“Tượng đài” Putin trong 20 năm lãnh đạo nước Nga
Có thật Su-24 áp chế điện tử làm tàu chiến Mỹ "bán thân bất toại"? / Nga tính trang bị đầu đạn siêu thanh cho tên lửa "quỷ Satan"
Khi ông Vladimir Putin, một cựu điệp viên tình báo KGB, trở thành tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999, ông Bill Clinton đang nắm quyền tại Nhà Trắng.
20 năm sau đó, Mỹ có thêm 3 đời tổng thống, còn Anh trải qua 5 đời thủ tướng. Trong khi đó, ông Putin vẫn giữ vai trò lãnh đạo nước Nga, trên cả hai cương vị tổng thống và thủ tướng.
Từ các cuộc xung đột toàn cầu và rối ren trong nước, cho tới các chiến thắng thể thao, thế giới đều có thể thấy những hình ảnh làm nên “tượng đài” Putin trong 20 năm cầm quyền tại Nga.
BBC đã lựa chọn 20 bức ảnh ghi lại hành trình 20 năm lãnh đạo nước Nga của Tổng thống Putin.
Ông Putin được bổ nhiệm làm thủ tướng khi Nga bắt đầu cuộc chiến Chechnya lần thứ hai vào tháng 10/1999, để đáp trả hàng loạt vụ ném bom chết người nhằm vào các khu dân cư.
Giai đoạn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin được định hình bởi cuộc xung đột ở cộng hòa Chechnya thuộc Nga. Các lực lượng Nga đã bao vây thủ đô Grozny của Chechnya.
Trong suốt nhiều năm, nước Nga phải hứng chịu các cuộc tấn công của phiến quân, bao gồm vụ bắt giữ con tin trường học Beslan vào năm 2004 khiến 330 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. Mãi tới năm 2009, Tổng thống Putin mới chính thức chấm dứt các chiến dịch đối phó phiến quân ở Chechnya.
Ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2000. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng sau đó, ông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về quan hệ công chúng.
Thảm họa tàu ngầm Kursk khiến 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Khi tàu ngầm bị chìm vào tháng 8/2000, phải mất nhiều ngày sau đó, Nga mới thông báo cho người thân của các thủy thủ. Tổng thống ban đầu cũng chưa kịp quay về ngay sau kỳ nghỉ ở Biển Đen.
Trong 10 năm đầu cầm quyền, ông Putin nhìn chung giữ quan hệ tốt đẹp với các lãnh đạo phương Tây, dù ông vẫn chỉ trích chính sách đối ngoại của họ.
Nga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) đầu tiên vào năm 2006, khẳng định vị thế thành viên của Nga trong nhóm này (gồm Nga, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada).
Theo hiến pháp Nga, ông Putin không thể giữ chức tổng thống trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Do vậy, vào năm 2008, ông đã giữ chức thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ 4 năm. Trong giai đoạn này, người giữ chức tổng thống Nga là ông Dmitry Medvedev.
Khi Georgia đưa lực lượng quân sự tới để giành lại quyền kiểm soát vùng ly khai Nam Ossetia vào năm 2008, Nga tiến sâu vào Georgia.
Cuộc chiến chóng vánh vào tháng 8 là một hồi chuông báo động với phương Tây, nhưng chính động thái của Nga khi tiến vào đông Ukraine năm 2014 đã khiến mối quan hệ của ông Putin với các lãnh đạo phương Tây trở nên xấu đi.
Năm 2014, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến Liên minh châu Âu và Mỹ ra lệnh trừng phạt và đẩy Nga khỏi G8.
Trong 4 năm tham gia cuộc chiến tại Syria, Nga đã ủng hộ đồng minh của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi chính quyền Assad đang gặp khó khăn. Quyết định của Nga khi đưa máy bay và vũ khí tới Syria đã làm thay đổi cán cân quyền lực trên thực địa.
Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử này. Moscow đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.
Năm 2018, Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên tình báo quân sự Sergei Skripal ở Salisbury, Anh khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên căng thẳng. Tổng thống Putin đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Trong suốt 20 năm tại nhiệm, ông Putin luôn nỗ lực để giữ gìn hình ảnh cá nhân cũng như hình ảnh nước Nga. Nhiều bức ảnh được công bố trong những năm qua cho thấy ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Tổng thống Putin yêu thích các hoạt động ngoài trời, đam mê vận động và chơi tốt nhiều môn thể thao. Ông cũng là nhà lãnh đạo có tình yêu đặc biệt dành cho các loài động vật.
Tổng thống Putin cũng tìm cách để nâng cao vị thế của Nga trên mặt trận thể thao bằng việc đăng cai Olympic Mùa Đông vào năm 2014 và World Cup vào năm 2018. Tuy nhiên, Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) hồi đầu tháng đã thông qua lệnh cấm Nga không được tham gia các sự kiện thể thao quốc tế trong 4 năm sau vụ bê bối sử dụng doping (chất kích thích bị cấm trong thể thao).
Nếu kháng cáo không thành công, thể thao Nga sẽ không có mặt ở những giải đấu lớn như Olympic mùa hè 2020, Olympic mùa đông 2022 hay World Cup 2022. Tổng thống Putin chỉ trích lệnh cấm của WADA “mang động cơ chính trị”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo