'Vũ khí ngày tận thế' của Nga bội phần nguy hiểm nhờ khả năng phục kích dưới nước
Mỹ dùng phương pháp cây gậy và củ cà rốt để chống lại tiêm kích Su-35 Nga / 'Sát thủ' BrahMos và tham vọng lớn của Ấn Độ
Vũ khí "ngày tận thế"của Nga - ngư lôi hạt nhân Poseidon (hay còn được gọi bằng cái tên Status-6) sẽ có thêm phiên bản đặc biệt, giúp nó nằm phục kích sâu dưới đáy đại dương để tung ra đòn tấn công hủy diệt không thể chống đỡ nhằm vào kẻ địch.
Dự án chế tạo phương tiện không người lái dưới nước hạt nhân mang tên Poseidon của Nga đã bước vào giai đoạn cuối, ấn phẩm EurAsian Times của Ấn Độ tiết lộ thông tin.
Vào cuối năm 2021, Giám đốc Sevmash (đơn vị chuyên thiết kế tàu ngầm) - ông Nikolai Budnichenko cho biết, tàu ngầm hạt nhân siêu lớn K-329 Belgorod đã bắt đầu trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và công việc sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Xin nhắc lại, chiếc tàu ngầm ngoại cỡ này sẽ trở thành phương tiện đầu tiên mang ngư lôi hạt nhân (còn gọi là tàu ngầm không người lái) Poseidon. Ngoài ra vào năm 2022, việc xây dựng một cơ sở mới cho hạm đội dự kiến sẽ được hoàn thành.
Theo các nhà quan sát Ấn Độ, đây là một loại căn cứ đặc biệt của người Nga, họ tin tưởng rằng cơ sở này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai ngư lôi Poseidon - vốn được gọi bằng cái tên "vũ khí ngày tận thế".
Poseidon là một phương tiện tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể được sử dụng như vũ khí răn đe chiến lược nhằm vào các căn cứ hải quân của đối phương.
Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Forbes vào tháng 11/2019 do chuyên gia vũ khí dưới nước nổi tiếng người Mỹ H.I. Sutton viết, ông đã đề cập đến tàu ngầm không người lái Poseidon như là một trong những vũ khí có tính hủy diệt cao nhất hiện đang được phát triển.
Theo tờ EurAsian Times, vũ khí nói trên được thiết kế để tấn công các thành phố ven biển bằng đầu đạn nhiệt hạch có đương lượng nổ lên tới 2 Megaton (tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 133 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Phương tiện mang ngư lôi Poseidon dự kiến là tàu ngầm Belgorod và Khabarovsk. Chúng có thể mang đồng thời 4 "vũ khí ngày tận thế". Đặc biệt, giới chuyên gia Ấn Độ lưu ý rằng Nga có cả "gia đình" Poseidon, chúng khác nhau ở chức năng.
Ví dụ, tổ hợp được biết đến trên các phương tiện truyền thông với cái tên Skiff, tờ EurAsian Times cho rằng đây là một nền tảng nằm dưới đáy biển, nghĩa là nó có thể phục kích ở đó cho đến khi nhận lệnh kích hoạt.
Sự xuất hiện của một căn cứ chuyên biệt sẽ cho phép ngư lôi hạt nhân Poseidon thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt và nếu cần thiết, sẽ không cho kẻ thù biết vị trí của các phương tiện tấn công còn lại.
Khái niệm sử dụng “vũ khí ngày tận thế” như trên có thể trở thành mối đe dọa thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều đối với kẻ thù tiềm tàng, so với phiên bản “sóng thần hạt nhân” ban đầu.
Bên cạnh đó, ngư lôi hạt nhân Poseidon cùng tên lửa siêu thanh Avangard cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được xem là công cụ răn đe của Nga nếu Mỹ không chấp nhận các điều khoản do Moskva đưa ra.
"Đây có thể là một con át chủ bài quan trọng trong vòng đàm phán an ninh tiếp theo giữa Nga với phương Tây", tờ báo Ấn Độ nhận xét.
End of content
Không có tin nào tiếp theo