“Sóng ngầm” tại Hong Kong vì cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền Trung Quốc
Hiện tượng lạ khi tàu sân bay hạt nhân Mỹ cập cảng Hong Kong / Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh mới nhằm đối đầu với Nga
Theo Thời báo Hoa nam Buổi sáng, cầu vượt biển nối Hong Kong, Châu Hải và Ma Cao đã khánh thành vào ngày 23/10 và chính thức phục vụ hành khách từ ngày 24/10. Nó được mệnh danh là “cây cầu nhân dân”, liên hệ tới nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa 2 đặc khu hành chính gần nhau hơn.
Dài khoảng 55km, cây cầu đây là cầu vượt biển dài nhất thế giới. Nó giúp giảm đáng kể thời gian đi lại từ Hong Kong tới Châu Hải, qua đó giúp thuận tiện việc vận chuyển hàng hóa vận chuyển giữa Hong Kong và đồng bằng sông châu Giang, các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Tuy nhiên, cư dân Tung Chung, phía bắc đảo Lantau, Hong Kong nhanh chóng cảm thấy bất mãn sau 1 tháng cây cầu chính thức thông xe. Gần 1 triệu du khách từ đại lục băng qua cây cầu mới tới Hong Kong sau chưa đầy 30 ngày, đổ dồn về Tung Chung mua sắm rồi trở về lại đại lục trong ngày.
Sự xuất hiện ồ ạt này đã đảo lộn cuộc sống vốn yên bình trước đây của người Tung Chung. Họ phàn nàn rằng người đại lục mua gần như toàn bộ sữa trẻ em, thuốc men ở các tiệm dược phẩm. Người đại lục tràn qua trước cửa nhà của cư dân Tung Chung, ùn ùn tới các trung tâm thương mại. Người đông kéo theo rác thải khắp mọi nơi, cũng như mức độ ồn ào đã tăng lên đáng kể.
“Tôi không có vấn đề với du khách từ nước ngoài hay từ đại lục. Nhưng với “loại” du khách như vậy thì có”, bà Erica Wong, 46 tuổi, cư dân Tung Chung phàn nàn về ý thức chưa tốt của những du khách Trung Quốc trong thời gian qua.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng khi một nhóm nhà hoạt động địa phương tới khu vực trung tâm thương mại Citygate, bao vây những hướng dẫn viên du lịch, yêu cầu xuất trình giấy tờ cho phép điều hành các tour đi thăm Hong Kong từ đại lục. Mục tiêu của nhóm hoạt động nhằm phản đối những chương trình du lịch không giấy phép gây xáo trộn cuộc sống người dân địa phương.
Căng thẳng đã nổ ra và một số người đã xô xát. Hai người bị bắt giữ sau vụ ẩu đả.
“Nhiều du khách đại lục đã làm ảnh hưởng tới phong cách và không gian sống của chúng tôi và chúng tôi không thể chịu đựng hơn nữa. Họ đến các cửa hàng và mua sữa bột trẻ em, thuốc men, và ngay cả băng vệ sinh. Họ mua những thứ này ở Hong Kong để làm gì? Họ nên mua tại nơi họ sinh sống”, nhà hoạt động Roy Tam cho biết.
Căng thẳng ở Tung Chung chỉ là một phần trong bức tranh lớn về cơn “sóng ngầm” bất mãn của người Hong Kong khi chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của người dân đại lục.
Tầng lớp trung lưu và các cư dân trẻ tuổi cảm thấy không thoải mái với cuộc sống ở Trung Quốc và họ đổ tiền sang Hong Kong sinh sống, đẩy giá bất động sản và thuê nhà lên cao.
Nhiều xung đột đã nổ ra giữa người dân địa phương Hong Kong và người đại lục, chủ yếu tại các khu vực giáp ranh như Tung Chung hoặc trong khuôn viên trường đại học.
Nhiều người đại lục ở Hong Kong nói rằng họ phải nói tiếng Anh thay vì tiếng Trung phổ thông vì cho rằng người nói tiếng phổ thông thường bị người dân địa phương đối xử tệ.
Liu Chang, 34 tuổi, một người đại lục chuyển sang Hong Kong sống trong 2 năm, cho biết cô thông cảm với người dân địa phương. Liu nói rằng, cô đã từng chứng kiến cảnh những “con buôn” từ đại lục đã mua đồ từ đại lục, mang sang Hong Kong bán lại để ăn chênh lệch và trốn thuế.
Khi nhìn thấy rác thải ngập tràn mọi nơi, đồ đạc hàng hóa bày bán khắp lối đi, Liu phần nào đồng cảm với sự bức xúc của người Hong Kong với những người đại lục có ý thức chưa tốt.
Dù người Hong Kong thừa nhận nguồn lợi về du lịch mà người đại lục mang lại, tuy nhiên họ vẫn rất bất bình với cách xử sự của các du khách cũng như các chương trình du lịch tổ chức “chui” không có giấy tờ đang làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của họ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo