Quốc tế

'Sát thủ' diệt UAV 'siêu khủng' của Nga lộ diện

Với tốc độ bắn cao, 2S38 Derivatsiya có khả năng bắn hàng loạt đạn và kích nổ tất cả đạn đồng thời, đám mảnh đạn quét sạch bất kỳ máy bay không người lái nào bay tới từ bầu trời.

Nga thực hiện 10 chuyến bay kỳ lạ đến Armenia trong một ngày / Tiêm kích Su-57 của Nga so kè J-20 Trung Quốc

Đòi hỏi của thực tiễn

Các loại máy bay không người lái (UAV), trong đó có các vũ khí cảm tử lưu động nhỏ và rẻ tiền, đã trở thành mối đe dọa lớn đối các lực lượng mặt đất và trên biển… Vì không có hệ thống phòng không rẻ và dễ sử dụng nào có khả năng chống lại một bầy máy bay không người lái, quân đội nhiều nước buộc phải bắn hạ chúng bằng tên lửa trị giá hàng triệu USD.

Trong biên chế của quân đội Nga, các tổ hợp phòng không (ПВО - PVO) như Pantsir hay Tunguska đã chứng tỏ được uy lực của mình trong một thời gian dài. Tuy nhiên, triết lý của người Nga khi tạo ra 2S38 Derivatsiya dùng pháo cỡ nòng 57mm lại hoàn toàn khác. Nếu sử dụng các cỡ nòng lớn hơn như 76mm, 85mm hoặc 100mm thì không thể lắp các hệ thống đó trên khung gầm của xe chiến đấu bộ binh. Pantsir hay Tunguska tác chiến chủ yếu dựa vào pháo 30mm, có hiệu suất tác chiến tương đối thấp, trong khi tên lửa tương đối đắt tiền.

Pháo phòng không tự hành 2S38 Derivaciya; Nguồn: alternathistory.com
Pháo phòng không tự hành 2S38 Derivaciya; Nguồn: alternathistory.com

Đối với lực lượng mặt đất, khả năng cơ động của pháo phòng không là tối quan trọng, bộ binh phải di chuyển cùng với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, có khả năng lội nước. Nếu sử dụng khung gầm nặng hơn, pháo phòng không tự hành sẽ không thể lội nước. Và nếu sử dụng cỡ nòng nhỏ hơn, nó sẽ làm giảm bán kính sát thương và hỏa lực tổng thể. Do đó, 57mm là cỡ nòng tối ưu cho các hệ thống vũ khí chống UAV xét về góc độ hỏa lực và đạn dược.

Đạn 57mm có tính sát thương cao hơn nhiều so với đạn 30mm của 2S6 Tunguska hoặc 23mm của ZSU-23-4 Shilka cũ. Nó dễ dàng đánh bại hầu hết các xe bọc thép hiện đại, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống pháo tự hành và các loại xe bọc thép khác. Tất nhiên, với những sửa đổi nhỏ, hệ thống phòng không dùng pháo 57mm cũng có thể được lắp đặt trên các khung gầm khác.

2S38 Derivaciya PVO là pháo phòng không tự hành mới của Nga, được thiết kế để thay thế hệ thống tên lửa/súng phòng không 2S6 Tunguska, đã có trong trang bị từ những năm 1980. Derivatsiya có thể tạo ra một lá chắn bởi một trận mưa đạn nổ tung cùng các mảnh đạn trong không khí, chống lại các mục tiêu trên không, thậm chí có thể tấn công các tên lửa, pháo cỡ lớn đơn lẻ.

Mô hình 2S38 Derivatsiya ra mắt lần đầu tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế Army 2017, hiện mẫu chiến đấu đã qua thử nghiệm dã ngoại nhiệt độ thấp tại Nizhny Novgorod, và qua thực chiến tại chiến trường Syria. Các thông số kỹ thuật: xe nặng 18-23 tấn, dài 7,8m, rộng 3,23m, cao 2,4m; được trang bị pháo chính 57mm (cơ số đạn 148 viên, góc tầm (-5)-(75) độ, góc hướng 360 độ), tổ hợp chống tăng Kornet, súng phòng không 12,7mm; tốc độ đường nhựa 70km/h, tốc độ bơi 10km/h, dự trữ hành trình 600km, có thể vượt chướng ngại cao 0,8m, hào 2,5m; kíp xe 3 thành viên.

Tính năng kỹ-chiến thuật “khủng”

 

Xe chiến đấu 2S38 Derivatsiya dựa trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3, được trang bị một trạm vũ khí điều khiển từ xa gắn pháo 2А90 cỡ nòng 57mm và một súng máy 12,7mm gắn bên ngoài. Tổ hợp 2S38 Derivatsiya bao gồm tổ hợp pháo phòng không ZAK-57 (do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương Burevestnik thiết kế) trên khung gầm BMP-3; xe 9Т260 trên khung gầm Ural-4320-30 hoặc Ural-63704-0010 với cấu hình 6x6 (để vận chuyển và nạp đạn, chất lỏng làm mát cho pháo); xe vận chuyển trên khung gầm Ural-4320-30; xe bảo dưỡng 9В9005 2В119 trên khung gầm Ural-4320-1812-31. 9T260 có thể nạp lại đạn cho đồng thời hai tổ hợp 2S38 SPAAG trong 20 phút.

Tổ hợp 2S38 Derivatsiya trong một cuộc duyệt binh; Nguồn: live.staticflickr.com
Tổ hợp 2S38 Derivatsiya trong một cuộc duyệt binh; Nguồn: live.staticflickr.com

Vỏ thép và tháp pháo của phương tiện phòng không này được chế tạo từ hợp kim nhôm. Vỏ giáp phía trước là giáp composite, có khả năng chống đạn xuyên giáp 30mm; các phần còn lại có thể chống đạn xuyên giáp 14,5mm. Khả năng bảo vệ có thể được tăng cường bằng việc bổ sung giáp phản ứng nổ. Xe 2S38 cũng được trang bị hệ thống bảo vệ kíp xe khỏi các tác nhân hóa-xạ-sinh, hệ thống chữa cháy tự động, ống phóng lựu đạn khói ngụy trang (ngoài khả năng tạo màn khói bằng cách bơm nhiên liệu vào ống xả khí thải - giống như các phương tiện chiến đấu thời Liên Xô).

2S38 được trang bị động cơ diesel UTD-29 V-10, công suất 500 mã lực, dùng hộp số sàn với 4 số tiến và 2 số lùi. Động cơ được gắn ở phía sau để phân bổ trọng lượng tốt hơn và cải thiện khả năng lội nước. Xe có hệ thống treo khí nén, có thể được điều chỉnh để phù hợp với địa hình, và có thể lội nước hoàn toàn nhờ 2 hệ thống đẩy nước, có thể bắn trong khi đang bơi. Nó cũng được lắp một lưỡi dao phía trước và có thể tự đào ủi để tạo vị trí phòng thủ.

2S38 Derivatsiya có thể sử dụng cả loại đạn 57mm hiện có, cũng như đạn xuyên giáp và đạn điều khiển điện tử - dẫn đường và kích nổ từ xa, như các nước phương Tây đang sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại sự đa dạng trong phương thức tác chiến. Pháo 57mm có tốc độ bắn 120 viên/phút, có thể tấn công các mục tiêu bay với tốc độ tối đa 1.800km/h, với khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không ở cự ly tối đa 6-8km. Người Nga thậm chí còn tự tin rằng, trong một số trường hợp, loại pháo tự hành này có thể tiêu diệt mục tiêu chỉ với hai phát bắn.

Đây được coi là thông số ấn tượng, vì nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên không thường được phó thác cho pháo cao tốc hoặc tên lửa dẫn đường. Kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, pháo 2А90 có thể bảo vệ hiệu quả lực lượng mặt đất không chỉ trước các cuộc tấn công của UAV, mà còn từ tên lửa hành trình, trực thăng và máy bay tấn công…, cũng như tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, xe cộ và bộ binh đối phương ẩn nấp trong các tòa nhà và công sự dã chiến…

 

2S38 Derivatsiya trong một buổi thử nghiệm dã ngoại nhiệt độ thấp tại Nizhny Novgorod; Nguồn: eadaily.com
2S38 Derivatsiya trong một buổi thử nghiệm dã ngoại nhiệt độ thấp tại Nizhny Novgorod; Nguồn: eadaily.com

Với tốc độ bắn cao, Derivatsiya có khả năng bắn hàng loạt đạn và kích nổ tất cả đạn đồng thời, đám mảnh đạn quét sạch bất kỳ máy bay không người lái nào bay tới từ bầu trời. Xét về tầm bắn, Derivatsiya có thể so sánh với tên lửa chống tăng UMTAS dẫn đường bằng laser của NATO, cũng như các hệ thống đạn thông minh Roketsan MAM-C và MAM-L được Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ở Trung Đông. Không giống như phiên bản đầu, hệ thống pháo phòng không 2S38 Derivatsiya-PVO, được trưng bày tại Army-2019, có hệ thống điều khiển hỏa lực được cải tiến với các thiết bị ngắm bằng radar đa kênh.

Hệ thống phòng không Derivatsiya tích hợp các hệ thống phát hiện và theo dõi thụ động, sử dụng thiết bị ngắm nhiệt thay vì radar để phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không. Nó có thể phát hiện máy bay tấn công mặt đất A-10 Thunderbolt II ở cự li lên tới 6.400-12.300m tùy thuộc vào chế độ làm việc, các UAV nhỏ như IAI Bird Eye 400 - cự li 700-4.900m. Khí tài trinh sát quang điện tử có trường quan sát rộng, bao quát 360 độ với tầm rà quét trên 12km.

Một điểm đặc biệt của khẩu pháo chính của Derivatsiya là tính mô đun của nó, có thể được lắp đặt trên cả các nền tảng hạng nặng, dưới dạng bệ hoặc xe thiết giáp bánh xích hạng năng, cũng như trên xe chiến đấu bộ binh BRM-3 hoặc xe trinh sát BRM-3K. Cũng có một phiên bản AU-220M dành cho máy bay vận tải, biến sức mạnh chiến đấu của Il-76 hoặc An-12 tương đương với C-130 Hercules của Mỹ. Đối với máy bay vận tải quân sự, AU-200M được sản xuất với cỡ nòng 30 và 105mm.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm