Quốc tế

Ấn Độ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng

Chính phủ Ấn Độ vừa công bố kế hoạch thúc đẩy sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Trung Quốc đưa Su-35SK tới biên giới đấu Su-30MKI Ấn Độ / Mỹ chính thức cảnh báo trừng phạt Ấn Độ vì mua S-400

Theo đó, New Delhi quyết định chi 20.000 tỷ Rupee (khoảng 270 tỷ USD) nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế nước này, trong bối cảnh Ấn Độ đang phải chống chọi với tác động của đại dịch Covid-19.

Gói hỗ trợ kinh tế tương đương 10% GDP của Ấn Độ này nhằm hướng tới phong trào tự lực của đất nước theo sáng kiến “Make in India” do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng.

Ấn Độ sẽ cấm nhập khẩu một số mặt hàng vũ khí để thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, New Delhi sẽ tăng giới hạn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng từ 49% hiện tại lên tới 74% theo một lộ trình cụ thể.

Như vậy, Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của nước này, cũng như thúc đẩy việc hợp tác quốc tế thông qua các liên doanh giữa nhà thầu nước ngoài và nhà thầu trong nước.

Ông Sitharaman khẳng định, quyết định này sẽ “giải phóng tiềm năng thực sự của năng lực sản xuất quốc phòng Ấn Độ”, từ đó sẽ nâng cao vị thế của nước này trên thị trường vũ khí toàn cầu cũng như tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trên xe pháo K9 Vajra-T đầu tiên được sản xuất tại Ấn Độ theo hợp đồng với Hàn Quốc.

Để tạo điều kiện cho chính sách này sớm đi vào thực tiễn, chính phủ Ấn Độ cũng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số vũ khí và trang bị kỹ thuật nhất định, đồng thời nâng cao khả năng kết nối, hợp tác của khối doanh nghiệp quốc phòng nội địa.

Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ thông báo danh sách những mặt hàng quốc phòng bị cấm nhập khẩu theo mốc thời gian hằng năm. Do đó, các nhà thầu quân sự Ấn Độ sẽ phải phát triển công nghệ cho các sản phẩm đó để đáp ứng nhu cầu của quân đội.

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ soạn thảo một quy trình mua sắm quốc phòng có thời hạn và thành lập Đơn vị quản lý dự án (PMU) trực thuộc bộ này để hỗ trợ quản lý và thúc đẩy thực thi các hợp đồng quân sự giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và doanh nghiệp quốc phòng nội địa.

Tên lửa Astra trong một vụ phóng thử nghiệm từ tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Thông qua sáng kiến “Make in India” những năm qua, quân đội Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí, trang bị nhưng kèm với điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước.

Biện pháp này nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình. Ví dụ có thể kể ra là hợp đồng súng trường AK-203, xe tăng T-90 với Nga; pháo tự hành K9 Vajra-T 155mm với Hàn Quốc…

Đồng thời, Ấn Độ cũng triển khai một số chương trình sản xuất vũ khí nội địa như xe chiến đấu bộ binh WhAP, xe tăng Arjun, trực thăng tấn công hạng nhẹ LCH hay tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra…

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm