Quốc tế

Bayraktar TB2 - UAV "làm mưa làm gió" trên chiến trường Nagorno-Karabakh

Máy bay trinh sát-tấn công không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là phương tiện tác chiến "làm mưa làm gió" trên chiến trường Nagorno-Karabakh, mang lại những ưu thế vượt trội cho quân đội Azerbaijan.

'Sát thủ' diệt UAV 'siêu khủng' của Nga lộ diện / Ukraine mua UAV và tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ

Vai trò của UAV trong chiến tranh hiện đại

Từ lâu, nhiều nước đã đánh giá cao những lợi thế to lớn của phương tiện bay không người lái (UAV), từ trinh sát đến tấn công cảm tử (kamikaze). Ngoài ra, các UAV còn rẻ hơn các máy bay chiến đấu cùng loại và được chế tạo nhanh hơn nhiều, có thể ở trên không trong thời gian dài để chờ lệnh tấn công mà không bị radar đối phương phát hiện.

Mất UAV, quân đội không mất phi công - chuyên gia, ngoài ra, việc mất chúng cũng ít nhạy cảm hơn về mặt chính trị và tâm lý. Đồng thời, do kích thước nhỏ hơn và đặc tính kỹ thuật tốt, máy bay không người lái thường là mục tiêu khó bị bắn hạ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu có người lái.

UCAV Bayraktar TB2 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều cấu phần nhập khẩu. Nguồn: defenceturk.net
UCAV Bayraktar TB2 được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều cấu phần nhập khẩu. Nguồn: defenceturk.net

Bàn thảo về diễn biến và kết quả cuộc xung đột ở Karabakh, các chuyên gia quân sự gọi đó là "cuộc chiến của máy bay không người lái hay những vị thần mới của chiến tranh" do sự xuất hiện lâu dài, liên tục của UAV như một phương tiện trinh sát trên chiến trường, làm thay đổi đáng kể bức tranh toàn cảnh về việc tiến hành các hoạt động chiến đấu. Trong cuộc xung đột này, máy bay không người lái không chỉ là phương tiện do thám, xác định mục tiêu mà còn là phương tiện sử dụng vũ khí chính xác cao. Với sự giúp đỡ của chúng, ưu thế trên không lần đầu tiên được thiết lập.

Trong thực tế, về tỷ lệ chi phí-hiệu quả và về chi phí cần thiết cho việc mua sắm, vận hành, sử dụng vũ khí chính xác cao đã trở nên kinh tế hơn so với việc tiêu thụ một khối lượng lớn đạn dược không điều khiển… Ngoài ra, các công nghệ hiện đại giúp thu nhỏ các loại vũ khí có độ chính xác cao, làm cho chúng thậm chí còn rẻ hơn. Các UAV cảm tử (loitering ammunition, kamikaze) là những ví dụ về vũ khí chính xác cao rẻ tiền và bí mật - điều lý giải sự lan truyền nhanh chóng của chúng.

Bayraktar TB2 - UAV tấn công chiến dịch-chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ

Bayraktar TB2 (trong tiếng Thổ nghĩa là “Người cầm cờ"), một phương tiện chiến đấu không người lái (unmanned combat aerial vehicle - UCAV) có thể giám sát và điều khiển từ xa (bởi trạm điều khiển mặt đất) hoặc bay tự động, do công ty tư nhân Baykar Makina sản xuất cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực tình báo, chỉ định và cả tấn công mục tiêu. UCAV Bayraktar TB2 bắt đầu được phát triển vào năm 2007 bởi một cựu sinh viên Thạc sĩ trường MIT (Mỹ) và là con rể Tổng thống đương nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc phát triển Bayraktar TB2 được thúc đẩy bởi lệnh cấm xuất khẩu UAV của Mỹ sang cho Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan tới việc nước này sử dụng chúng chống lại nhóm PKK (Đảng Công nhân Kurdistan - một tổ chức chính trị và quân sự của người Kurd) trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. TB2 dựa trên Bayraktar TB1 trước đó, ra mắt vào năm 2009; thử nghiệm lần đầu cho mục đích quân sự vào tháng 8/2014. Tháng 6 và tháng 8/2014, Bayraktar TB2 đã lập kỷ lục thế giới về máy bay không người lái thuộc hạng chiến thuật tầm trung về thời lượng bay - 24 giờ 34 phút (ở độ cao 8km).

 

Bayraktar TB2 đã tham chiến ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Nguồn: uasvision.com
Bayraktar TB2 đã tham chiến ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh. Nguồn: uasvision.com

Năm 2016, việc sử dụng chiến đấu UAV TB2 đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra ở Syria và năm 2018, hơn 100 triệu USD đã được phân bổ từ ngân sách quân sự để sản xuất Bayraktar TB2. Hiện, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang được trang bị 86 Bayraktar TB2. Ngoài ra, UCAV này có trong trang bị của Không quân Qatar (6 chiếc), Libya, Azerbaijan và Ukraine (12 chiếc Bayraktar TB2 và 3 trạm điều khiển).

Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg, được trang bị động cơ đốt trong Rotax 912 công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km. Cấu hình tiêu chuẩn TB2 bao gồm mô-đun camera quang điện tử (EO), mô-đun camera hồng ngoại (IR), thiết bị, công cụ tìm kiếm và hệ thống điều khiển laser, được tích hợp phần mềm và hệ thống điều khiển tiên tiến.

Bayraktar TB2 có thể được coi là một hệ thống UCAV tấn công, mỗi hệ thống gồm 6 UAV, 2 trạm điều khiển mặt đất, 3 thiết bị đầu cuối dữ liệu mặt đất, 2 thiết bị đầu cuối video từ xa và thiết bị hỗ trợ mặt đất. Nó có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS (nặng 37kg, đường kính 160mm, tầm bắn 500-8.000m), cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.

Chiến tích

Bayraktar TB2 được coi là một trong các UCAV mạnh nhất thế giới và Syria là chiến trường thử lửa đầu tiên với các “nạn nhân” rất đa dạng, từ xe tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chuyển quân đến các tổ hợp phòng không. Hơn 122 UAV Bayraktar TB2 được sử dụng bởi Azerbaijan, Qatar và Ukraine cũng như lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoàn thành hơn 270.000 giờ bay. Hơn 350 nền tảng UAV Baykar Defense đã phá kỷ lục trong lịch sử hàng không Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 370.000 chuyến bay.

 

Chiến tích đầy ấn tượng của Bayraktar TB2 tại Nagorno-Karabakh. Nguồn: big-war.ru
Chiến tích đầy ấn tượng của Bayraktar TB2 tại Nagorno-Karabakh. Nguồn: big-war.ru

Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là phương tiện tác chiến "làm mưa làm gió" trên chiến trường Nagorno-Karabakh, mang lại những ưu thế vượt trội cho quân đội Azerbaijan, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Các UAV vũ trang Bayraktar TB2 gây ra tổn thất lớn cho Armenia, phá hủy ít nhất một tổ hợp Panzer-C1 do Nga sản xuất, trị giá gần 15 triệu USD; hàng chục hệ thống phòng không 9K33 Osa và 9K35 Strela-10. Tổng chi phí của các phương tiện quân sự bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh đã vượt quá 1,9 tỷ USD.

H. Arzomanyan - nhà phân tích quân sự nổi tiếng người Armenia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, 80% tổn thất của quân đội Artsakh do các UAV Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Trước đó, ít nhất 23 hệ thống phòng không Pantsir đã bị tiêu diệt bởi các Bayraktar TB2 và Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya. Ví dụ của cuộc tấn công như vậy là việc phá hủy 8 tổ hợp tên lửa và súng Pantsir của Syria vào tháng 3/2020. Tháng 4/2020, hàng trăm quân chính phủ Syria, hàng chục xe tăng, xe bọc thép và pháo đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công "bầy đàn" Bayraktar TB2 ở Syria.

Tháng 5/2020, Bayraktar TB2 của chính phủ của Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) đã phá hủy 9 hệ thống tên lửa Pantsir của Nga trong các chiến dịch chống lại các nhóm vũ trang của Tướng Haftar. Thành công trên chiến trường khiến triển vọng xuất khẩu UAV trên được đánh giá là rất xán lạn, khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ý quan tâm và mong muốn đặt mua hoặc sản xuất theo giấy phép.

Bayraktar TB2 có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc dạng “bầy đàn” và sẽ được tiếp tục hoàn thiện. Nguồn: uasvision.com
Bayraktar TB2 có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc dạng “bầy đàn” và sẽ được tiếp tục hoàn thiện. Nguồn: uasvision.com

Mặc dù thành công, nhưng Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dễ bị tổn thương như một máy bay trong Thế chiến II - có thể là con mồi dễ dàng, đặc biệt là đối với máy bay A-10 hoặc máy bay “Super Tucano”. Cho đến nay, ít nhất 20 chiếc Bayraktar TB2 đã bị bắn tan xác tại nhiều địa điểm và trong nhiều hoàn cảnh chiến đấu khác nhau.

Đáng nói, mặc dù Bayraktar TB2 được một công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nhưng điều đó sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không có hệ thống tên lửa Hornet, được công ty EDO MBM Technology của Anh phát triển và chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, công ty này thuộc về người khổng lồ Mỹ L3 Harris, nhà sản quốc phòng lớn thứ sáu trên thế giới. Bom và tên lửa L3 Harris hiện được sử dụng trên máy bay chiến đấu Mỹ F-35 Lightning II, F-22 Raptor, F/A-18E/F Super Hornet, F-15E Strike Eagle, F-16 Fighting Falcon, Drums Poseidon P-8A và MQ-9 Reaper.

 

Công ty Viasat của Mỹ đã tuyên bố, họ không biết rằng Baikar Makina đang sử dụng hệ thống liên lạc vệ tinh của họ. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu các cấu thành phần và công nghệ như động cơ (từ công ty Rotax (Australia), và Bombardier Recreational Products (BRP, của Canada), tên lửa (từ Anh) và các thiết bị quang điện tử (FLIR, từ Wescam, Canada hoặc Hensoldt, Đức). Tuy nhiên, BRP của Canada - một nhà sản xuất nổi tiếng thế giới đã tạm dừng xuất khẩu động cơ cho Thổ Nhĩ Kỳ do việc sử dụng TB2 ở Nagorno-Karabakh; và hiện Bayraktar đang hướng ánh mắt của họ về phía Trung Quốc.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm