Quốc tế

"Giải mã" loạt tín hiệu mới trong căng thẳng Mỹ-Iran: Thông điệp gì cho ông Biden?

Hãng tin AP đăng tải, Tổng thống Mỹ mới trúng cử Joe Biden đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trong vấn đề Iran.

Mỹ đưa "Chim báo bão" tới Trung Đông đối phó với Iran? / Vệ tinh Mỹ khóa chặt cuộc tập trận của Hải quân Iran

Những động thái khiêu khích từ phía Iran và chính sách không mang tính hàn gắn của chính quyền đương nhiệm Donald Trump đã đẩy ông Biden vào một tình thế bất ổn liên quan tới Iran.

Chỉ riêng tuần trước, đội ngũ của Tổng thống Trump đã cử các máy bay ném bom B-52 tới Vịnh Ba Tư nhằm đáp trả một kế hoạch tấn công được cho là của Iran. Washington cũng bất ngờ đảo ngược chỉ thị rút tàu sân bay USS Nimitz từ Trung Đông về Mỹ.

Hôm thứ Hai (4/1), Iran không chỉ thông báo khôi phục làm giàu uranium cấp độ cao mà còn bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc. Sự kết hợp diễn ra chỉ 2 tuần trước ngày tân Tổng thống Mỹ nhậm chức, đe dọa làm chệch hướng hoặc ít nhất sẽ trì hoãn những hy vọng của ông Biden là đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

"Giải mã" loạt tín hiệu mới trong căng thẳng Mỹ-Iran: Thông điệp gì cho ông Biden? - Ảnh 1.

Tàu chở nhiên liệu mang cờ Hàn Quốc bị các tàu của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran vây quanh (ảnh: Tasnim)

Tình huống hiện tại có dẫn tới leo thang căng thẳng?

Trong những tuần gần đây xuất hiện nhiều quan ngại về việc Tehran đẩy cao căng thẳng, đặc biệt vào dịp tròn một năm Mỹ không kích sát hại tướng cấp cao của Iran. Giới chức Mỹ đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao trước khả năng Iran trả đũa, bao gồm từ cả các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn từng bắn hỏa tiễn vào các cơ sở của Mỹ tại Iraq.

Mặc dù đều không có liên hệ với cái chết của Tướng Qasem Soleimani nhưng thông báo của Iran làm giàu uranium và quyết định bắt giữ tàu Hàn Quốc được đánh giá là khiến những căng thẳng vốn luôn khó đoán trước trong khu vực tiếp tục leo thang.

Liệu có nổ ra đối đầu quân sự?

Một trong những lo lắng lớn nhất là chỉ một hành động sai lầm – hoặc khiêu khích có chủ định – cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến tranh.

 

Hiện không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tấn công Iran, cho dù Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào dẫn tới thương vong cho người Mỹ, từ cả Cộng hòa Hồi giáo hoặc các đồng minh quân sự của nước này tại Iraq. Các lực lượng và chủng loại vũ khí của quân đội Mỹ tại Trung Đông rất đa dạng và có thể được triệu tập nhanh chóng nếu xung đột bùng phát. Tuy nhiên, bản thân ông Trump cũng đã bác bỏ ý tưởng dính dáng sâu hơn nữa vào các cuộc chiến trong khu vực.

Một kịch bản khiến giới chức quân sự Mỹ quan ngại là Iran tiến hành tấn công – từ bên trong Iraq hoặc một nơi nào đó tại Vùng Vịnh – khiến ông Trump phải trả đũa. Viễn cảnh này sẽ dẫn tới một cuộc chiến quy mô lớn hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân Mỹ để tàu sân bay hiện diện trong khu vực gần như liên tục kể từ tháng 5/2019 sau khi Nhà Trắng đánh giá Iran đang lập kế hoạch tấn công quân nhân Mỹ.

USS Nimitz được gọi về và sau đó lại quay trở lại

Các động thái trái ngược của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller xung quanh tàu USS Nimitz dường như đã làm giảm bớt hiệu quả của những nỗ lực từ Washington nhằm răn đe Iran.

Tàu sân bay Nimitz đang trên đường rời khỏi Trung Đông và bất ngờ nhận được chỉ thị quay trở lại. Quyết định rút Nimitz về Mỹ đã được thảo luận từ nhiều tuần trước do con tàu đã thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian dài và theo kế hoạch sẽ trở về nhà vào cuối năm 2020. Nimitz được ra lệnh ở lại khu vực thêm một vài tuần để hỗ trợ cho việc lính Mỹ rút khỏi Afghanistan, Iraq và Somalia. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng với Iran gia tăng vào giữa tháng 12, Bộ chỉ huy Trung ương muốn giữ cho Nimitz hoạt động gần đó. Thay vào đó, ngày 31/12, ông Miller thông báo đã ra lệnh cho con tàu quay trở về Mỹ. Ba ngày sau đó, ông lại thay đổi quyết định và cho biết Nimitz sẽ ở lại.

 

Sự vụ Nimitz đã khiến nhiều quan chức quốc phòng Mỹ ngạc nhiên. Điều đó hé lộ, quyết định có thể đã được thông qua tại Nhà Trắng chứ không phải sau các cuộc thảo luận trong giới quân đội.

Tại sao các máy bay ném bom B-52 xuất hiện tại Vùng Vịnh?

Sự hiện diện của các máy bay ném bom tầm xa đã trở nên thường xuyên hơn trong những tuần gần đây như một nỗ lực nhằm phô diễn sức mạnh quân sự. Các chuyến bay xuất phát và quay trở lại Mỹ cho thấy, các máy bay ném bom có thể triển khai nhanh chóng tới khu vực. Chúng cũng có thể được trang bị tên lửa thông thường hoặc tên lửa hạt nhân. Tướng Frank McKenzie của Bộ tư lệnh Mỹ tại Trung Đông nhấn mạnh, Mỹ "không tìm kiếm xung đột nhưng mọi người không nên đánh giá thấp năng lực phòng thủ hoặc hành động quyết liệt nhằm đáp trả tấn công từ phía quân đội Mỹ".

Ý nghĩa gì cho chính sách Iran của ông Biden?

Đội ngũ của ông Biden từ chối bình luận về các diễn biến mới; tuy nhiên, ông Biden và các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu đã đề cập tới cách tiếp cận với Iran theo nhiều hướng khác nhau. Một trong những ưu tiên hàng đầu là đưa Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, sau đó mở rộng thỏa thuận đó bao gồm các hành vi phi hạt nhân chưa được nhắc tới trong văn kiện ban đầu.

 

Tuy nhiên, Iran khăng khăng chỉ quay trở lại nếu Mỹ tái tham gia thỏa thuận đồng thời hủy bỏ các lệnh trừng phạt lên Tehran trong hai năm qua. Cùng lúc, các cố vấn của ông Biden cảnh báo sẽ không thể dỡ bỏ trừng phạt nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Các động thái mới nhất của Iran cũng như các quyết định điều động lực lượng của chính quyền Trump đang phức tạp hóa các hoạt động ngoại giao và làm tăng nguy cơ tính toán sai, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Iran và các láng giềng. Căng thẳng tăng cao cũng có thể tạo ra thêm thách thức cho những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm đẩy mạnh hơn nữa các áp lực quân sự hướng về Nga và Trung Quốc.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm