Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á trải qua một năm đầy căng thẳng
WHO kỳ vọng chấm dứt nhiều dịch bệnh trong năm 2023 / Phòng không Nga sử dụng phần mềm mới để bắn hạ HIMARS ở Ukraine
Hàn Quốc điều tra máy bay không người lái xâm nhập
Hàn Quốc ngày 26/12 cho biết, 5 thiết bị bay không người lái nghi ngờ của Triều Tiên đã vượt qua biên giới liên Triều mà không có sự cho phép của Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc đã theo dõi các thiết bị bay không người lái từ Triều Tiên đi qua khu vực được gọi là đường phân giới quân sự giữa hai nước sau khi phát hiện chúng trên bầu trời thành phố Gimpo vào khoảng 10h25 ngày 26/12 giờ địa phương.
Ông Lee Seung-O - Quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết: "Quân đội Hàn Quốc đã triển khai các phương tiện trinh sát có người lái và không người lái tới các khu vực gần đường phân giới quân sự để thực hiện các biện pháp tương ứng nhằm đáp trả các thiết bị bay không người lái của Triều Tiên xâm phạm không phận của chúng tôi".
Ông này không cho biết có thiết bị bay không người lái nào bị bắn hạ hay không, nhưng trước đó, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đã bắn khoảng 100 phát đạn. Như một phản ứng đáp trả, Hàn Quốc cũng điều máy bay giám sát tới Triều Tiên để chụp các cơ sở quân sự của nước này. Hàn Quốc ngày 26/12 cũng thông báo đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay tại sân bay quốc tế Gimpo và Incheon trong khoảng 1 giờ theo yêu cầu của quân đội.
Căng thẳng tăng nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên
Năm 2022 tình hình trên bán đảo Triều Tiên "nóng" hơn rõ rệt và đến những ngày cuối năm này vẫn đang tiếp tục tăng nhiệt.
Trong suốt cả năm, khu vực này nhiều lần trong tình trạng căng thẳng. Triều Tiên gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi Mỹ - Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Nhật - Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.
Vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên năm 2022 diễn ra ngày 5/1. Tính tới trung tuần tháng 12, Triều Tiên đã phóng ít nhất 65 tên lửa đạn đạo. Đáng chú ý, căng thẳng đã gia tăng nhanh chóng ngay sau khi tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan tới Busan (Hàn Quốc) hồi cuối tháng 9. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 10, Triều Tiên thực hiện liên tiếp 6 vụ phóng tên lửa.
Các vụ phóng của Triều Tiên trong năm nay có điểm nổi bật là mức độ hiện đại của tên lửa, quy mô các vụ phóng và vị trí rơi của tên lửa. Triều Tiên đã sử dụng tên lửa siêu thanh Hwasong-8, là loại tên lửa có tốc độ cực cao, có thể di chuyển với tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Ngày 2/11, Triều Tiên đã phóng thử ít nhất 23 tên lửa, đây được xem là số lượng tên lửa lớn nhất mà Triều Tiên phóng trong một ngày. Trong số các vụ phóng của Triều Tiên, có tên lửa đã rơi xuống phía Nam của đường ranh giới phía Bắc và chỉ cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60 km.
Triều Tiên cũng lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung qua không phận Nhật Bản vào ngày 4/10. Ngoài ra, nước này còn thực hiện một số vụ pháo kích quy mô lớn vào các vùng đệm trên biển Hoàng Hải và vùng biển phía Đông nước này.
Triều Tiên luôn khẳng định các vụ phóng tên lửa và nã pháo là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành. Thực tế, năm 2022 cũng chứng kiến số cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng như tập trận ba bên với Nhật Bản gia tăng mạnh, cả tập trận chống tên lửa, tập trận bắn đạn thật, tập trận hải quân và không quân.
Đáng chú ý là cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc Vigilant Storm hồi cuối tháng 10 với khoảng 240 máy bay và 2 tàu ngầm hạt nhân tham gia. Đây là tập trận không quân chung Mỹ - Hàn Quốc lớn nhất từ trước đến nay. Hàn Quốc cũng phóng 3 tên lửa không đối đất vào vùng biển ngoài khơi đường giới hạn phía Bắc, với tuyên bố để đáp trả các vụ phóng của Triều Tiên.
Các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng và Seoul khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề. Các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau và đàm phán rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài. Những diễn biến này khiến Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á trải qua một năm đầy căng thẳng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo