Quốc tế

Mỹ dùng phương pháp cây gậy và củ cà rốt để chống lại tiêm kích Su-35 Nga

Tiêm kích Su-35 Nga đang gặp trở ngại trên thị trường vũ khí quốc tế bởi phương pháp cây gậy và củ cà rốt mà Mỹ áp dụng.

Nhu cầu dầu mỏ vẫn ở mức cao trong năm 2022 / Một năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden với nhiều thăng trầm

Cổng thông tin Forbes của Mỹ viết rằng, nhiều khách hàng tiềm năng trên thế giới đã phải từ chối lời đề nghị mua tiêm kích Su-35 Nga khi đối diện phương pháp cây gậy và củ cà rốt được chính quyền Washington áp dụng.

Tác giả của bài viết - nhà báo Paul Iddon cho rằng, chiến đấu cơ Su-35 của Nga đang gặp phải vô vàn khó khăn trên thị trường xuất khẩu. Theo nhà quan sát người Mỹ, điều này là do cả yếu tố chính trị và công nghệ.

Để làm ví dụ, nhà phân tích của Forbes trích dẫn trường hợp Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này ban đầu có kế hoạch mua 11 tiêm kích Su-35, nhưng cuối cùng họ đã thay đổi quyết định.

Chính phủ nước này giải thích rằng vấn đề là do thiếu ngân sách. Tuy nhiên nhà phân tích của cổng thông tin Mỹ đã nhìn thấy nguyên nhân thực sự trong việc Jakarta từ chối sử dụng máy bay chiến đấu của Nga.

Ông Paul Iddon bình luận: “Indonesia có thể phải từ bỏ Su-35 vì lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ theo các điều khoản của Đạo luật CAATSA".

Bên cạnh đó, tác giả bài viết tin rằng Ai Cập cũng có thể từ chối thỏa thuận với Nga về việc mua máy bay chiến đấu Su-35. Nguyên nhân cũng được cho là do lo sợ Mỹ sẽ "trừng phạt" Cairo bằng các biện pháp hạn chế.

Ngoài ra nhà phân tích đến từ Mỹ còn nhấn mạnh rằng Ai Cập đang phụ thuộc nhiều hơn vào hợp tác quốc phòng cũng như kinh tế với Mỹ, do vậy Cairo sẽ không mạo hiểm đánh đổi bằng việc mua Su-35 của Nga.

Chưa dừng lại đó, máy bay chiến đấu Su-35 của Nga không được trang bị radar với dải ăng ten mảng pha quét chủ động (AESA). Việc không radar AESA tiên tiến gây lo lắng cho một người mua tiềm năng khác, đó chính là Không quân Algeria.

Người phụ trách chuyên mục của Forbes còn trích dẫn ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không quân sự - ông Tom Cooper nhấn mạnh rằng sự sụt giảm nhu cầu đối với Su-35 có thể được kích hoạt bởi sự kết hợp giữa hai yếu tố - chính trị và công nghệ.

Theo tạp chí Forbes, Mỹ đang sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt đầy tinh vi trên thị trường vũ khí.

Một mặt, Washington cảnh báo khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại các quốc gia ký kết thỏa thuận với Moskva. Mặt khác, họ cung cấp một giải pháp thay thế khiến việc từ chối mua vũ khí Nga bớt "đau đớn" hơn.

Ví dụ, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng hiện đại hóa trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow của Ai Cập, đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc hiện đại hóa phi đội máy bay lên thẳng vũ trang của Cairo lên tiêu chuẩn AH-64E Apache Guardian mới nhất.

Trước tình hình trên, giải pháp mà Nga cần theo đuổi hiện nay chính là cố gắng xuất khẩu vũ khí tới những quốc gia không lo ngại về Đạo luật CAATSA của Mỹ, ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc Iran.

Nhưng về lâu dài, Moskva vẫn cần đưa ra thị trường nhiều vũ khí tính năng tiên tiến mà đối tác sẽ cảm thấy "không thể từ chối", khi chúng tỏ ra ưu việt hơn hẳn cả về kỹ chiến thuật lẫn giá thành so với sản phẩm của Mỹ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm