Julian E. Barnes đưa ra nhận định: “Chưa có ai nói rằng thay đổi chính quyền là một việc dễ dàng”. Và có thể thấy điều này trong cuộc bạo loạn xảy ra tại Venezuela hai ngày vừa qua.

Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump thức giấc vào sáng ngày 30/4 với niềm tin rằng, một cuộc nổi loạn trong hàng ngũ quân đội Venezuela sẽ kích động làn sóng bạo động lan rộng, từ đó lật đổ một vị tổng thống mà Mỹ vốn không ưa và nhiều lần kêu gọi từ chức.

Tuy nhiên, tới cuối ngày hôm đó, Tổng thống Nicolas Maduro vẫn tại nhiệm. Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Trump bắt đầu đổ lỗi cho Cuba, Nga và 3 quan chức có ảnh hưởng tại Venezuela, những người không đồng ý “đổi phe”, vì đã làm thất bại kế hoạch của họ.

Quyết định của phần lớn người dân Venezuela khi đứng về phía Tổng thống Maduro trong cuộc đảo chính do thủ lĩnh phe đối lập kêu gọi đã đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng tình báo Mỹ đã đánh giá sai khả năng của phe đối lập trong việc lôi kéo các thành viên của chính quyền Venezuela rời bỏ Tổng thống Maduro.

Quyết định trên cũng đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng các trợ lý của Tổng thống Trump đã gặp thất bại trong việc nắm bắt các diễn biến thực tế tại Venezuela, hay liệu Tổng thống Trump, người mà các quan chức Mỹ nói rằng đôi khi còn sốt ruột hơn các trợ lý của ông trong việc đạt được mục tiêu lật đổ Tổng thống Maduro, có mất niềm tin vào những nỗ lực thay đổi chính quyền tại Venezuela hay không?

 

“Dấu chân” của Mỹ trong kế hoạch đảo chính bất thành tại Venezuela - 2

Người ủng hộ phe đối lập tấn công xe quân sự tại Caracas ngày 1/5. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vị thế của Tổng thống Maduro đang suy yếu dần không chỉ tại quê nhà mà còn trên trường quốc tế, song ông vẫn kiên quyết không “nhường chỗ” cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người được Mỹ công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Theo New York Times, các trợ lý của Tổng thống Trump đặt niềm tin vào lời kêu gọi của tổng thống tự phong Juan Guaido để tập hợp người nổi dậy, cũng như sự đào tẩu của các quan chức Venezuela hôm 30/4, coi đây là bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch kéo dài suốt 3 tháng để lật đổ Tổng thống Maduro.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều đăng đàn trên mạng xã hội Twitter để thể hiện sự ủng hộ dành cho “Chiến dịch Tự do” tại Venezuela, một chiến dịch do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido khởi động nhằm buộc Tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gọi đây là “thời điểm mang tính quyết định”.

Tổng thống Trump ban đầu không nhắc tới “Chiến dịch Tự do” tại Venezuela. Tuy nhiên vào cuối ngày 30/4, ông chủ Nhà Trắng đã công kích Cuba vì ủng hộ Tổng thống Maduro, đồng thời đe dọa áp lệnh trừng phạt và cấm vận mới quốc đảo Caribe.

 

Cả các cựu quan chức và những người đang nhiệm đều nói rằng Tổng thống Trump rất quan tâm tới việc hạ bệ tổng thống Venezuela, thậm chí ông còn đề xuất trong các cuộc họp kín về khả năng can thiệp quân sự của Mỹ để nhanh chóng đạt được mục tiêu như ông mong muốn.

Tuy vậy, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump không đi theo xu hướng can thiệp quân sự vội vã như những người tiền nhiệm. Thậm chí, ông cũng không công khai đề cập nhiều về vấn đề Venezuela như các trợ lý. Cố vấn An ninh Bolton đã viết hàng trăm bình luận trên Twitter về cuộc khủng hoảng tại Venezuela, đăng video cho người dân Venezuela và gần như ngày nào cũng xuất hiện trên các bản tin để thảo luận về chủ đề này.

Ngoại trưởng Pompeo đã bổ nhiệm ông Elliott Abrams làm đặc phái viên Mỹ về Venezuela mặc dù ông này từng bị Nhà Trắng phủ quyết cho những vị trí công việc khác vì chỉ trích Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông Abrams nổi tiếng với lập trường tân bảo thủ và có kinh nghiệm trong các cuộc xung đột tại Nicaragua và Iraq.

“Dấu chân” của Mỹ trong kế hoạch đảo chính bất thành tại Venezuela - 3

Từ trái qua phải: Cố vấn an ninh John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Mặc dù thường dùng những lời lẽ cứng rắn để chỉ trích những nước mà Mỹ vốn không ưa như Iran, Venezuela hay Triều Tiên, song Tổng thống Trump vẫn chần chừ trong việc tìm cách nhanh chóng lật đổ lãnh đạo của các nước này để thay thế bằng những nhân vật mà Mỹ ủng hộ. Ông Trump tin rằng việc lật đổ một nhà lãnh đạo thường rất tốn kém và có thể dẫn tới sự sa lầy vô nghĩa về quân sự.

 

Ngược lại, cố vấn an ninh Bolton và ngoại trưởng Pompeo thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết của việc Tổng thống Maduro phải rời đi, đồng thời nuôi hy vọng thủ lĩnh đối lập Guaido đủ khả năng hạ bệ ông.

Liên quan tới âm mưu đảo chính thất bại tại Venezuela, các quan chức trong chính quyền Trump đều tìm cách đổ lỗi cho những “thủ phạm” khác nhau. Ngoại trưởng Pompeo “gọi tên” Nga, cho rằng Moscow đã đề nghị Tổng thống Maduro ở lại Venezuela, thay vì lên máy bay đã được chuẩn bị sẵn để bỏ trốn sang Cuba vào buổi sáng xảy ra đảo chính.

Cố vấn Bolton quy trách nhiệm cho 3 quan chức cấp cao của Venezuela, những người mà ông cho là muốn đào tẩu, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López, Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno và Chỉ huy đội cận vệ tổng thống Ivan Rafael Hernandez Dala. Ông Bolton cảnh báo họ sẽ bỏ lỡ cơ hội được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt nếu không thực hiện lời hứa quay lưng với chính quyền Maduro để tham gia lực lượng của thủ lĩnh đối lập Guaido.

“Dấu chân” của Mỹ trong kế hoạch đảo chính bất thành tại Venezuela - 4

Tổng thống Maduro phát biểu trước người ủng hộ tại Caracas ngày 1/5. (Ảnh: Reuters)

Việc ông Bolton công khai tên của 3 quan chức cấp cao trên có thể nhằm hai mục đích, thứ nhất là hối thúc họ hành động nếu thực sự có kế hoạch ủng hộ phe đối lập, còn trong trường hợp họ đổi ý, việc công khai tên sẽ làm giảm lòng tin của Tổng thống Maduro vào 3 nhân vật này.

 

Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, họ nhận ra rằng có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng để Tổng thống Maduro rời đi. Mỹ vẫn chưa đặt ra hạn chót và cũng chưa xúc tiến cảnh báo của chính quyền Trump về phương án can thiệp quân sự vào Venezuela. Tuy vậy, những tuyên bố giận dữ từ các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump cho thấy Nhà Trắng đang ngày càng mất kiên nhẫn.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Bolton, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm qua đã tổ chức phiên họp để thảo luận về những bước đi tiếp theo nhằm “đẩy nhanh và bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo cũng gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để cảnh báo Moscow không can thiệp vào Venezuela.

Các phương án quân sự đối với Venezuela chưa được đưa ra bàn thảo chi tiết tại Nhà Trắng. Các quan chức Lầu Năm Góc hôm qua cũng chưa đề cập tới khả năng can thiệp quân sự. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng những diễn biến gần đây có thể khiến chính quyền Mỹ xem xét lại khả năng này.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm