Anh sẽ giảm dần sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ
Anh bất lực trong việc ngăn cản Tu-95 / Anh cam kết nâng cấp số lượng lớn trực thăng tấn công AH-64 Apache
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi một chính sách khiến Mỹ ngày càng trở nên cô lập. Điều này khiến không chỉ ông mà nhiều chính trị gia tại Anh lo ngại. Theo ông Ben Wallace, Anh đang phụ thuộc quá nhiều vào không quân Mỹ hay các nguồn lực của Mỹ trong các lĩnh vực như tình báo hay trinh sát. “Đã đến lúc Anh phải đa dạng hóa các nguồn lực của mình. Cụ thể, London cần phải đầu tư vào khí tài quân sự để giảm phụ thuộc vào sự bảo vệ trên không và máy bay do thám của Mỹ trong các cuộc xung đột trong tương lai”, ông Ben Wallace nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được cho là bất ngờ bởi kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Anh luôn là quốc gia phụ thuộc vào đồng minh Mỹ nhiều hơn các nước thành viên EU khác. Theo trang mạngiris-france.org, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Học thuyết Churchill ra đời nhấn mạnh vai trò của Mỹ đối với an ninh ở xứ sở sương mù. Lord Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (1952-1957) từng nhận định rằng: “Học thuyết Churchill chỉ để dành cho người Mỹ”. Sau cuộc khủng hoảng ở Suez năm 1956, các nhà lãnh đạo Anh tuyên bố không bao giờ tiến hành một cuộc mạo hiểm ở nước ngoài nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace muốn quân đội Anh đầu tư nhiều hơn vào khí tài quân sự. Ảnh: news.sky.com. |
Sự phụ thuộc an ninh của Anh vào Mỹ còn được thấy rõ trong Thỏa thuận Nassau ký ngày 21/12/1962 tại Nassau, thủ đô của Bahamas. Thỏa thuận trên, do đích thân Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và đại diện phía Anh là Harold Macmillan đặt bút ký, trong đó nhấn mạnh Washington sẽ cung cấp tên lửa Polaris cho London. Thỏa thuận này được gia hạn lần thứ nhất vào đầu năm 2003, thời điểm Anh quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Iraq do Mỹ đứng đầu.
Sự phụ thuộc của Anh vào Mỹ ngày càng tăng sau khi London đưa tàu ngầm hạt nhân đi vào hoạt động. Ngoài ra, Anh cũng là thành viên trong Liên minh tình báo Five Eyes (5 con mắt), cho phép London tiếp cận với các thông tin tình báo từ phía Mỹ. Hai nước còn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó có dự án chế tạo máy bay chiến đấu F-35. Hiện một nửa doanh thu của Tập đoàn quốc phòng BAE Systems đến từ thị trường Mỹ. Theo trang mạngiris-france.org, trong Chiến lược an ninh quốc gia công bố tháng 11-2015, Anh nhấn mạnh: “Sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Anh trong các lĩnh vực hạt nhân, tình báo, ngoại giao, công nghệ và khả năng quân sự đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của mỗi nước. Khả năng tương tác giữa các lực lượng quân đội Anh và Mỹ trong tương lai là hạt nhân thúc đẩy hợp tác quốc phòng".
Do phụ thuộc an ninh vào Mỹ nên Anh không đặt nhiều niềm tin vào hệ thống phòng thủ của châu Âu. Ngoại trừ trong thời gian ngắn, từ 1998 đến đầu năm 2003, Anh mới nhìn nhận EU có “năng lực hành động tự chủ để đối phó với các cuộc khủng hoảng quốc tế” mà người Mỹ không muốn can thiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là một câu nói làm hài lòng người Mỹ.
Chính bởi sự gắn kết chặt chẽ như vậy nên việc Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace tuyên bố Anh sẽ giảm dần sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ là một bất ngờ lớn. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu được vì sao London lại thay đổi quan điểm như vậy. Theo lời giải thích của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh, trong năm 2019, thế giới đã chứng kiến việc Mỹ rút khỏi Syria hay nước này gửi tối hậu thư yêu cầu NATO phải tiếp quản trọng trách tại Iraq và làm nhiều hơn nữa tại Trung Đông. “Quan điểm cho rằng Anh sẽ luôn là một phần của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không còn đúng nữa và Chính phủ Anh sẽ phải cân nhắc tới những hậu quả”, ông Ben Wallace khẳng định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Anh đã rời khỏi EU như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, nước này sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại đến an ninh quốc phòng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo