Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông qua gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử để giúp các nước đương đầu với COVID-19
Ngày 2/8 (theo giờ Mỹ), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua một gói hỗ trợ nguồn tài chính lớn nhất lịch sử tổ chức này, trị giá lên tới 650 tỷ USD, để giúp các nước đang đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và sụt giảm kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Dịch COVID-19: Gần 70% người trưởng thành ở EU đã được tiêm vaccine / Thoát cú sốc COVID-19, GDP Mỹ đã vượt mức trước đại dịch
Đây là lần đầu tiên kể từ khi IMF tung gói cứu trợ 250 tỷ USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đánh giá gói tài chính lịch sử 650 tỷ USD này như “một mũi vaccine tiêm đối với thế giới”, qua đó sẽ giúp tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu.
Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF xây dựng từ năm 1969, có vai trò bổ sung cho nguồn dự trữ tiền của các quốc gia thành viên. SDR được tạo ra để giải quyết những lo ngại về những hạn chế của vàng và đôla Mỹ với vai trò là phương tiện duy nhất để thanh toán các tài khoản quốc tế. SDR sẽ giúp tăng cường thanh khoản quốc tế bằng cách bổ sung thêm đồng tiền dự trữ tiêu chuẩn.
Trụ sở Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington D.C (Mỹ). Ảnh: IMF
SDR về bản chất là một công cụ tiền tệ nhân tạo được IMF xây dựng và sử dụng từ một rổ các loại tiền tệ của những quốc gia quan trọng. Các quốc gia thành viên IMF có thể vay SDR từ dự trữ của IMF với lãi suất ưu đãi, chủ yếu với mục đích điều chỉnh, tạo ra vị thế có lợi cho cán cân thanh toán của họ.
Việc phân bổ các SDR tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn.
Trong một thông cáo, IFM nêu rõ “đó là nỗ lực nhằm tăng cường tính thanh khoản toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành”. Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Đây là quyết định lịch sử, lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử IMF và là liều vaccine tiêm vào cánh tay nền kinh tế toàn cầu trong hoàn cảnh khủng hoảng chưa từng có”.
Bà Kristalina Georgieva cho biết thêm việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD này sẽ có lợi cho tất cả các nước thành viên IMF, giải quyết nhu cầu dài hạn của thế giới về nguồn dự trữ, xây dựng lòng tin, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi và tính thanh khoản của kinh tế toàn cầu. Theo bà Kristalina Georgieva, gói 650 tỷ này sẽ đặc biệt giúp ích cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và đang chật vật đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo trang mạng fxstreet.com, khoảng 275 tỷ USD trong lần phần bổ này sẽ được dành cho các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, trong đó có những nước thuộc diện thu nhập thấp.
Một lựa chọn quan trọng là các thành viên có vị thế mạnh mẽ có thể tự nguyện chuyển một phần SDR của mình để mở rộng quy mô cho vay dành cho các nước diện thu nhập thấp thông qua Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT) của IMF. Hỗ trợ ưu đãi thông qua PRGT hiện nay lãi suất là 0%. IMF cũng đang thăm dò các lựa chọn khác để giúp các nước nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn trong nỗ lực phục hồi kinh tế.
Theo thông cáo trên, việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8 tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo