Quốc tế

Ai Cập xây dựng thủ đô thông minh ở sa mạc

Một trung tâm hành chính mới ở khu vực giữa sông Nile và kênh Suez sẽ được xây dựng trở thành thành phố thông minh đầu tiên của Ai Cập.

Ai Cập sợ Mỹ, không dám mua tiêm kích "tử thần" Su-35 của Nga? / Sức ép cực lớn có khiến Ai Cập từ bỏ Su-35?

Ai Cập đang bận rộn xây dựng một thủ đô mới - chưa được đặt tên - để trở thành trung tâm hành chính mới của đất nước này và là nơi sinh sống của 6,5 triệu cư dân.

Thủ đô mới sẽ bao phủ 700 km2, tương đương với diện tích của Singapore, và cách thủ đô Cairo 35 km về phía Đông.

Thủ đô mới của Ai Cập sẽ cách phía Đông Cairo 35 km (Ảnh: ACUD)

Thủ đô mới sẽ có tòa nhà quốc hội, dinh tổng thống mới, sân bay lớn nhất Ai Cập, tòa tháp cao nhất châu Phi, nhà hát lớn nhất Trung Đông, khu giải trí trị giá 20 tỷ USD và một công viên đô thị khổng lồ lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York.

Ảnh: ACUD

Việc xây dựng thủ đô mới nhằm đáp ứng sự gia tăng dân số nhanh chóng. Được biết, cứ 15 giây, ở Ai Cập, quốc gia đông dân nhất ở Trung Đông, có một em bé chào đời, có nghĩa là Ai Cập có thêm khoảng 2 triệu người dân mỗi năm.

Cairo đã và đang là một thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm và quá đông đúc, được dự báo dân số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, tức là thêm 40 triệu người. Đến lúc đó, dân số Ai Cấp dự báo đạt 150 triệu dân, tăng từ mức hơn 100 triệu hiện nay. "Hãy quên ISIS, sự bùng nổ dân số của Ai Cập là mối đe dọa lớn nhất của nó", tờ Newsweek đã từng công bố vào năm 2017.

 

Bên cạnh những thách thức về dân số, Tổng thống Sisi - người lên nắm quyền vào năm 2011 – mong muốn ghi dấu ấn, cũng như nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế vẫn còn chậm chạp kể từ sự kiện Mùa xuân Ả Rập.

Khó khăn và sự nỗ lực

Chi phí dự kiến ​​cho dự án từ 45 tỷ đến 58 tỷ USD. Dù dự án có những người ủng hộ, nhưng có những người đã đặt câu hỏi về chi phí, do một số thách thức tài chính - như lạm phát nhanh, thất nghiệp, ngành du lịch suy thoái, cơ sở hạ tầng tồi tàn và tỷ lệ tạo việc làm "khiêm tốn" mà nước này phải đối mặt gần đây.

Mặc dù vậy, dự án này vẫn đang có những bước tiến về phía trước. Đầu tiên là các bộ, ngành thuộc chính phủ có kế hoạch chuyển đến thủ đô mới vào giữa năm 2020 và một loạt các hợp đồng được ký kết hợp tác xây dựng thủ đô mới gần đây như: một khu kinh doanh mới trị giá 834 triệu USD,một hệ thống an ninh kỹ thuật số toàn thành phố và Honeywell lắp đặt hơn 6.000 camera không dây trên toàn thành phố.

Trong khi đó, nhà mạng Viễn thông Ai Cập (Telecom Egypt) do nhà nước sở hữu hồi tháng 9/2019 đã cho biết sẽ xây dựng một mạng lưới viễn thông trị giá 2,44 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới. Nhà sản xuất xe lửa và máy bay Bombardier đã được ký hợp đồng xây dựng một đường ray 21 ga tại thành phố mới, cũng như một tuyến mới để kết nối Đông Cairo với thủ đô mới.

 

Daniel Di Perna, Chủ tịch của Bombardier Transport, cho biết: "Giải pháp di chuyển thông minh cho tương lai đô thị của Cairo có chiều dài 54 km có thể chở 45.000 hành khách mỗi giờ. Thời gian di chuyển ước tính từ Đông Cairo đến thủ đô mới là khoảng 60 phút”.

Công nghệ thông minh đóng vai trò quan trọng

Trang web về dự án thông tin đầy hứa hẹn rằng "thủ đô mới được phát triển với tầm nhìn chiến lược trở thành một thành phố thông minh tích hợp cơ sở hạ tầng thông minh để cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân".

Tầm nhìn này bao gồm: giám sát thông minh việc tắc nghẽn và tai nạn giao thông, các tiện ích thông minh để giảm mức tiêu thụ và chi phí, các tòa nhà thông minh và quản lý năng lượng bao gồm tập trung vào năng lượng tái tạo và sử dụng IoT để tiết kiệm điện năng, cũng như "xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang kết nối mọi tòa nhà sử dụng công nghệ FTTX".

Kế hoạch cho một nhà máy năng lượng mặt trời 90 km2 cũng là một phần của dự án.

 

Cùng kế hoạch này, chính phủ đã tuyên bố rằng đưa thủ đô hành chính mới thành thành phố không tiền mặt đầu tiên trên cả nước.

Sự phát triển của thương mại điện tử, được kỳ vọng sẽ phát triển nhờ dự án này và thanh toán tiền qua điện thoại di động (mobile money) là ưu tiên mang tính chiến lược lớn của chính phủ. Hiện tại, có khoảng 20 triệu tài khoản thanh toán di động đang hoạt động ở nước này, nhưng Ngân hàng Trung ương Ai Cập muốn tăng gấp đôi con số này trong hai năm tới.

Thách thức tài chính và các thách thức khác

Mặc dù các kế hoạch đang tiến triển, nhưng cũng đã có một số thách thức. Reuters năm ngoái đã cho biết "dự án đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí và cần phải vượt qua những thách thức khác sau khi các nhà đầu tư rút lui".

Ahmed Zaki Abdeen - một vị tướng đã nghỉ hưu, người đứng đầu công ty xây dựng thành phố mới - cho biết: "Chúng tôi cần nguồn tài chính rất lớn. Nhà nước không có tiền để rót cho chúng tôi. Kết quả là khoảng 20% đầu tư cho đến nay là từ nguồn nước ngoài.

 

Theo ông Abdeen, Trung Quốc đã đóng góp tới 4,5 tỷ USD cho các chi phí và China State Construction Engineering cũng đang đào tạo 10.000 công nhân xây dựng Ai Cập.

Đáng chú ý, theo tờ Daily News Ai Cập năm ngoái, Matt Walker của MTN Consulting, đã tuyên bố rằng phần lớn đóng góp của Trung Quốc là dưới dạng các khoản vay, và "các ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay tiền để mua thiết bị Trung Quốc".

Và, tất nhiên, xây dựng trên sa mạc cũng mang đến những thách thức khác. Một ví dụ rõ ràng, theo Reuters cho biết, là "thành phố mới sẽ tiêu thụ khoảng 650.000 mét khối nước mỗi ngày từ các nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia Bắc Phi này".

Dự án sẽ thành công?

Việc mở rộng Cairo rõ ràng là không bền vững. Thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả việc được xem là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng một thủ đô mới có phải là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này hay không lại là một vấn đề cần phải bàn.

 

Tờ The economist, cho rằng việc xây dựng thủ đô mới như là "một con voi trên sa mạc" và lưu ý rằng mặc dù thủ đô mới sẽ là một trung tâm việc làm, thì cũng "rất ít công chức có thể đủ đáp ứng cuộc sống ở đó".

"Trung bình một công chức thu nhập 1,247 EGP (70 USD)/tuần, trong khi năm ngoái, Bộ nhà ở niêm yết giá căn hộ trong thành phố ở mức hơn 11.000 EGP (698 USD)/m2".

Ngoài ra là những lo ngại về những tác động có thể đối với thủ đô Cairo lịch sử.

Hamza Hendawia của AP trong một bài báo năm ngoái đặt câu hỏi: "Với một thủ đô Ai Cập mới được xây dựng, Cairo sẽ trở thành gì?". Có những lo ngại, như Amar Ali Hassan, một chuyên gia chính trị - xã hội bày tỏ rằng Cairo - thủ đô của Ai Cập trong hơn 1.000 năm - "có thể bị ghẻ lạnh và dần bị lãng quên".

Do đó, Khaled Fahmy, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ ở Cairo, cho rằng cần nguồn kinh phícho thủ đô mới có thể được sử dụng tốt hơn,khắc phục các vấn đềvốn có hiện nay.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm