Quốc tế

Ba Lan tiết lộ thỏa thuận vũ khí lớn nhất 30 năm với Ukraine

Warsaw chuẩn bị ký kết một hợp đồng quân sự lớn nhất với Ukraine trong vòng 30 năm qua.

Công khai ngân sách toàn cầu 2021: Hàn Quốc dẫn đầu về tham vấn cộng đồng / Đức trước nguy cơ đợt bùng phát mới vào mùa thu, Singapore cảnh báo làn sóng COVID-19 tiếp theo

Pháo tự hành AHS Krab. Ảnh: RT

Theo kênh truyền hình RT, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 7/6 thông báo nước này sẽ xuất khẩu các mặt hàng vũ khí trị giá gần 630 triệu USD cho Ukraine. Hợp đồng quân sự được cho là thỏa thuận vũ khí lớn nhất trong 30 năm đối với Warsaw.

Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất vũ khí Stalowa Wola, nhà lãnh đạo phát biểu: “Chúng tôi rất vui khi có cơ hội bán vũ khí ra nước ngoài, đồng thời muốn nhấn mạnh những vũ khí ‘đã được thử nghiệm’ này sẽ đóng vai trò quan trọng trên chiến trường, đặc biệt là ở miền Đông Ukraine”.

Thủ tướng Morawiecki nói thêm một phần tài chính chi trả cho hợp đồng vũ khí trên sẽ do Liên minh châu Âu (EU) đảm nhiệm và Ba Lan sẽ sử dụng số tiền này để đẩy mạnh tiềm năng sản xuất.

Phó Thủ tướng Jacek Sasin cũng đã xác nhận thỏa thuận và tuyên bố tổng giá trị hợp đồng rơi vào khoảng 628 triệu USD.

Cuối tháng 5, Ba Lan viện trợ cho Ukraine 18 lựu pháo tự hành Krab. Lực lượng quân sự của nước này cũng tham gia huấn luyện vận hành vũ khí cho 100 binh sĩ pháo binh của Ukraine. Theo đài phát thanh Ba Lan, lực lượng Ukraine hiện có ít nhất 24 khẩu pháo tự hành do các nước phương Tây viện trợ.

 

Warsaw là nhà viện trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia này đã cung cấp cho Kiev tăng T-72, pháo tự hành Gozdzik, tên lửa không đối không, máy bay không người lái và hệ thống phóng rocket Grad.

Về phần mình, Moskva cảnh báo rằng bất kỳ vũ khí nào của phương Tây ở Ukraine đều là "mục tiêu chính đáng" và Nga sẽ thường xuyên tiến hành các cuộc không kích, tên lửa nhằm vào những vũ khí đó.

Từ cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang có kế hoạch giành lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực.

Chiến dịch quân sự của Nga đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây, trong đó các quốc gia này áp đặt loạt lệnh trừng phạt, đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và nhắm tới một loạt quan chức cấp cao.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm