Quốc tế

“Sợi dây” dầu mỏ và quân sự gắn kết Nga - Venezuela

Nga đã bắt tay hợp tác với Venezuela trong nhiều dự án về dầu mỏ và quân sự, đồng thời phát đi thông điệp tới Mỹ về sự hiện diện của Moscow trong khu vực.

Nga cáo buộc Mỹ “che giấu” vũ khí hạt nhân / Tàu chiến Mỹ kẹt trên biển 2 tháng vì dịch bệnh

nga.jpeg

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: RT)

Mỹ cùng hàng loạt nước trong khu vực châu Âu và Mỹ Latinh đã lên tiếng công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, đẩy Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro vào tình thế ngày càng bị cô lập. Tuy vậy, chính quyền Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela, Nga vẫn được xem là đồng minh lâu năm của Tổng thống Maduro và Tổng thống tiền nhiệm Hugo Chavez. Sự gắn kết giữa Nga và Venezuela trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác dầu khí cho tới các khoản vay và hỗ trợ khí tài quân sự.

Mới đây, Nga cũng trở thành lựa chọn cuối cùng của Venezuela trong việc tiếp cận các khoản vay. Reuters ước tính chính quyền Nga và Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga và là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, đã cung cấp cho Venezuela 17 tỷ USD dưới dạng các khoản vay và tín dụng kể từ năm 2006.

Bắt đầu từ năm 2015, khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra thận trọng và lo ngại về việc hợp tác với Venezuela, Nga đã cung cấp cho Venezuela khoảng 6,5 tỷ USD dưới hình thức các dự án của doanh nghiệp dầu khí nhà nước Nga tại Venezuela. Trước đó, quân sự là lĩnh vực hợp tác chính giữa Nga và Venezuela khi quốc gia Nam Mỹ mua hơn 4 tỷ USD vũ khí và thiết bị quân sự của Moscow.

Giới phân tích nhận định bằng việc ủng hộ chính quyền Venezuela, một quốc gia có vị trí gần Mỹ, Nga muốn nắm lấy cơ hội để đánh dấu sự quay trở lại trên bản đồ chính trị thế giới. Ngoài ra, đây cũng là cách để Moscow chứng minh với các đồng minh tại Mỹ Latinh, gồm Cuba và Nicaragua, rằng Nga có thể vừa mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, vừa thách thức những lợi ích địa chính trị của Mỹ.

 

Nợ nước ngoài

Tháng 11/2017, Nga đồng ý tái cơ cấu khoản nợ trị giá 3,15 tỷ USD mà Venezuela nợ Moscow. Theo đó, Nga cho phép Venezuela trả nợ trong vòng 10 năm.

Đây được xem là động thái giúp đỡ kịp thời của Nga trong bối cảnh Venezuela đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và cần thời gian để thanh toán các khoản nợ nước ngoài.

Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak tháng này cho biết Venezuela vẫn đang thực hiện nghĩa vụ trả nợ và hiện vẫn chưa có các cuộc đàm phán nào về việc cho Venezuela vay thêm. Ông Storchak nói rằng Nga cũng đưa ra đề xuất với Venezuela về kế hoạch giải quyết các vấn đề kinh tế của quốc gia Nam Mỹ.

Ngân hàng

 

Nga và Venezuela có một ngân hàng cổ phần chung mang tên Evrofinance Mosnarbank. Đây là ngân hàng lớn thứ 91 của Nga theo giá trị tài sản. Quỹ Phát triển Quốc gia Venezuela (Fonden) kiểm soát 49,99% cổ phần tại ngân hàng này.

Ngân hàng Nga Gazprombank, nơi tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom là một cổ đông, và ngân hàng nhà nước VTB, ngân hàng lớn thứ hai tại Nga, mỗi bên nắm 25% cổ phần tại Evrofinance Mosnarbank.

Theo phát biểu của một lãnh đạo điều hành VTB hồi tháng trước, ngân hàng này đang cân nhắc bán cổ phần tại Evrofinance Mosnarbank, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào được đưa ra.

Năng lượng

nga 1.jpg

Tổng thống Maduro chứng kiến lễ ký kết giữa ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và ông Manuel Quevedo, Bộ trưởng Dầu khí kiêm Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA năm 2017. (Ảnh: Reuters)

 

Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga vẫn đang hoạt động tại Venezuela và cung cấp các khoản vay cho tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA với hình thức bảo trợ bằng dầu khí.

Theo thông tin từ Rosneft, PDVSA đã trả 500 triệu USD tiền nợ trong quý 3 năm 2018 và số nợ còn lại là 3,1 tỷ USD.

Rosneft nắm giữ 49,9% cổ phần tại Citgo, nhà máy lọc dầu do PDVSA lập ra tại Mỹ. Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin thường xuyên tới thăm Venezuela.

Rosneft có cổ phần trong nhiều dự án dầu khí tại Venezuela. Tổng sản lượng dầu từ các dự án này lên tới 8 triệu tấn vào năm 2017, tương đương 161.000 thùng dầu mỗi ngày.

Ngoài ra, Rosneft cũng tham gia vào nhiều dự án gồm:

 

- Junin 6: PDVSA nắm 60% cổ phần, phần còn lại do liên doanh giữa tập đoàn dầu khí Rosneft và Gazpromneft, một nhánh của tập đoàn khí đốt Gazprom, nắm giữ. Trong liên doanh này, Rosneft nắm 80% còn Gazpromneft kiểm soát 20%.

- Petromonagas: Rosneft sở hữu 40%.

- Petroperija: Rosneft sở hữu 40%.

- Petrovictoria: Rosneft sở hữu 40%.

- Petromiranda: Rosneft sở hữu 32%.

 

- Boqueron: Rosneft sở hữu 26,67%.

Ngũ cốc

Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã giúp đỡ Venezuela bằng cách cung cấp lúa mì trong nhiều năm trước đây. Nga đã xuất khẩu sang Venezuela 226.000 tấn lúa mì năm 2018 và 223.500 tấn năm 2017.

Quân sự

Thỏa thuận mua bán súng đầu tiên giữa Nga và Venezuela được ký tại Moscow vào năm 2006 giữa cố Tổng thống Hugo Chavez và Tổng thống Vladimir Putin. Kể từ đó, các thỏa thuận tương tự cũng đã được ký, cho phép Venezuela mua súng trường Kalashnikov, máy bay chiến đấu Sukhoi, xe tăng và các thiết bị quân sự khác của Nga.

 

Tháng 12/2018, nhật báo Nezavisimaya dẫn các nguồn tin cho biết Nga muốn triển khai máy bay chiến lược tới một căn cứ không quân của Venezuela tại biển Caribe phía đông nam Mỹ.

Trước đó một năm, hai máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga cũng đã hạ cánh tại Venezuela.

Vũ khí - khí tài
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm