Quốc tế

"Lời chào kiểu Putin": Mọi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm Syria sẽ được S-400 nghênh tiếp

Mọi nỗ lực xâm nhập không phận Idlib của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra thì rất nhiều khả năng sẽ được chào đón bằng những loạt tên lửa S-400 - một kiểu "lời chào từ Putin".

Điều gì xảy ra nếu Syria tấn công căn cứ Incirlik chứa bom hạt nhân Mỹ? / 6 chiến đấu cơ Anh đồng loạt xuất kích chặn máy bay ném bom Nga

Cho đến nay vẫn chưa rõ ai là kẻ đứng đằng sau vụ không kích các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib (Syria) hôm 27/02 - người Nga hay người Syria? Khi đó, có ít nhất 33 binh lính thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Các chuyên gia quân sự độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra đó chính là Nga, nhưng Moscow phủ nhận sự liên quan của mình.

Nhưng dù ai đứng sau cuộc tấn công này đi chăng nữa, nó không bao giờ có thể xảy ra nếu thiếu sự trợ giúp của người Nga đối với chính quyền Assad và sự hiện diện của Nga, và đó là bằng chứng cho thấy sự tức tối của Ankara.

Điều này chứng tỏ rằng sự xích lại gần nhau về mặt chiếc lược của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga luôn là ảo tưởng, bởi vì những lợi ích địa chính trị của họ đối lập tương xứng với nhau.

Ngoài ra, Vladimir Putin vẫn chưa quên cái ngày tháng 11/2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc tiêm kích của Nga theo chỉ đạo của tổng thống Erdogan. Khi ấy, Putin đã cuồng nộ và gọi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ tài trợ khủng bố, buộc tội nước này mua dầu của IS và hậu thuẫn một loạt các băng nhóm khác.

Sau đó, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng, trước sự ngỡ ngàng của phần lớn các quan sát viên, ông Putin và ông Erdogan nhanh chóng chôn vùi thù hận chiến tranh và mở lại con đường hòa bình.

Sự xích lại mang tính chiến lược và mặt trận "băng giá"

Ngay trong tháng 6/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự đáng tiếc đối với sự việc và bắt đầu nỗ lực xích lại gần mang ý nghĩa chiến lược của Ankara với Moscow, mà sau cuộc đảo chính bất thành chống lại Erdogan vào tháng 7 cùng năm đó, chỉ càng nhanh hơn.

Tổng thống Putin dường như đã giúp ông Erdogan, khi cảnh báo về một cuộc đảo chính, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại cáo buộc các cường quốc phương Tây hậu thuẫn những kẻ phản loạn - trước tiên là Mỹ.

Vấp phải mặt trận băng giá từ các đồng minh trong khối NATO dựng lên sau cuộc đảo chính bất thành, ông Erdogan đưa mắt sang Nga. Moscow và Ankara đã ký kết một loạt những thỏa thuận kinh tế, chính trị và quân sự, và dường như mở ra một thời đại mới của mối quan hệ hợp tác song phương giữa những kẻ thù truyền kiếp của nhau.

Một cột mốc quan trọng chính là việc khởi động công tác xây dựng đường ống dẫn dầu "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" vào tháng 5/2017, sự kiện lại càng làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào những nguồn năng lượng từ Nga.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự thân thiết diễn ra vào tháng 7/2019, khi người Nga bán cho người Thổ các tổ hợp tên lửa phòng không công nghệ cao S-400, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Việc mua sắm các vũ khí của Nga được các chuyên gia gọi là "giọt nước tràn ly" đối với sự chịu đựng của Washington. Mỹ tuyên bố rằng S-400 không thích hợp với các hệ thống vũ khí của NATO và có thể trở thành mối đe dọa cho chiếc tiêm kích tàng hình công nghệ cao F-35. Vào tháng 7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa ra khỏi danh sách các nước tham gia vào chương trình F-35.

Hàng loạt quan chức cấp cao của Mỹ công khai kêu gọi áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Ankara, mặc dù về hình thức vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Dù thế nào đi chăng nữa, có vẻ như cuộc xung đột giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sắp sửa đạt tới đỉnh điểm. Một vài quan sát viên cho rằng tư cách hội viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO chỉ còn là lại mỗi cái tên và liên minh với Mỹ sắp sửa sụp đổ trong thời gian tới.

Lời chào kiểu Putin: Mọi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm Syria sẽ được S-400 nghênh tiếp! - Ảnh 1.

Các bộ phận đầu tiên của S-400 được chuyển giao cho Thổ nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

"Chuyện tình" ngắn ngủi

Vì mối quan hệ với Mỹ và phương Tây xấu đi, Ankara càng chú trọng vào Moscow để bổ sung sự thiếu hụt chiến lược - đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết nâng cấp đội máy bay tiêm kích. Ông Erdogan và ông Putin đã hội kiến vài lần - gồm cả việc bàn tới khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua Su-57 của Nga - và từ hồi tháng 8/2019 đã từng gọi nhau là "bạn thân của tôi".

Tuy nhiên, cái gọi là sự thân thiết mang tính chiến lược của Nga và Thổ chỉ mang tính nhất thời, bởi vì những lợi ích nền tảng của hai nước đối lập với nhau, thậm chí không chỉ ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn quân nổi dậy và hàng loạt các phần tử Hồi giáo cực đoan, còn Nga hỗ trợ chính quyền Assad một cách không khoan nhượng, bởi vậy cuộc xung đột là không tránh khỏi.

Moscow và Ankara trong một thời gian dài đã tránh được nó một cách đáng kinh ngạc, nhưng từ khi trận chiến giành Idlib nổ ra, cuộc đối đầu quân sự là không thể ngăn được. Ông Erdogan thề hậu thuẫn các phần tử Hồi giáo cực đoan nổi dậy tại Idlib để buộc chính quyền Assad phải rời khỏi tỉnh này và biến nó trở thành nơi ẩn náu an toàn cho phe đối lập Syria.

Tổng thống Putin lại muốn đập tan các phần tử Hồi giáo cực đoan, và chính quyền Assad phải khôi phục được quyền kiểm soát đối với toàn bộ lãnh thổ Syria, bao gồm cả Idlib. Trong khi quân đội Syria và các đồng minh tiếp tục tiến công thì Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có khả năng ngăn cản họ.

 

Lời chào kiểu Putin: Mọi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm Syria sẽ được S-400 nghênh tiếp! - Ảnh 2.

Quan hệ Nga-Thổ sẽ còn phải thận trọng trong tương lai

Bầu trời quyết định tất cả

Để đạt được các mục tiêu chiến lược của Tổng thống Erdogan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bộc lộ những vấn đề rất lớn. Trong cuộc chiến hiện đại, không thể giành thắng lợi mà không có ưu thế trên không - hoặc ít ra, không có thứ để tước đi ưu thế này của kẻ địch.

Trong khi đó, không phận Idlib lại do các lực lượng của TTAssad và Nga kiểm soát hoàn toàn, bằng nhiều tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đã được triển khai trên khắp đất nước Syria. Cho nên, cụ thể hóa những ý tưởng của Erdogan là điều không hề đơn giản đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Mọi nỗ lực của các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào bầu trời Idlib, rất nhiều khả năng, sẽ được chào đón bằng những loạt tên lửa S-400 – một kiểu "lời chào từ Putin".

 

Theo luật pháp quốc tế, chính phủ Syria có quyền bắn hạ mọi máy bay quân sự xâm phạm không phận của đất nước trái phép. Nói một cách nghiêm túc, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc tiêm kích của Nga vào năm 2015, luật pháp quốc tế không còn đứng về phía họ nữa.

Vô vọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ và các quốc gia NATO khác giúp đỡ để kiểm soát tình hình. Cụ thể, Ankara đã yêu cầu người Mỹ triển khai tại biên giới giáp với Syria hệ thống tên lửa Patriot để ngăn các máy bay của Nga và Syria tự do di chuyển qua không phận Idlib.

Tuy nhiên, mọi lời yêu cầu đã không nhận được câu trả lời, và các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ một mình đơn độc chống lại quân đội Assad cùng với những đồng minh Iran và Nga đang bá chủ trên bầu trời Idlib.

Lời chào kiểu Putin: Mọi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm Syria sẽ được S-400 nghênh tiếp! - Ảnh 3.

Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 triển khai tại Syria. Ảnh: BQP Nga

Hai quý ông tự cao tự đại

 

Thiếu các phương tiện quân sự cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng đạt được những mục tiêu chiến lược của mình tại Syria. Đối với Tổng thống Putin, cuộc chiến tại Syria là vấn đề danh dự mà ông đã đổ vào đó không ít công sức, bởi vậy ông sẽ không từ bỏ, bất chấp điều gì, kể cả những lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều khả năng, Tổng thống Erdogan sẽ phải chấp nhận để chính quyền Assad từng bước khôi phục quyền kiểm soát của mình đối với phần lớn lãnh thổ Idlib. Ngay trong sáng ngày 28/02, Duma Quốc gia Nga đã cảnh báo rằng mọi chiến dịch quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib "sẽ khiến cho nước này chịu những hậu quả khôn lường".

Đây không chỉ là về chính sách an ninh, mà cả về danh dự của hai tổng thống không bao giờ chấp nhận mất mặt. Câu chuyện liên quan tới chiếc tiêm kích Nga bị bắn rơi vào năm 2015 là "cái tát" mạnh mẽ vào danh dự của Tổng thống Putin, và ông vẫn chưa quên nó.

Ông chỉ chờ đợi thời điểm thích hợp để hạ bệ danh dự đồng nghiệp phía Thổ Nhĩ Kỳ, và thời khắc đó đã điểm. Thổ Nhĩ Kỳ có ít phương pháp thực sự có thể đáp trả được Nga, đặc biệt căn cứ vào sự phụ thuộc ngày càng gia tăng đối với năng lượng của Nga.

Bởi vậy, cuộc chiến công khai giữa họ là điều rất khó có thể xảy ra. Sự thân thiết về mặt chiến lược của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ luôn là ảo tưởng, và Tổng thống Putin đã tận dụng một cách siêu hạng các lá bài của mình.

 

Ông Putin không chỉ đập tan liên minh vốn đã mong manh giữa đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan và phương Tây, mà còn gia tăng sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga trên phương diện quân sự và năng lượng. Ở Syria, Tổng thống Putin đã qua mặt ông Erdogan bằng mọi cách có thể và vì thế có lẽ ông là người mỉm cười cuối cùng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm