"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn": Đòn đáp trả của Nga sẽ hạ gục sự thống trị tiền tệ của Mỹ?
NÓNG: Nổ lớn ở thành phố Nga sát biên giới Ukraine / Chuyên gia: Ukraine không phải là Tank Biathlon - Cái Quân đội Nga cần chỉ là thời gian!
Tổng thống V. Putin nói, động thái này là nhằm đáp trả việc phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD, chiếm một nửa dự trữ ngoại hối và vàng của Nga, buộc các nhà nhập khẩu từ các nước không thân thiện phải giao dịch với các ngân hàng của Nga.
Ông nêu rõ, bằng việc đóng băng các tài khoản ngoại tệ của Nga, phương Tây thực tế đã nhận được một khối lượng khí đốt của Nga miễn phí. Nếu Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho khách hàng theo hình thức thanh toán cũ, các khoản thu được bằng đồng euro hoặc USD cũng sẽ bị phong tỏa.
Mục đích của quyết định sử dụng đồng rúp trong thanh toán với Nga
Việc Nga yêu cầu công ty các nước không thân thiện thanh toán bằng đồng rúp là một sự khởi đầu của Moscow sử dụng xuất khẩu năng lượng của mình sang châu Âu như một thứ vũ khí để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Bằng quyết định này, Tổng thống V. Putin buộc phương Tây vi phạm các lệnh trừng phạt của chính họ đối với Nga, buộc họ phải giao dịch với ngân hàng trung ương và hệ thống ngân hàng của Nga vốn nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Về vấn đề này, Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga nói: "Một trong những mục tiêu dùng đồng rúp thanh toán cho các hợp đồng mua dầu và khí đốt của Nga là nhằm buộc các công ty châu Âu phải chịu hậu quả các lệnh trừng phạt của chính họ và từ đó gây áp lực lên các chính phủ của họ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga."
Theo ông, Nga hiện đã chuyển quả bóng sang sân châu Âu và đang chờ quyết định của họ. Liên minh châu Âu (EU) cần phải có một quan điểm thống nhất về vấn đề này. Hiện nay, các chính trị gia châu Âu đều phản đối việc trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, bởi vì về mặt chính trị rất khó để họ chấp nhận quy định này của Nga.
Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng, EU sẽ còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga ít nhất trong 10 năm tới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, châu Âu sẽ không thể thay thế khí đốt của Nga bằng khí đốt đắt tiền của Mỹ.
Ông nói: "Khí hoá lỏng (LPG) từ Mỹ không thể thay thế khí đốt của Nga được vận chuyển qua đường ống với giá rẻ hơn rất nhiều. Đề xuất dùng khí đốt của Mỹ thay cho khí đốt của Nga là vô lý và có hại cho kinh tế quốc gia."
Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí OMV khổng lồ của Áo lfred Stern khẳng định, Áo hiện không thể từ bỏ được khí đốt của Nga. Ông nói: "Chúng ta chỉ có thể từ bỏ khí đốt của Nga nếu chúng ta muốn đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng."
Các nhà lãnh đạo một số quốc gia châu Âu khác cũng nói lúc này không thể ngừng mua dầu và khí đốt của Nga.
Gazprom hiện có hơn một trăm hợp đồng với các đối tác châu Âu. Không thể nào thay thế ngay lập tức một khối lượng lớn khí đốt như vậy, nên việc Nga ngừng cung cấp chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu. Mặc dù mùa Đông sắp kết thúc, nhu cầu sưởi ấm không còn nữa, nhưng việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành công nghiệp.
Moscow biết được điểm yếu này của các nước phương Tây trong lĩnh vực năng lượng, một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra nếu Nga chấm dứt việc cung cấp khí đốt cho họ. Sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng có thể dẫn đến bùng nổ cuộc khủng hoảng năng lượng trên cấp độ toàn cầu. Để ngăn chặn tình trạng xấu đi thêm nữa, các nước phương Tây sẽ phải quay trở lại đàm phán với Nga.
Nếu EU không chịu mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, Moscow có thể sẽ áp dụng quy định này với cả các hợp đồng mua than đá và các nguyên liệu khác nữa. Trong trường hợp này, Châu Âu sẽ không chỉ mất một trong những nhà cung cấp chính của mình, mà giá khí đốt từ các nhà cung cấp khác sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ.
Nội bộ các nước châu Âu, giữa người tiêu dùng năng lượng và chính phủ cũng như giữa châu Âu và Mỹ đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề trừng phạt Nga.
Quy trình thanh toán bằng đồng rúp
Theo quy trình mới, từ 1/4/2022, để mua khí đốt của Nga, các nhà nhập khẩu từ 48 quốc gia không thân thiện đã được chính phủ Nga đưa vào danh sách, chủ yếu là các nước EU và Nhật Bản, sẽ phải mở hai tài khoản tại Gazprombank hoặc các ngân hàng thương mại khác vẫn chưa bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, một tài khoản ngoại tệ và một tài khoản đồng rúp của Nga.
Sau khi nhà nhập khẩu chuyển tiền USD hoặc euro vào tài khoản ngoại tệ, Gazprombank sẽ bán đồng tiền này trên Sở giao dịch chứng khoán Moscow và ghi có vào tài khoản đồng rúp. Từ đó chúng sẽ được chuyểnđể thanh toán cho tập đoàn khí đốt Gazprom. Một kế hoạch như vậy sẽ cho phép các nhà chức trách Nga tuyên bố rằng các khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng rúp.
Nếu khách hàng không thực hiện các khoản thanh toán như vậy, thì Nga sẽ coi như người mua phá vỡ hợp đồng và sẽ chấm dứt giao dịch. Ông V. Putin nói: "Không ai cung cấp cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí, và chúng tôi cũng sẽ không đi làm từ thiện".
Điều đó có nghĩa là sẽ chấm dứt các hợp đồng đã ký. Việc sử dụng đồng rúp để thanh toán cho các hợp đồng cung cấp khí đốt là một bước quan trọng nhằm tăng cường chủ quyền kinh tế - tài chính của Nga vốn đang gặp nhiều khó khăn do đồng rúp mất giá sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phản ứng của các nước phương Tây
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Pháp Bruno Lumiere là những người đi đầu lên tiếng bắc bỏ việc thanh toán bằng đồng rúp, khẳng định thực hiện các thoả thuận đã ký với Nga trước đây, theo đó việc thanh toán các khoản cung cấp khí đốt của Nga sẽ chỉ được thực hiện bằng đồng euro.
Trước đó, các bộ trưởng năng lượng của nhóm G-7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ đã họp khẩn cấp, tuyên bố không chấp nhận dùng đồng rúp để thanh toán nguồn cung cấp khí đốt của Nga. EU cũng quyết định tương tự. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói, việc chuyển sang thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp là một nỗ lực của Moscow để lách các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Trong khi đó, một số nước châu Âu khác lại tỏ sẵn sàng thanh toán bằng đồng rúp. Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói, Bratislava không loại trừ việc trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho rằng, Sofia có thể thực hiện giao dịch bằng đồng rúp. Chủ tịch công ty Moldovagaz của Maldova, Vadim Cheban nói sau 1/5/2022 sẽ không có vấn đề gì trong việc thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết, tháng 3/2022 nước này đã trả một phần nợ cho Nga bằng đồng rúp. Người đứng đầu Hiệp hội khí đốt của Serbia, Vojislav Vuletić, cũng nói không có khó khăn gì trong việc thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Ông thừa nhận lúc đầu ông nghĩ sẽ gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, nhưng cho rằng yêu cầu của Nga là chính đáng.
Moscow đã đáp trả gay gắt tuyên bố của các nước EU và G-7 từ chối thanh toán cho các hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Nga sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí, vì trong tình hình hiện nay rất khó có thể tham gia vào các tổ chức từ thiện giúp đỡ châu Âu.
Hệ quả của việc thanh toán bằng đồng rúp đối với phương Tây
Liên minh châu Âu (EU) mua dầu và khí đốt hàng ngày từ Nga với giá trị khoảng 660 triệu USD. Như vậy, mỗi ngày EU phải trả 660 triệu USD cho Nga.
Quyết định của Nga thay thế đồng USD và euro bằng đồng rúp có nghĩa là EU buộc phải thanh toán số tiền khổng lồ này bằng đồng rúp của Nga. Hiện nay 1 USD ăn khoảng 90 rúp, có nghĩa là mỗi ngày EU phải trả cho Nga khoảng 7,33 tỷ rúp để đổi lấy dầu và khí đốt. Số tiền này lấy ở đâu?
Theo các chuyên gia tài chính, EU sẽ phải dùng đồng USD hoặc euro để mua đồng rúp theo tỷ giá công bố chính thức hàng ngày của ngân hàng Nga và họ chỉ có thể mua từ Nga vì không có nước nào khác có đủ số tiền rúp khổng lồ này.
Như vậy, các công ty EU mua dầu và khí đốt của Nga phải yêu cầu Ngân hàng Trung ương Nga bán cho mình đồng rúp và theo cách này Nga sẽ tăng dự trữ ngoại tệ của mình.
Nga vẫn còn một công cụ khác trong tay và theo các chuyên gia kinh tế, nếu sử dụng nó có thể sẽ dẫn đến sự phá sản của Liên minh Châu Âu. Nga có thể nói họ không thể bán đồng rúp lấy USD và euro vì Ngân hàng Trung ương Nga bị trừng phạt và bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nga sẽ bán đồng rúp lấy vàng và đây sẽ là một thảm họa lớn.
Hiện nay, giá vàng mỗi gram dao động trong khoảng 60 USD, nghĩa là 5,400 rúp. Điều này có nghĩa là mỗi ngày EU sẽ phải xuất ra 11 tấn vàng để mua 5,4 tỷ rúp thanh toán cho các hợp đồng mua dầu và khí đốt của Nga.
Nếu Nga đưa ra quyết định này, thì chỉ trong một thời gian ngắn họ sẽ hút hết số vàng dự trữ trong các ngân hàng châu Âu đưa về Nga. Không phải ngẫu nhiên, tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G-7 và EU được triệu tập khẩn cấp tại Brussels ngày 24/3/2022 vừa qua đã kêu gọi các nước thành viên không được giao dịch với Nga bằng vàng.
Sự gia tăng nhu cầu đối với đồng rúp nhất thiết sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu trao đổi thương mại các loại hàng hoá với Nga. Điều đó có nghĩa là các nước sẽ tăng cường bán hàng cho Nga để lấy đồng rúp và như vậy đồng rúp sẽ trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế và đồng rúp nghiễm nhiên trở thành một trong những đồng tiền giao dịch trên thị trường thế giới thay cho đồng USD và đồng euro. Bằng cách này, Nga có thể đáp trả lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói, việc các nước châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có việc đóng cửa dự án dòng chảy phương Bắc-2 (Nord Stream-2), đóng băng các tài sản cả Nga và từ chối thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp đang tự hại mình.
Ngay sau khi Nga quyết định sử dụng đồng rúp trong thanh toán, đồng rúp đã bắt đầu phục hồi giá trị so với đồng USD và euro.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine đồng rúp mất giá nghiêm trọng, 1 USD ăn 140 rúp thì ngày hôm nay 3/4/2022 trên thị trường Bloomberg lần đầu tiên giảm xuống 85,415 rúp. Bằng cách tăng giá trị của đồng rúp, chính quyền Nga hy vọng sẽ giảm tỷ lệ lạm phát, phục hồi kinh tế và tăng mức sống của người dân.
Cùng với Nga, nhiều nước đang chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán quốc tế. Trong chuyến thăm Bắc Kinh và New Dehli vừa qua của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí dùng đồng nội tệ trong thanh toán các hợp đồng thương mại. Ngoài ra, Iran và Ả Rập Saudi cũng chấp nhận đồng nhân dân tệ để thanh toán các lô dầu xuất sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của họ.
Như vậy, các nước này sẽ tăng một tỷ lệ đáng kể tiền dự trữ của họ dưới dạng nội tệ. Việc những nền kinh tế lớn chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch quốc tế có thể được coi là bước đầu tiên tiến tới hình thành một hệ thống tài chính mới nhằm giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD do Mỹ thống trị.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại
End of content
Không có tin nào tiếp theo