Báo Đan Mạch: Tàu ngầm Nga đe dọa căn cứ Mỹ
Tàu ngầm thứ ba có khả năng mang ngư lôi Poseidons sẽ được thử nghiệm / Điều khoản rút tàu ngầm "Dmitry Donskoy" khỏi Hải quân Nga được công bố
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Dự án 971 Shchuka-B (NATO định danh là lớp Akula) thuộc Hạm đội Phương Bắc, đã hoàn thành một số thử nghiệm sau khi được hạ thủy sau khi nâng cấp tại Trung tâm sửa chữa tàu Zvyozdochka.
"Zvyozdochka đã hoàn tất giai đoạn sửa chữa và hiện đại hóa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Leopard. Tàu ngầm đã rời nhà xưởng chính của xưởng đóng tàu để hoàn thành công việc còn lại tại cầu tàu của công ty", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Tàu ngầm hạt nhân Nga. |
Sau nâng cấp, những tàu ngầm hạt nhân thuộc Dự án 971 được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-PL, vũ khí có thể tấn công chính xác mục tiêu từ khoảng cách hơn 2000km.
Chiếc tàu vừa hoàn thành nâng cấp thuộc trang bị của Sư đoàn tàu ngầm số 24 của Hạm đội Phương Bắc gồm 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là Leopard, Vepr, Tigr, Pantera, Gepard và Volk.
Nói về việc Nga hạ thủy tàu Leopard, tờ Berlingske của Đan Mạch cho rằng, việc hoàn thành nâng cấp tàu ngầm với tên lửa tầm xa Kalibr-PL cùng với những tên lửa siêu thanh Kinzhal giúp lực lượng Nga có thêm vũ khí đủ sức đặt căn cứ không quân Thule của Mỹ ở Greenland vào vòng nguy hiểm.
Chuyên gia Emil Rottbell của tờ Berlingske nói: "Tôi không biết chắc chắn tên lửa siêu thanh Kinzhal và Kalibr-PL của Nga bay được bao xa do họ thường bảo mật vấn đề này, nhưng có một điều chắc chắn rằng với tốc độ, độ chính xác và tầm bắn hơn 2000 km, những vũ khí này sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Bắc Cực".
Chuyên gia này cũng tin rằng, Nga chắc chắn rất muốn phá hủy các radar phòng thủ tên lửa của Mỹ được đặt tại Thule khi có xung đột. Ngoài ra, khu vực Bắc Cực có tầm rất quan trọng đối với Nga, vì vậy trong khu vực này hoàn toàn có thể xuất hiện xung đột trong tương lai.
Nga đã tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Bắc Cực từ lâu. Cụ thể, Moscow đang đệ trình các đơn lên Liên Hợp Quốc về việc ưu tiên khai thác tài nguyên thiên nhiên ở thềm Bắc Cực. Năm 2018, Nga đã thông qua một chương trình của nhà nước, bao gồm các biện pháp tài chính cho sự phát triển của Bắc Cực nói chung và Tuyến đường biển phía Bắc nói riêng đến năm 2025.
Chính phủ Nga cũng đã xây dựng các quy tắc mới để điều hướng tuyến đường biển phía Bắc cho các tàu quân sự của các quốc gia nước ngoài. Theo luật mới, các tàu thuyền đi dọc theo bờ biển Bắc Cực phải được chính quyền Nga chấp thuận. Các quốc gia nước ngoài sẽ phải thông báo về ý định vượt đường biển phía Bắc trước 45 ngày. Ngoài ra, sẽ có một người Nga ở trên bất kỳ tàu thuyền nào để dẫn đường.
Nga coi Tuyến đường biển phía Bắc là một tuyến giao thông vận tải quốc gia, được thiết lập trong lịch sử của Nga ở Bắc Cực. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, Bắc Cực ngày càng đang đóng vai trò chiến lược đối với Nga.
Năm 2017, Tổng thống Vladimir Putin đã phê duyệt chính sách của nhà nước đối với hoạt động hải quân cho đến năm 2030 ở khu vực Bắc Cực. Vào tháng 5/2020, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận ở Bắc Cực sau khi các tàu chiến của Mỹ và Anh được điều động đến khu vực này lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Lo ngại Nga chiếm trọn Bắc Cực, các nước NATO cũng đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với Biển Barents. Theo nguồn tin này, Hải quân Mỹ và các đồng minh bắt đầu tham gia nhiều hơn các hoạt động ở Bắc Cực để có được kinh nghiệm cho lực lượng hải quân của mình khi hoạt động trong điều kiện khó khăn, đặc biệt là giá lạnh ở Bắc Cực.
Trong khi đó, Nga đang tích cực phát triển các chiến thuật chống tàu ngầm mới. Chương trình này đã được phát triển vào năm 2019 và lực lượng của Hải quân Nga gần đây đã thử nghiệm nó trong các hoạt động của mình.
Các chiến thuật này có thể đặt ra một thách thức đối với Mỹ và NATO. Vì vậy, nếu Mỹ và NATO muốn đối đầu với Nga ở khu vực Bắc Cực thì phải tích cực hiện đại hóa các hạm đội của mình, đặc biệt là tàu phá băng và tàu ngầm tấn công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo