Quốc tế

Báo Mỹ khoe vũ khí giúp 'giành thắng lợi tuyệt đối', chuyên gia Nga 'cười nhạt'

Tạp chí 19FortyFive cho rằng pháo tự hành M109A7 Paladin sẽ mang lại chiến thắng cho Mỹ trước Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tuy nhiên các chuyên gia quân sự phía Moskva lại không nghĩ như vậy.

Nhận định ban đầu về nguyên nhân vụ rơi máy bay tại Nga khiến 16 người chết / Hệ thống EW Nga gây 'cơn đau đầu' cho Lầu Năm Góc

Hệ thống pháo tự hành bánh xích M109A7 Paladin ít được báo chí Mỹ nhắc đến so với xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, bởi vì nó hiếm khi được sử dụng trong các hoạt động quân sự ở Cận Đông và Trung Đông.

Tuy nhiên Tạp chí 19FortyFive lại cho rằng nếu nước Mỹ bắt đầu một cuộc chiến tranh quy ước chống lại các cường quốc quân sự như Nga hoặc Trung Quốc thì khẩu lựu pháo này sẽ cho phép họ giành chiến thắng.

Tác giả bài viết trên tờ 19FortyFive khẳng định: “M109A7 Paladin là khẩu pháo tự hành có thể thay đổi cuộc chơi trong trường hợp xảy ra chiến tranh”.

M109A7 Paladin sử dụng đạn pháo cỡ 155 mm với trọng lượng 45 kg, hệ thống hỗ trợ nạp đạn cho tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút. Phạm vi tiêu diệt mục tiêu là 30 km, hoặc tăng lên trên 40 km khi sử dụng đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ.

Nhờ sự cải tiến không ngừng, hiện nay công việc đang được tiến hành để nâng cao tốc độ bắn thông qua hệ thống nạp đạn tự động hoàn toàn. Đặc biệt khi loại đạn dẫn đường Excalibur được tạo ra, giúp Paladin có khả năng bắn xa 50 km với độ chính xác cực cao.

Tuy nhiên hiện nay Quân đội Nga đã có trong biên chế những tổ hợp tác chiến điện tử (EW) tiên tiến, đủ khả năng vô hiệu hóa Paladin, bởi vì vũ khí này phụ thuộc phần lớn vào công nghệ máy tính, bao gồm cả hệ thống dẫn đường bằng GPS.

“Đây là một vấn đề tiềm ẩn bởi vì Nga vượt trội Mỹ về tác chiến điện tử. Các hệ thống Paladin có thể bị chặn trong trận chiến với Nga, đặc biệt khi Moskva đã nhiều lần thể hiện kỹ năng của mình trong lĩnh vực nói trên".

"Hiện nay Quân đội Mỹ đang cải tiến Paladin do Lầu Năm Góc lo ngại cuộc chiến chống lại các phương tiện bọc thép của Nga và Trung Quốc", 19FortyFive bình luận và diễn giải các nhà phát triển đang cố gắng để pháo có thể bắn trúng mục tiêu từ cự ly lên tới 100 km.

“Ý tưởng là 'đánh và chạy': họ (pháo binh) bắn một vài phát sau đó di chuyển đến vị trí mới để gây nhầm lẫn cho kẻ thù. Theo đúng khái niệm, quân đội đang tập trung vào việc chế áp các phương tiện bay không người lái của đối phương".

Tạp chí quân sự Mỹ cho rằng trong thời gian tới, thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nơi xe tăng và pháo binh trở thành tâm điểm chú ý.

Trước ý kiến được đưa ra bởi 19FortyFive, chuyên gia quân sự, Giám đốc thương mại tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" - ông Alexei Leonkov trong cuộc trò chuyện với phóng viên của PolitExpert (PE) đã bày tỏ nhận định của mình.

Ông Leonkov khẳng định rằng những bài báo như vậy, nói về khả năng một vũ khí có thể giúp đè bẹp cả một đội quân rõ ràng được viết bởi những người không hiểu thế nào là tác chiến binh chủng hợp thành hiện đại.

“Trên chiến trường không có cuộc đấu tay đôi nào giữa vũ khí này với vũ khí khác. Tất cả các hệ thống tác chiến đều có liên hệ chặt chẽ với nhau", người đối thoại của PE giải thích.

Chuyên gia Leonkov lưu ý: "Cho dù bản thân thứ vũ khí hay cách bố trí hoàn hảo đến đâu, luôn có một số lượng lớn các loại vũ khí khác giúp vô hiệu hóa nó".

“Chúng ta không được quên rằng việc trinh sát diễn ra trước khi bắt đầu trận chiến - phần lớn mục tiêu đều đã được xác định. Bất cứ nơi nào có pháo tự hành của Mỹ, chúng sẽ luôn phải đối mặt tên lửa chống tăng tấn công rất nhanh và chính xác”.

Ngoài ra ông Leonkov còn lưu ý về việc Quân đội Nga đã được trang bị hệ thống pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV với tính năng vượt trội M109A7 Paladin của Mỹ.

Vũ khí này chính thức được giới thiệu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moskva vào năm 2015, nó có tầm bắn tối đa 80 km. Tốc độ tác xạ trong khoảng 11 - 16 viên/phút, thông số trên vượt xa đối thủ.

“Koalitiya-SV vượt trội về tầm xa, tốc độ bắn cũng như độ chính xác khi đặt cạnh Paladin. Nếu chúng ta nói về tên lửa dẫn đường như Krasnopol thì cũng không có gì tương tự trong kho vũ khí của Mỹ", chuyên gia quân sự Leonkov tổng kết.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm