Quốc tế

Ấn Độ tăng cường tự lực quốc phòng

Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây đã nêu ra một loạt sáng kiến thúc đẩy phong trào “Ấn Độ tự cường” với mục tiêu đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng nội địa, giảm phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu từ nước ngoài.

Báo Nga: Rafale Ấn Độ thất thế trước Su-35 Trung Quốc / Ấn Độ dự định thay thế máy bay chiến đấu Rafale mua từ Pháp cách đây chưa đầy một năm bằng Su-35 của Nga

Theo trang mạng Hindustan Times, các sáng kiến này bao gồm nâng cấp các cơ sở quốc phòng, hiện đại hóa nhà máy đóng tàu, triển khai các khí tài quốc phòng sản xuất trong nước và ký kết biên bản ghi nhớ mới với khu vực tư nhân để tăng cường nội địa hóa. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ cấm nhập khẩu 101 loại thiết bị quân sự trong vòng 5 năm tới. Danh sách các mặt hàng cấm rất đa dạng, từ những trang bị đơn giản như áo khoác chống đạn cho tới những loại vũ khí công nghệ cao và quan trọng như pháo, súng trường tấn công, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, thiết bị bay không người lái, tàu khu trục tên lửa...

Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng được đề cập trong danh sách trên sẽ bị cấm nhập khẩu ngay từ năm nay. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, lệnh cấm sẽ được mở rộng dần dần. Bắt đầu từ tháng 12/2020, 69 mặt hàng quân sự sẽ bị cấm nhập khẩu vào Ấn Độ. Sau đó, lệnh cấm sẽ được mở rộng thêm vào cuối các năm: 2021 (11 mặt hàng), 2023 (12 mặt hàng), 2024 (8 mặt hàng). Đến cuối năm 2025, mặt hàng cuối cùng trong danh sách-tên lửa hành trình tầm xa-sẽ không được nhập khẩu vào Ấn Độ. Việc cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn giúp các nhà thầu quân sự Ấn Độ có thời gian phát triển công nghệ cho các sản phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu của quân đội.

Bộ trưởng Rajnath Singh (ngoài cùng, bên trái) bên cạnh xe pháo K9 Vajra-T của Ấn Độ. Ảnh: NNA Business News.

Trong một thông báo đăng tải trên Twitter, Bộ trưởng Rajnath Singh cho biết: “Mục đích của chúng tôi là thông báo cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ về những yêu cầu dự kiến của các lực lượng vũ trang để họ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện mục tiêu tự lực quốc phòng”. Cũng theo ông Rajnath Singh, bên cạnh quy định về các mặt hàng cấm nhập khẩu, Chính phủ Ấn Độ cũng nâng hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng và thiết lập một ngân sách gần 7 tỷ USD trong năm tài khóa 2020-2021 dành riêng để mua sắm vũ khí nội địa.

Là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn thứ tư thế giới nhưng Ấn Độ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí nhập khẩu. Suốt nhiều năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn 2014-2019, giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ rơi vào khoảng 16,75 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia. Không chỉ nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay chiến đấu..., mà ngay cả đạn pháo, tên lửa, Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài. Theo các chuyên gia đánh giá, điều này là gánh nặng với ngân sách quốc phòng Ấn Độ, đồng thời cũng khiến quốc gia Nam Á đối mặt với nguy cơ thiếu thốn trang thiết bị quân sự nếu nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn.

Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí, trang bị nhưng kèm với điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước. Biện pháp này nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng triển khai một số chương trình sản xuất vũ khí nội địa như xe tăng Arjun, trực thăng tấn công hạng nhẹ... Việc giảm phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước giúp Ấn Độ tiết kiệm ngân sách mà vẫn đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực phòng thủ đối phó với những thách thức an ninh. Đây cũng được xem là bước đi phù hợp với mục tiêu “tự lực, tự cường” mà Chính phủ Ấn Độ hướng tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, những sáng kiến mà Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia, tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần giải quyết một số khó khăn, thách thức về kinh tế do đại dịch gây ra. Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để quốc gia Nam Á phát huy tối đa năng lực sản xuất quốc phòng, từ đó nâng cao vị thế của nước này trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm