Quốc tế

5 vũ khí hàng đầu của Israel

Nằm giữa nhiều nước thù địch với mình, Israel phải dựa nhiều vào năng lực quân sự để duy trì sinh tồn kể từ khi lập quốc cách đây hơn 7 thập kỷ. Israel đặc biệt chú trọng phát triển các loại vũ khí công nghệ cao để giành lợi thế trước đối thủ.

Sự kết hợp lợi hại của tiêm kích MiG-31 và tên lửa “sát thủ” R-37M / Ukraine sử dụng tên lửa Buk để đối phó máy bay Nga

Bất chấp diện tích nhỏ bé của đất nước Israel, quân đội nước này (IDF) vẫn được xem là một trong các lực lượng vũ trang được huấn luyện, trang bị tốt nhất và có năng lực nhất trong toàn bộ khu vực Trung Đông.

Chính phủ Israel ưu tiên sử dụng các tiến bộ công nghệ để đạt lợi thế quân sự trước các đối thủ. Vì lý do này, kho vũ khí tự chế của Israel rất phát triển. Ngoài ra, quốc gia Do Thái còn mua được những vũ khí hàng đầu của Mỹ. Một số vũ khí mua từ Mỹ đã được Israel nâng cấp, cải tiến bằng các hệ thống bản địa.

5 vu khi hang dau cua israel hinh anh 1
Máy bay F-35I Adir. Ảnh: Lockheed Martin.

Máy bay tiêm kích F-35I Adir

Đây là biến thể của chiếc tiêm kích đa nhiệm F-35 thế hệ 5 của không quân Mỹ. Biến thể F-35I Adir đã trở thành xương sống của không quân Israel.

Khi nhà nước Do Thái bị khước từ tiếp cận F-22 Raptor của Mỹ (không được xuất khẩu theo luật), F-35 trở thành ứng viên phù hợp.

Hãng vũ khí Lockheed Martin (Mỹ) cho phép Israel mua một phiên bản cá thể hóa của chiếc tiêm kích tàng hình này. Kết quả là chiếc F-35I Adir, được đánh giá còn tiên tiến hơn cả mẫu máy bay gốc của Mỹ.

Không quân Israel có thể chỉnh sửa khung Adir từ bên ngoài và tiếp cận được cấu trúc số của tiêm kích này. Do vậy, Israel có khả năng tiếp cận bộ theo dõi và tác chiến điện tử cũng như hệ thống liên lạc và phần kiểm soát bay của máy bay F-35I Adir này.

 

Ngoài ra, hãng Lockheed Martin còn cho phép không quân Israel tích hợp các bộ mũ phi công và cánh sản xuất nội địa vào máy bay Adir.

F-35I Adir bắt đầu phục vụ trong quân đội Israel từ năm 2018.

Xe tăng Merkava

Bên cạnh ưu thế trên không, IDF cũng chú ý đến việc bảo đảm lục quân của mình có công nghệ tốt nhất mà họ có thể đạt được. Xe tăng Merkava của lục quân Israel mạnh đến mức được ca ngợi là một trong các xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới.

Xe Merkava được Israel phát triển sau cuộc chiến tranh Yom Kippur 1973, khi quân đội Israel nhận ra rằng phấn đấu có một chiếc xe tăng nội địa sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích an ninh quốc gia Israel. Khi ấy, các đối thủ của Israel trong khu vực sử dụng các xe tăng do Liên Xô chế tạo mà lực lượng thiết giáp Israel phải tìm cách khắc chế.

 

Xe tăng Merkava được đưa vào biên chế quân đội Israel năm 1979, với các thiết kế chưa từng có tiền lệ. Xe có một động cơ hướng về phía trước - điều này phi chính thống vì các xe tăng hiện đại khác đều cơ bản có thiết kế động cơ nằm ở đuôi. Ngoài ra, xe Merkava còn có lớp giáp dày hơn để bảo vệ kíp xe tốt hơn.

Merkava đóng vai trò quan trọng đối với Israel trong nhiều cuộc xung đột. Sau cuộc chiến Lebanon năm 1982, Israel tích hợp các chỉnh sửa mới vào xe tăng trong khi vẫn giữa lại thiết kế gốc.

Biến thể Merkava mới nhất là chiếc xe tăng mạnh nhất trong dòng xe tăng này. Biến thể IV này được trang bị hệ thống tự vệ lợi hại mang tên Trophy.

Hệ thống phòng thủ Trophy

Hệ thống bảo vệ chủ động Trophy được thiết kế để chuyên bảo vệ các xe thiết giáp, bao gồm xe tăng, trước các tên lửa chống tăng và súng phóng lựu chống tăng.

 

Hệ thống tiên tiến này có khả năng sử dụng radar tiên tiến để định vị mối đe dọa và đánh chặn nó ngay trước khi xe tăng bị nó đưa vào tầm ngắm.

Ngoài năng lực phòng thủ, Trophy còn có thể đóng cả vai trò vũ khí tiến công.

Do đạn pháo đi nhanh hơn tên lửa chống tăng, xe tăng có khả năng bắn trả khi nó phát hiện ra mối đe dọa.

Hãng sản xuất ra Trophy giải thích: "Trophy tạo ra một bong bóng vô hiệu hóa quanh xe tăng. Nó nhanh chóng phát hiện, phân loại và xử lý các mối đe dọa năng lượng hóa học, bao gồm súng không giật, tên lửa chống tăng có dẫn đường, rocket chống tăng, đạn tăng và đạn súng phóng lửa".

Hệ thống Trophy được cho là đã cứu sinh mạng nhiều quân nhân Israel kể từ khi hệ thống này được đưa vào sử dụng trong quân đội Israel từ năm 2011.

 

5 vu khi hang dau cua israel hinh anh 2
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Ảnh: 19fortyfive.

Vòm Sắt

Hệ thống phòng không Vòm Sắt nổi tiếng vào năm 2021 khi xảy ra cuộc đối đầu nảy lửa giữa Israel và phái Hamas của Palestine vào tháng 5 năm đó.

Mục tiêu của hệ thống phòng thủ này là đánh chặn và loại bỏ các tên lửa tầm ngắn bay đến từ cự ly 4,2-145km..

Vòm Sắt tỏ rõ là công cụ lợi hại của Israel kể từ khi được triển khai cách đây 1 thập kỷ.

Vòm Sắt sử dụng một radar có thể định vị các rocket phóng tới, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát có thể giải mã mức độ đe dọa của các rocket đó, và một tên lửa đánh chặn sẽ xóa bỏ mối nguy hiểm ngay từ trên không. Hệ thống phòng thủ tên lửa này có tỷ lệ thành công lên tới trên 90%. Tuy không hoàn hảo, đây là một công cụ trọng yếu trong chiến lược quốc phòng của Israel.

 

Tia Sắt

Vào tháng 5/2022, Bộ Quốc phòng Israel công bố thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa laser này. Nó có khả năng chặn được đạn cối, rocket và các tên lửa chống tăng.

Nhiều chức năng của Tia Sắt đã có trong hệ thống Vòm Sắt. Tuy nhiên Tia Sắt có lợi thế về chi phí. Tia Sắt chỉ tiêu tốn 2 USD mỗi lần đánh chặn.

Tia Sắt có thể sử dụng độc lập hoặc phối hợp với Vòm Sắt.

Do chi phí rẻ của Tia Sắt, quân đội Israel có thể triển khai hệ thống này với số lượng lớn. Tuy nhiên, vũ khí này vẫn đang được phát triển và có thể chưa sớm được đưa vào biên chế quân đội Israel trong các năm tới.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm